Nhiều doanh nghiệp Việt Nam cho rằng thuế suất vẫn là một trong những vấn đề khó khăn của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, theo số liệu từ báo cáo Doing Business của Ngân hàng Thế giới (World Bank), trong số gần 40% lợi nhuận doanh nghiệp phải nộp thuế và bảo hiểm xã hội (BHXH) hàng tháng, mức chi cao nhất là cho BHXH với gần 25%, còn thuế thu nhập doanh nghiệp thực tế chỉ cao hơn 1/2 mức đóng BHXH.
Trang Business in Asia cũng đánh giá: Việt Nam được coi là một trong những quốc gia có môi trường đầu tư hấp dẫn nhất Châu Á xét theo tiêu chí thuế suất.
So sánh thuế suất doanh nghiệp tại hơn 10 quốc gia và vùng lãnh thổ khu vực Châu Á, Việt Nam là quốc gia có mức thuế doanh nghiệp thuộc nhóm thấp nhất, chỉ sau Hongkong và Singapore.
(*): Hàn Quốc quy định các mức thuế suất khác nhau cho các doanh nghiệp có quy mô khác nhau theo tiêu chí: Doanh nghiệp càng nhỏ càng được ưu đãi.
Mức thuế suất trong bảng dành cho doanh nghiệp có vốn điều lệ hơn 20 tỷ won, doanh nghiệp có vốn điều lệ từ 200 triệu - 20 tỷ won sẽ được hưởng thuế suất 22%. Doanh nghiệp vốn dưới 200 triệu won (tương đương gần 175.000 USD) thì thuế chỉ còn 11%.
Theo thông tin cập nhật, thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam theo quy định đang ở mức 20%, ngang bằng với thuế thu nhập doanh nghiệp tại Thái Lan và Campuchia.
Mức thuế trên Business in Asia có sự chênh lệch với tỷ lệ thuế thu nhập doanh nghiệp/lợi nhuận do World Bank công bố. Số liệu World Bank công bố căn cứ theo các khoản nộp thực tế. Còn số liệu Business In Asia công bố căn cứ theo quy định của chính sách.
Trang này cũng lưu ý rằng: Với nhiều quốc gia như Thái Lan và Việt Nam, doanh nghiệp nên tìm hiểu thêm các thông tin ưu đãi thuế, vì những nước này cung cấp mức ưu đãi thuế cực hào phóng cho các công ty nhất định. Và thuế suất dành cho các công ty này có thể về 0 trong 5-8 năm đầu hoạt động kinh doanh.
Business in Asia được vận hành bởi công ty tư vấn kinh doanh quốc tế Runckel & Associates, đặt trụ sở tại Portland, tiểu bang Oregon, Mỹ.