Chỉ giảm một phần phí cho xe kinh doanh
Anh Nguyễn Đình Hùng (quận Gò Vấp, TPHCM) cho biết, đã gần 2 tháng nay TPHCM áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, ô tô gia đình anh chỉ đỗ một chỗ. Mỗi tuần, anh Hùng lại nổ máy xe để bảo dưỡng máy và nạp điện ắc quy nhưng không đi ra đường dù chỉ 1 lần.
Đề cập tới phí bảo trì đường bộ, anh Hùng vẫn cảm thấy không thỏa đáng khi không được miễn, giảm khoản phí này.
“Phí bảo trì chủ xe phải trả do lưu thông trên các tuyến đường đầu tư bằng ngân sách, nhưng vì dịch, xe của tôi và nhiều người khác ở TPHCM đã 2 tháng nay thực hiện nghiêm ở nguyên tại chỗ. Dù vậy, chủ xe vẫn mất phí, không thấy ai đề cập miễn giảm gì”, anh Hùng nói.
Tương tự, anh Lê Anh Tuấn (Hoàng Mai, Hà Nội) cũng thấy không công bằng khi 1 tháng qua anh không đưa xe rời hầm chung cư, nhưng anh vẫn không thấy các bộ, ngành đề cập việc miễn, giảm phí bảo trì đường bộ đối với ô tô cá nhân.
Theo anh Tuấn, các loại ô tô kinh doanh được giảm 10-30% phí bảo trì đường bộ, nhưng xe cá nhân không được miễn giảm gì.
“Có thể với xe gia đình, mức phí bảo trì đường bộ không lớn, tôi đã nộp một lần khi đăng kiểm xe, nhưng vẫn cảm thấy không công bằng theo nguyên tắc có dùng - có trả, không dùng - không mất phí. Phí sử dụng đường chủ xe vẫn phải nộp, trong khi Bộ GTVT đã yêu cầu dừng hoạt động các trạm thu phí BOT ở những địa phương giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16”, anh Tuấn nói.
Gánh nặng về khoản phí bảo trì đường bộ hiện rơi vào khối doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách, khi hầu hết ô tô khách liên tỉnh, taxi tại các địa phương áp dụng Chỉ thị 16 đều phải dừng hoạt động.
Tuy nhiên, các đơn vị vẫn phải đóng 70% phí bảo trì đường bộ so với quy định (xe khách được giảm 30%, xe tải giảm 10% tới hết năm nay). Ông Lưu Huy Hà, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vận tải Hoàng Hà cho biết, công ty có hơn 400 ô tô khách và taxi, riêng phí bảo trì đường bộ công ty ông phải trả hơn 200 triệu đồng mỗi tháng.
“Xe khách (đa số loại 45 chỗ), đắp chiếu cả tháng, dù được giảm, công ty vẫn mất phí bảo trì tương đương 413.000 đồng/xe/tháng. Từ khi dịch COVID-19 bùng phát, xe khách liên tỉnh hoạt động bập bõm, cơ bản dừng 60-70%, hơn tháng nay dừng hẳn, công ty không có doanh thu, không sử dụng đường vẫn phải mất phí, rất phi lý”, ông Hà nói.
Theo vị lãnh đạo doanh nghiệp trên, dù đã có quy định về miễn phí bảo trì đường bộ với xe dừng kinh doanh liên tục 30 ngày trở lên nhưng thủ tục phức tạp. Doanh nghiệp phải gửi sở GTVT phê duyệt thủ tục mới được chấp nhận giảm. Đặc biệt, trong thời gian này, xe sẽ bị tạm thời thu hồi phù hiệu, khi tái hoạt động phải xin cấp lại.
Ðề xuất miễn phí bảo trì
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam (VATA) Nguyễn Văn Quyền cho biết, hiệp hội đã vài lần có văn bản kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành miễn phí bảo trì đường bộ trong những tháng dịch COVID-19 bùng phát, các tháng khác giảm 50% phí này.
Theo ông Quyền, khi có dịch, xe tải còn hoạt động được. Riêng xe khách, taxi cơ bản phải dừng toàn bộ. Xe không ra đường vẫn phải phải nộp 70% phí bảo trì. Cùng với đó, mức giảm 30% phí bảo trì đường bộ với xe chở khách tới hết năm nay, theo lãnh đạo VATA, là mức thấp trong khi lĩnh vực kinh doanh này là một trong nhóm chịu tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh.
“Xe dừng hoạt động không có doanh thu vẫn phải trả nợ và lãi vay, chưa kể không ra đường vẫn phải đóng phí bảo trì là chưa hợp lý”, ông Quyền nói. Theo ông Quyền, riêng ô tô kinh doanh chở khách, cả nước có khoảng 300.000 phương tiện, nhưng 2 tháng nay có tới 80-90% dừng hoạt động.
Ông Lưu Huy Hà đề xuất Chính phủ nên xem xét miễn phí bảo trì đường bộ với ô tô dừng hoạt động trong những tháng dịch bùng phát, thời gian khác cũng nên giảm nhiều hơn, thay vì mức 30% đang áp dụng.
Bên cạnh đó, thủ tục để miễn loại phí này cũng cần đơn giản hơn bình thường, chỉ cần chủ phương tiện cung cấp văn bản yêu cầu dừng hoạt động của chính quyền là được miễn. Điều này cũng đảm bảo công bằng với các dự án đường bộ BOT, khi các trạm thu phí tại địa phương áp dụng Chỉ thị 16 đều dừng thu phí.
Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội Nguyễn Công Hùng cũng kiến nghị Nhà nước miễn phí bảo trì đường bộ cho doanh nghiệp khi địa phương yêu cầu dừng hoạt động để chống dịch. Điều này vừa công bằng vừa hỗ trợ doanh nghiệp vận tải lúc khó khăn.
Hiện doanh nghiệp của ông Hùng có hơn 1.000 taxi, mới đây Hà Nội cho phép 200 xe hoạt động, số còn lại vẫn dừng. Với taxi dù hoạt động hay không, mỗi tháng phí bảo trì đường bộ vẫn phải nộp 126.000 đồng/xe (đã giảm 30%).
Số liệu từ Tổng cục Ðường bộ cho thấy, tổng thu phí bảo trì đường bộ mỗi năm Nhà nước thu được khoảng 8.000 tỷ đồng. Hằng năm, ngân sách Nhà nước cấp bù để đảm bảo chi cho hoạt động bảo trì đường bộ khoảng 10.000 tỷ đồng/năm. Theo Thông tư 47/2021 của Bộ Tài chính, ô tô kinh doanh chở khách được giảm phí bảo trì đường bộ 30% so với quy định mức thu phí này tại Thông tư 293/2016; xe tải, xe đầu kéo, xe chuyên dùng được giảm 10%. Mức giảm này áp dụng tới hết năm 2021.
Chiều 24/8, trao đổi với PV Tiền Phong, lãnh đạo Vụ Chính sách Thuế (Bộ Tài chính) cho rằng, các đề xuất trên của doanh nghiệp vận tải sẽ được tiếp thu để nghiên cứu. Đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh, rất cần các giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp, doanh nghiệp cũng cần chủ động đề xuất giải pháp cụ thể thay vì kiến nghị chung chung.
Thực tế, thẩm quyền của Bộ Tài chính với phí bảo trì đường bộ chỉ được quyết định giảm, còn miễn thì Quốc hội mới có quyền quyết định.
“Chính phủ đã giao Bộ GTVT nghiên cứu, tổng hợp và báo cáo đề xuất các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vận tải, nên chính sách này phía Bộ GTVT cần chủ động đề xuất. Bộ Tài chính trong thẩm quyền của mình đã quyết định giảm mức phí này tới hết năm”, lãnh đạo Vụ Chính sách Thuế nói.
Lãnh đạo Tổng cục Đường bộ (Bộ GTVT) lại chưa bình luận gì về các đề xuất trên.