Ô nhiễm không khí ở Hà Nội: Thành phố đã đưa ra 19 giải pháp

Hoàng Đan |

Trong 19 giải pháp, có tổ chức lắp đặt các trạm quan trắc, xây dựng mạng lưới quan trắc giám sát chất lượng môi trường và kiểm soát nguồn thải ô nhiễm môi trường.

Hà Nội đưa ra 19 giải pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí

Chiều 1/10, tại cuộc họp báo quý của UBND TP Hà Nội, liên quan đến thông tin ô nhiễm không khí trên địa bàn thành phố, ông Định cho hay, theo số liệu quan trắc của Sở TN&MT, từ 13/9 chất lượng không khí ở Hà Nội tại nhiều thời điểm trong ngày kém, chủ yếu là ô nhiễm bụi mịn PM2.5.

"Theo tiêu chuẩn, chất lượng không khí ở mức kém sẽ gây ảnh hưởng đến hệ hô hấp con người nhất là cho người già, trẻ em… theo đó khi ra ngoài, người dân để đảm bảo sức khỏe nên sử dụng khẩu trang" , ông Định nói.

Ông Định cho rằng, hiện nay, UBND TP biết trên điện thoại có rất nhiều app, thiết bị đo chỉ số ô nhiễm, nhưng báo chí và người dân nên tham khảo đối chiếu với kết quả của các cơ quan chuyên môn công bố trên các website của Hà Nội để có kết quả chính xác nhất.

Ông Định liệt kê 12 nguyên nhân khác nhau dẫn đến ô nhiễm trên địa bàn, trong đó có khí thải phương tiện giao thông, người dân đốt than tổ ong, bếp củi, vật liệu phá dỡ công trình, tình trạng đốt rơm rạ, ô nhiễm sông hồ, trại chăn nuôi, tác động do khí hậu chuyển mùa…

Để cải thiện môi trường không khí, theo ông Định, TP đã đưa ra 19 giải pháp. Trong đó, có tổ chức lắp đặt các trạm quan trắc, xây dựng mạng lưới quan trắc giám sát chất lượng môi trường và kiểm soát nguồn thải ô nhiễm môi trường.

Thay đổi việc thu gom rác thải hàng ngày từ thủ công sang hoàn toàn bằng xe quét, hút bụi; xử lý ô nhiễm ao hồ ngoại; xây dựng kế hoạch vận đọng đến 31/12/2020 không còn hộ xử dụng bếp than tổ ong; triển khai xây dựng nhà máy xử lý bùn, xử lý rác thải bằng công nghệ đốt, phát điện.

Cùng với đó, thường xuyên kiểm tra, xử lý xe chở vật liệu xây dựng cho các công trình; triển khai "cánh đồng không đốt rơm rạ"; phát triển giao thông vận tải theo hướng sử dụng vận tải công cộng, hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân….

Trả lời thêm các câu hỏi của báo chí, ông Mai Trọng Thái, Chi cục trưởng Chi cục TN&MT, Sở TN&MT Hà Nội cho biết, vấn đề ô nhiễm không khí thời gian qua có nhiều nguyên nhân.

Ông Thái cho hay, Sở TN&MT đã công bố, khuyến cáo đến người dân, nếu môi trường ở mức độ kém thì người dân tham gia hoạt động ngoài trời cần sử dụng khẩu trang, người già, trẻ nhỏ cần hạn chế ra ngoài trời.

Ông Thái thông tin, Hà Nội hiện có 10 trạm quan trắc không khí, sử dụng từ năm 2017 chất lượng châu Âu, trong đó có 3 trạm quan trắc đặt cố định. Hiện đang triển khai dự án đến 2020 lắp 20 trạm quan trắc cố định và 1 trạm cảm quan trắc lưu động.

Ngoài ra, 12 trạm cảm biến và đến 2020 sẽ có 32 trạm quan trắc không khí.

Nói về sự khác biệt giữa các chỉ số quan trắc của Hà Nội và một số đơn vị như Air visual, Pam air, ông Thái cho biết, do trạm của Hà Nội đặt cố định, còn của các đơn vị khác là đo cảm biến, đánh giá nhanh.

Ông Thái cũng cho biết, theo dự báo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, khoảng ngày 3/10, Hà Nội sẽ có thể có mưa giông, cải thiện chất lượng không khí.

Thông tin về việc kỷ luật GĐ giao đất cho mẹ và chị gái

Cũng tại cuộc họp, phóng viên đã đề nghị lãnh đạo UBND TP thông tin về việc kỷ luật ông Nguyễn Mạnh Quyền, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Hà Nội, liên quan đến vụ giao đất cho mẹ và chị gái trong thời gian còn làm Bí thư huyện Quốc Oai.

Đồng thời, phóng viên đặt câu hỏi, đề nghị lãnh đạo UBND TP cho biết, lý do đình chỉ giải quyết tố cáo vụ Giám đốc Sở KH-ĐT giao đất trái luật.

Trả lời câu hỏi này, ông Vũ Đăng Định, Chánh Văn phòng kiêm Người phát ngôn UBND TP Hà Nội khẳng định, đối với vấn đề kỷ luật cán bộ liên quan đến vụ việc người thân ông Nguyễn Mạnh Quyền được giao đất trái luật đã được "thành phố thực hiện theo đúng quy định và quy trình".

Ông Định nói, thời gian tới khi có kết quả về việc xử lý vụ việc sẽ công bố cụ thể.

Ô nhiễm không khí ở Hà Nội: Thành phố đã đưa ra 19 giải pháp - Ảnh 2.

Ông Vũ Đăng Định (đứng) đang trả lời câu hỏi của PV.

Đang phối hợp với cơ quan điều tra làm rõ vụ Nhật Cường

Liên quan đến vụ việc Nhật Cường, phóng viên hỏi người phát ngôn của UBND TP Hà Nội, sau thời điểm Công ty này có văn bản đề nghị chuyển giao hệ thống dịch vụ công trực tuyến cho Hà Nội vận hành thì TP đã tiếp nhận lại chưa và hiện nay vận hành như thế nào? Đồng thời, số dịch vụ công do Nhật Cường triển khai chiếm bao nhiêu % trong tổng số dịch vụ công trực tuyến của TP.

Phóng viên cũng đặt vấn đề về việc, có thông tin cho rằng, Nhật Cường thuê hai văn phòng của Sở Thông Tin Truyền Thông tại số 185 Giảng Võ và số 1 Hoàng Đạo Thuý. Vậy, Hà Nội cho thuê bao nhiêu năm, giá cả như thế nào? Nhật Cường đã thanh toán đầy đủ chưa và với vụ án xảy ra, TP có lấy lại các địa điểm cho thuê này không...?

Trả lời câu hỏi, ông Định cho hay, hiện nay, đối với vụ Nhật Cường, thành phố đang phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra và khi có kết luận của cơ quan chức năng sẽ thông tin sớm nhất.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại