Ô tô giá rẻ ồ ạt về Việt Nam, giá bao nhiêu?

Pha Lê |

Mặc dù lượng ô tô nhập khẩu tăng mạnh nhưng giá trị lại không tăng so với tháng 1 mà có xu hướng giảm nhẹ.

Ô tô giá rẻ ồ ạt về Việt Nam, giá bao nhiêu? - Ảnh 1.

Hình minh họa

Tổng cục Thống kê mới đây đã có báo cáo về tình hình nhập khẩu và sản xuất lượng ô tô trong tháng 2/2023. Sản lượng ước tính trong tháng khoảng 56.700 chiếc, tăng tới 42,6% so với tháng 1.

Về sản lượng xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước tháng 2/2023 ước đạt 26.700 chiếc, tăng nhẹ 5,5% so với tháng 1 (với 25.300 chiếc) và giảm 4,5% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng lượng xe ô tô được các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp trong nước từ đầu năm đến nay ước đạt 52.000 chiếc, giảm 18,3% so với cùng kỳ năm 2022.

Đáng chú ý, lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc về Việt Nam tháng 1 chỉ đạt số lượng là 14.457 chiếc với giá trị kim ngạch 314,5 triệu USD thì sang tháng 2 đã tăng lên 30.000 xe với giá trị kim ngạch 298 triệu USD.

Mặc dù lượng nhập khẩu tăng mạnh, gấp hơn 2 lần so với tháng 1 nhưng thực tế, giá trị nhập khẩu lại không tăng mà có xu hướng giảm nhẹ. Trong tháng 1/2023, giá trị trung bình ô tô nhập khẩu vào Việt Nam là 21.754 USD/xe thì tháng 2, con số này chỉ đạt chưa tới 10.000 USD/chiếc (khoảng 230 triệu đồng). Như vậy, các nhà nhập khẩu ô tô trong tháng vừa qua đã chủ yếu đưa về các dòng xe giá rẻ với số lượng lớn.

Sau 2 tháng đầu năm, lượng xe ô tô nhập khẩu về nước đạt 44.457 xe với giá trị kim ngạch nhập khẩu đạt 612 triệu USD. Tính trung bình giá trị mỗi xe ô tô nhập khẩu về nước trong 2 tháng đầu năm 2023 đạt hơn 326 triệu đồng/xe.

Ô tô giá rẻ ồ ạt về Việt Nam, giá bao nhiêu? - Ảnh 2.

Haima SUV 8S

Ngoài những thị trường nhập khẩu chính của Việt Nam là Thái Lan, Indonesia, Hoa Kỳ thì thời gian gần đây, xe ô tô Trung Quốc cũng tích cực nhập khẩu về Việt Nam. Trong tháng 1/2023, Việt Nam đã nhập khẩu 328 chiếc từ thị trường này. Đây cũng đang thuộc top 5 quốc gia có thị phần ô tô nhập khẩu về Việt Nam nhiều nhất.

Trong vài năm gần đây, nhiều sản phẩm đến từ các thương hiệu Trung Quốc như Zotye, BAIC hay Beijing liên tục được đưa về Việt Nam. Mới đây, Haima - thương hiệu xe Trung Quốc xuất hiện tại Việt Nam hơn 10 năm về trước nhưng không thành công đã quay trở lại.

Haima đã ký kết thỏa thuận hợp tác với công ty CarVivu để đưa ba mẫu xe Haima gồm 8S, 7X và 7X-E về Việt Nam và mở bán trong nửa cuối năm 2023 thông qua các đại lý đặt tại Hà Nội và TPHCM. Haima 8S thuộc phân khúc CUV cỡ C, cạnh tranh trực tiếp với Hyundai Tucson và Mazda CX-5, 7X là MPV thuộc tầm trung, cạnh tranh với Toyota Innova, và Haima 7X-E là phiên bản thuần điện của 7X.

Hay như Chery - hãng ô tô có lượng xuất khẩu phương tiện lớn nhất tại Trung Quốc cũng ấp ủ kế hoạch một lần nữa quay trở lại thị trường Việt Nam. Trong buổi giới thiệu SUV Omoda 5 thế hệ mới diễn ra cuối năm 2022, Chery xác nhận sẽ sản xuất mẫu xe này tại Việt Nam vào năm 2024. Dòng sản phẩm mà thương hiệu này mang đến Việt Nam dự kiến sẽ cạnh tranh với các mẫu xe ăn khách như Toyota Corolla Cross và Hyundai Creta.

Công ty cổ phần ô tô TMT (TMT Motors) đã ký hợp tác chiến lược với liên doanh SGMW (gồm GM - SAIC - Wuling) nhằm đưa mẫu xe điện cực kỳ ăn khách trên thị trường là Wuling Hongguang Mini EV về Việt Nam. Mẫu xe này sẽ được lắp ráp tại nhà máy ô tô Cửu Long của TMT đặt tại Văn Lâm, Hưng Yên từ quý hai năm nay. Xe chính thức được mở bán vào cuối năm 2023.

Theo dự báo, thị trường ô tô Việt Nam vào năm 2025 có thể đạt quy mô từ 700.000 - 800.000 xe/năm, và trên 1 triệu xe/năm vào năm 2030. Việc nhiều thương hiệu chọn Việt Nam là điểm đến sẽ làm gia tăng sự lựa chọn cho khách hàng cũng như làm cho thị trường ô tô trong nước sôi động hơn bao giờ hết. Đây là cơ hội lý tưởng cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam phát triển.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại