Hệ thống an toàn chủ động ADAS không còn quá xa lạ đối với người lái xe hiện nay bởi đã có rất nhiều hãng xe trang bị công nghệ này cho những mẫu xe của mình, bao gồm từ những thương hiệu xe hạng sang cho đến những thương hiệu xe phổ thông.
Tại Việt Nam, một số mẫu xe tiêu biểu đang được trang bị công nghệ này như VinFast VF9, VF8, Honda CR-V, Mazda CX-5, Subaru Forester, Ford Everest...
Ford có lẽ là hãng xe tiên phong mang những công nghệ ADAS về Việt Nam từ những năm 2011-2012 trên mẫu Ford Focus với khả năng phanh tự động phòng tránh va chạm, tự động lùi chuồng...Thế nhưng tại thời điểm đó, những công nghệ này còn quá xa lạ với đại bộ phận khách hàng Việt Nam và khiến cho giá bán của Ford Focus cao hơn rất nhiều các đối thủ khác. Sau đó công nghệ an toàn chủ động ADAS dần bị quên lãng do không thể cạnh tranh về giá cả.
Mãi đến đầu năm năm 2017, khi Volvo Việt Nam giới thiệu Volvo XC90, XC60 thì những công nghệ an toàn chủ động ADAS mới lại được nhiều người chú ý và tạo ra đặc trưng riêng cho thuơng hiệu xe Bắc Âu này.
Sau đó, hàng loạt hãng xe phổ thông cũng đưa công nghệ an toàn chủ động ADAS lên những mẫu xe của mình như Mazda, Honda, Toyota...và gần đây là cả những mẫu xe điện như VinFast, BYD...Điều này đã khiến công nghệ mới được tiếp nhận rộng rãi hơn.
Với những tính năng riêng biệt, công nghệ an toàn chủ động giúp những mẫu xe ô tô ngày càng trở nên an toàn hơn.
Ví dụ công nghệ an toàn chủ động đã trở thành điểm cộng rất lớn của hãng xe Volvo khi giúp duy trì khoảng cách với xe phía trước bằng hệ thống kiểm soát hành trình thích ứng ACC, khả năng phanh tự động với hệ thống phanh chủ động khẩn cấp AEB, khả năng giữ làn đường với hệ thống hỗ trợ giữ làn đường LKA...
Tất cả những hệ thống này được gói gọn trong cái tên Pilot Assist, giúp người lái xe an toàn hơn khi điều khiển xe trên đường.
Phanh chủ động khẩn cấp có an toàn?
Trong các công nghệ an toàn chủ động thì hệ thống phanh chủ động khẩn cấp AEB (sẽ có tên gọi khác tuỳ theo cách gọi của từng hãng xe) là một trong những hệ thống được nhiều người quan tâm nhất. Chiếc xe có thể chủ động phát hiện chướng ngại vật phía trước trong trường hợp người lái không kịp quan sát và xe sẽ tự phanh giảm tốc để bảo đảm an toàn, giảm thiểu thiệt hại khi có tai nạn xảy ra.
Hệ thống phanh chủ động khẩn cấp AEB thường được chia ra 3 giai đoạn bao gồm:
Giai đoạn 1: cảnh báo sớm bằng hình ảnh và âm thanh khi phát hiện ra khả năng va chạm. Nếu người lái xe không có phản ứng giảm tốc hoặc đánh lái tránh thì xe sẽ cảnh báo giai đoạn 2 bằng cảnh báo âm thanh lớn hơn. Ở một số hãng sẽ cho phép hệ thống AEB can thiệp sớm vào hệ thống phanh để giảm tốc một cách tối ưu nhất.
Ở giai đoạn 3, khi người lái vẫn không có phản hồi giảm tốc thì hệ thống AEB sẽ can thiệp cả vào phanh và giảm công suất động cơ để có thể giảm thiểu va chạm. Trong một số trường hợp, hệ thống phanh chủ động AEB sẽ phanh gấp để đảm bảo an toàn cho xe và người ngồi trên xe.
Mặc dù hệ thống phanh chủ động khẩn cấp AEB nói riêng và các công nghệ an toàn chủ động ADAS nói chung có vẻ khá tối ưu trong việc đảm bảo an toàn giao thông nhưng thực tế các hãng xe luôn đưa ra khuyến cáo rằng các công nghệ an toàn chủ động chỉ có tác dụng hỗ trợ người lái chứ không thể hoàn toàn thay thế người lái.
Do đó, người lái tuyệt đối không được phụ thuộc hoàn toàn vào công nghệ này, cần phải nắm rõ cơ chế này để chủ động xử lý mọi tình huống trên mọi hành trình, không coi đó là công việc của phanh tự động.
Để đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông, người lái xe cần tập trung chủ động điều khiển xe, quan sát tình trạng giao thông để đưa ra phán đoán và xử lý kịp thời khi có tình huống bất ngờ xảy ra.
Ngoài ra, mỗi nhà sản xuất đều có một tiêu chuẩn hoạt động cho mỗi hệ thống an toàn chủ động của riêng mình bao gồm trường hợp kích hoạt AEB, giải tốc độ hoạt động của AEB...nên để có thể biết chính xác cách hoạt động của hệ thống an toàn chủ động, tài xế nên đọc kỹ sách hướng dẫn sử dụng được trang bị kèm theo khi mua xe.