Tổ chức WHO liên tục đưa ra cảnh báo Việt Nam là quốc gia có mức độ ô nhiễm không khí đặc biệt cao so với các nước trong khu vực Châu Á và Thái Bình Dương.
Ở Việt Nam có tới hơn 50% số ngày trong năm là có chất lượng không khí kém. Đặc biệt một thông tin gây lo ngại mới đây do Đại sứ quán Hoa Kỳ công bố: Khi quan trắc tại địa điểm Đại sứ quán Hoa Kỳ, Hà Nội là thành phố có mức độ ô nhiễm cao thứ 2 trên thế giới.
Thực hư vấn đề này ra sao? Làm thế nào để khắc phục được tình trạng ô nhiễm nặng nề như vậy? Chuyên mục Góc nhìn thẳng của báo điện tử VietNamNet hôm nay có cuộc trao đổi với ông Hoàng Dương Tùng - Phó Tổng cục trưởng - Tổng cục Môi trường xung quanh vấn đề này.
Nhà báo Phạm Huyền: Thưa ông, như ông đã biết, gần đây các tổ chức quốc tế đã đưa ra cảnh báo về tình trạng ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm môi trường không khí ở Hà Nội ở mức cực kì nặng.
Vậy về phía chúng ta, theo số liệu của các ông, các ông đánh giá như thế nào về thực trạng ô nhiễm môi trường không khí ở Hà Nội hiện nay?
Ông Hoàng Dương Tùng: Vâng, những ngày vừa rồi chúng tôi cũng có quan trắc ở địa điểm 556 Nguyễn Văn Cừ, kết quả cho thấy rằng chỉ số ô nhiễm môi trường có tăng cao.
Tuy nhiên, tăng cao như dư luận nói là cao nhất nhì thế giới, tôi cho rằng không đúng.
Những chỉ số đó, chúng ta cần hiểu rằng, trong quan trắc môi trường cần phải có quan trắc rất nhiều nơi, nhiều chỗ mới có thể đánh giá được một vùng, chứ không nên chỉ trắc nghiệm một địa điểm nào đó, vào một thời điểm nào đó để đánh giá là chất lượng của cả một vùng, hay của một ngày.
Tuy nhiên, tôi nhắc lại rằng, các ngày vừa rồi, các số đo của chúng tôi cũng là cao. Nó cũng có nhiều nguyên nhân. Vì thế chúng ta cũng phải có cách nhìn nhận cho đúng đắn về vấn đề này.
Nhà báo Phạm Huyền: Xin ông nói rõ thêm, so với tiêu chuẩn hiện nay, so với ngưỡng an toàn, thông số từ các ông đo được gấp bao nhiêu lần?
Ông Hoàng Dương Tùng: Hiện nay, thông số chúng tôi đo được gấp 1,5 - 1,6 lần, đấy là những lúc cao điểm. Còn nhìn chung, có thể thấy rằng, có những lúc dưới ngưỡng theo quy chuẩn, có những lúc cao.
Ông Hoàng Dương Tùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường trao đổi với chuyên mục Góc nhìn thăng (ảnh: VietNamNet)
Cái đặc điểm của ô nhiễm không khí phụ thuộc vào thời điểm nào trong một ngày, hay phụ thuộc vào cái địa điểm chúng ta đo. Cái thứ 3 là phụ thuộc vào thời tiết và các nguyên nhân gây ô nhiễm.
Thế nghĩa là, đối với đánh giá chỉ số của một ngày thì người ta phải dựa vào chỉ số là 24, trung bình là 24 giờ chứ không phải thời điểm nào đó chúng ta đo, rồi chúng ta nói rằng đó là đại diện cho cả một ngày. Chúng ta cần hiểu được như vậy.
Nhà báo Phạm Huyền: Tôi băn khoăn, không biết tình trạng vượt tiêu chuẩn trong chất lượng không khí ở Hà Nội như vậy diễn ra bao nhiêu năm rồi, tính từ năm bao nhiêu thì xuất hiện hiện tượng vượt chuẩn như vậy, thưa ông?
Ông Hoàng Dương Tùng: Trong báo cáo hiện trạng môi trường 5 năm của chúng tôi, cho thấy ngày mà vượt AQI - vượt quy chuẩn trong năm ngày càng nhiều lên. Có những ngày cũng đặt ở mức báo động.
Tình trạng đó chưa được cải thiện và chúng ta nên cẩn thận nếu không, một ngày không xa việc ô nhiễm như các thành phố khác như Bắc Kinh cũng có thể xảy ra nếu chúng ta không có biện pháp xử lý.
Nhà báo Phạm Huyền: Ông có lo ngại rằng, một ngày nào đó, Hà Nội có thể rơi vào ngưỡng đứng thứ 2 trên thế giới về ô nhiễm không khí không thưa ông?
Ông Hoàng Dương Tùng: Đứng thứ mấy thì chúng ta chưa thể nói được nhưng điều chắc chắn là nó sẽ ngày càng ô nhiễm và ô nhiễm không thông thường như các vùng ô nhiễm khác.
Đây không phải là nói một cách võ đoán, mà là qua những số liệu chúng tôi đo được vào các năm.
Mình cũng nhìn thấy rằng, những nguồn ô nhiễm từ đâu ra và nguồn ô nhiễm đó không giảm đi mà có chiều hướng tăng lên, ví dụ, xây dựng của Hà Nội chẳng hạn, là một trong những nguyên nhân, hay là số lượng xe máy ô tô.
Có cái gì để ngăn được số lượng xe máy, ô tô cá nhân giảm đi đâu? Rồi đến chuyện đốt rơm rạ...
Tuy nhiên chúng tôi cũng thấy rằng, một số việc chúng ta đang cố gắng làm để cải thiện tình hình nhưng chưa thành hiện thực. Đó là những điều tôi thấy lo lắng.
Nhà báo Phạm Huyền: Như ông chia sẻ, rõ ràng tình trạng ô nhiễm môi trường ở Hà Nội không phải là vấn đề mới của ngày hôm nay mà nó cũng diễn ra vài ba năm rồi.
Nhưng những giải pháp mình đưa ra để can thiệp giảm mức độ ô nhiễm đó thì lại chưa được hiệu quả. Vậy thì theo ông, chúng ta có thể làm gì để thay đổi được tình trạng như vậy?
Ông Hoàng Dương Tùng: Vâng, việc giảm ô nhiễm không khí tại Hà Nội và một số đô thị chúng tôi cũng đã nói đến trong nhiều năm, tuy nhiên, các giải pháp đưa ra chưa thấy hiệu quả.
Thỉnh thoảng, chúng ta lại có chỉ số đo ở một địa điểm nào đó rất là cao, mọi người lại dậy sóng. Việc chúng ta làm được lại rất ít. Để làm sao để ngăn chặn được ô nhiễm môi trường ở Hà Nội vẫn chậm chạp.
Nhà báo Phạm Huyền: Cảm ơn ông!