Ô nhiễm không khí ở mức báo động: Cơ quan chức năng vẫn “im lìm”

N.Yến – T.Huyền |

Dù Hà Nội gần như cả ngày chìm trong lớp sương mù bụi mịn ô nhiễm nhưng cũng chưa thấy một động thái từ phía chính quyền để xử lý và ngăn chặn tình trạng này.

Trước tình trạng ô nhiễm không khí nặng có thể gây nguy hại đến sức khỏe, nhiều trường học trên địa bàn TP Hà Nội đã chủ động hạn chế các hoạt động ngoài trời và khuyến cáo học sinh đeo khẩu trang, mặc kín để tránh bụi mịn bám vào cơ thể.

Tuy nhiên, dù Hà Nội gần như cả ngày chìm trong lớp sương mù bụi mịn ô nhiễm nhưng cũng chưa thấy một động thái từ phía chính quyền để xử lý và ngăn chặn tình trạng này.

Hà Nội lọt “top” thành phố ô nhiễm nhất thế giới

Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT), trong những ngày vừa qua, nồng độ bụi PM2.5 trong không khí ở Hà Nội đã vượt ngưỡng tiêu chuẩn 2-3 lần, chạm ngưỡng rất xấu. Tổng cục Môi trường đưa ra dự báo đến ngày 18-12, Hà Nội có thể có mưa.

“Do đó, trong vài ngày tới, chất lượng không khí có thể duy trì ở mức xấu”, báo cáo của Tổng cục Môi trường nêu.

Cơ quan này khuyến cáo người dân không nên hoạt động ở ngoài trời. Đáng chú ý, đây không phải lần đầu tiên nước ta có thành phố "lọt top" những thành phố có chỉ số ô nhiễm cao nhất thế giới trên nhiều thang đo quốc tế.

Theo ghi nhận vào lúc 7h30 sáng 16-12, bầu trời Hà Nội vẫn chìm trong mù mịt, các nhà cao tầng bị che phủ bởi các lớp sương, bụi. Số liệu từ Cổng thông tin quan trắc môi trường của UBND TP Hà Nội cho thấy, chỉ số chất lượng không khí trong ngày 16-12 tại 10 điểm quan trắc đều đang ở ngưỡng kém.

Chỉ số AQI (chỉ số chất lượng không khí trung bình một ngày) duy trì màu cam (tức chất lượng không khí kém).

Trước đó, ngày 13-12, trang AirVisual đã xếp Hà Nội là TP ô nhiễm thứ 2 trong các điểm quan trắc trên toàn thế giới.

Cũng giống như sự khuyến cáo từ phía Tổng cục Môi trường, Bộ Y tế đã đưa ra những lời khuyên cho người dân đối phó với bụi và ô nhiễm, Bộ Y tế đã phải đưa ra khuyến cáo để người dân dự phòng, bảo vệ sức khoẻ.

Theo đó, người dân nên hạn chế ra khỏi nhà, vận động tập thể dục, lao động ngoài trời; ra đường nên sử dụng khẩu trang đảm bảo chất lượng và đeo khẩu trang đúng quy cách (đảm bảo kín, khít mặt).

Mọi người nên thực hiện một số vệ sinh cá nhân như mũi, súc họng sáng tối bằng nước muối sinh lý, đặc biệt sau khi ra đường cần tra rửa mắt bằng nước muối sinh lý.

Tuy nhiên, ngoài những khuyến cáo để đối phó thì chưa thấy cơ quan nào đưa ra những giải pháp triệt để khắc phục tình trạng ô nhiễm gia tăng này.

Theo GS.TS Hoàng Xuân Cơ, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quan trắc và mô hình hóa môi trường, khi ô nhiễm lên đỉnh điểm, các cảnh báo đã được đưa đến người dân thông qua các số liệu.

“Tuy nhiên, lãnh đạo Hà Nội vẫn phản ứng chậm chạp khi đứng trước tình hình này. Chúng ta có đủ nguồn lực để làm tình hình trở nên khả quan hơn, nhưng hiện chưa có đơn vị nào dám đứng ra làm và dám chịu trách nhiệm.

Tôi chưa nhìn thấy vai trò quản lý của các sở, ngành của Hà Nội trong những ngày không khí ô nhiễm”, GS.TS Hoàng Xuân Cơ chia sẻ.

Thực tế, UBND TP Hà Nội cũng đã đưa ra quyết định sẽ cấm dùng than tổ ong vào năm 2020. Đây cũng được cho là một trong những giải pháp nhằm giảm thiểu ô nhiễm nhưng vẫn là giải pháp cho tương lai.

Còn trong thời điểm hiện tại, chưa có biện pháp nào được đưa ra nhằm giảm mức độ ô nhiễm đang ngày càng nghiêm trọng.

Còn theo TS Hoàng Dương Tùng, chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, đây là đợt ô nhiễm không khí khủng khiếp ở một số tỉnh miền Bắc và Hà Nội. Nhiều nơi, qua quan trắc thấy hiện tượng đốt chất thải, rác thải rất kinh khủng mà chính quyền địa phương vẫn xem nhẹ.

Thậm chí cũng không có đợt kiểm tra cao điểm nào về chấp hành quy định về môi trường trong hoạt động xây dựng”, TS Hoàng Dương Tùng băn khoăn.

Các trường học tự đưa ra giải pháp bảo vệ học sinh

Ông Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Lê Quý Đôn (Mỹ Đình) cho biết, trước tình trạng ô nhiễm không khí, đặc biệt là vào thời điểm sáng sớm, tỷ lệ học sinh trong trường bị các bệnh về đường hô hấp như cảm cúm, đau họng tăng đáng kể.

Nhà trường đã tuyên truyền, nhắc nhở học sinh có những biện pháp để phòng tránh và tự bảo vệ như mặc ấm khi dậy sớm, đeo khẩu trang khi đến trên đường; rửa tay và vệ sinh mũi họng sau thời gian di chuyển.

Đặc biệt, vào các buổi sáng, khi sương mù đậm đặc, nhà trường cũng đã chủ động hạn chế các hoạt động ngoài trời, đồng thời khuyến cáo học sinh chơi trong lớp học, chơi ở khu vực hành lang trong giờ ra chơi để hạn chế thấp nhất các tác động từ bụi mịn.

Khi tình trạng ô nhiễm không khí giảm, học sinh mới xuống sân tham gia các hoạt động chung.

“Ở thời điểm hiện tại, tình trạng ô nhiễm không khí chủ yếu rơi vào một số thời điểm cục bộ trong ngày nên việc điều chỉnh giờ học, lịch học hay cho học sinh nghỉ học là chưa cần thiết.

Với sự chủ động của mình, các trường hoàn toàn có thể có những biện pháp giảm thải tác động của ô nhiễm không khí nhưng cũng không làm xáo trộn đến lịch học và sinh hoạt của học sinh, phụ huynh”, ông Nguyễn Quốc Bình chia sẻ.

Vị Hiệu trưởng này cũng đề nghị trong các bản tin dự báo thời tiết hằng ngày, cơ quan chức năng cần có thêm những phân tích sâu về tình trạng ô nhiễm không khí với các chỉ số cụ thể để từ đó, người dân có biện pháp ứng phó phù hợp.

Ông Lê Hồng Vũ, Trưởng phòng GD&ĐT quận Tây Hồ (Hà Nội) cho biết: Vào thời điểm Hà Nội được cảnh báo đang trong tình trạng ô nhiễm không khí nặng, Phòng GD&ĐT quận và các nhà trường đã chủ động khuyến cáo phụ huynh đưa con đi học vào buổi sáng nên đeo khẩu trang, mặc kín để tránh bụi mịn bám vào da.

Tương tự, lãnh đạo Phòng GD&ĐT quận Hà Đông cũng đã chỉ đạo các trường trên địa bàn dọn dẹp vệ sinh, lau chùi cửa kính, trồng thêm cây xanh, hoa.

Đồng thời, nhắc nhở học sinh nếu có việc phải ra ngoài, cần đeo khẩu trang có chức năng lọc khí để tránh khói, bụi. Khi đi ra ngoài về, nên rửa mũi, họng bằng nước muối sinh lý…

Trước lo lắng của giáo viên, phụ huynh về việc ô nhiễm môi trường sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe học sinh, ông Lê Ngọc Quang, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội - cho rằng: Người dân và phụ huynh học sinh cần thực hiện theo khuyến cáo của các cơ quan chức năng.

Vào các thời điểm có chất lượng không khí kém, trẻ em, người già và những người mắc bệnh hô hấp cần hạn chế ra ngoài. Nếu phải ra ngoài, phụ huynh nên cho con sử dụng khẩu trang đạt chuẩn để hạn chế ảnh hưởng đến sức khỏe.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại