Delphine Hamwe không bao giờ quên cái ngày 21 tháng 12 năm 2016, đó là ngày mà Ghislane - đứa con gái mới 2 tuổi của cô ốm đến nỗi không còn sức để khóc. Cõng đứa trẻ đang nóng hổi như hòn than trên lưng, Hamwe đi bộ đến một trạm xá ở miền trung Rwanda – đất nước Đông Phi nhỏ bé nơi cô đang sống.
Rwanda có 12 triệu dân thì tới 83% trong số đó còn sống ở các khu vực nông thôn như Hamwe. Chất lượng chăm sóc y tế ở các trạm xá nhỏ như thế này rất giới hạn. Một y tá đã nói với Hamwe rằng con gái cô đang bị sốt rét. Ký sinh trùng lúc này đã tấn công vào các tế bào hồng cầu của Ghislane - cô bé sẽ cần truyền máu gấp.
Ngay lập tức, Hamwe gọi một chiếc xe cấp cứu để chuyển hai mẹ con đến bệnh viện tuyến huyện ở Kabgayi. Nhưng khi tới được đây, cô bé Ghislane đã quá yếu và không còn cử động được nữa. "Mọi thứ dường như đã quá muộn. Con bé chẳng còn chút dấu hiệu nào của sự sống. Tôi nghĩ rằng nó đã chết", Hamwe nhớ lại.
Ba tiếng đồng hồ là khoảng thời gian trung bình mà bệnh nhân ở bệnh viện tuyến huyện Kabgayi cần chờ máu. Họ phải cử xe cứu thương chạy tới ngân hàng máu trung ương Rwanda ở thủ đô Kigali rồi quay về. Quãng đường chỉ chưa đầy 50 km, nhưng toàn là đồi núi gập ghềnh. Một số đoạn còn có sình lầy khiến xe cứu thương cũng không thể đi nhanh được.
Ghislane lúc này thì đã quá yếu, cô bé chắc chắn không thể chờ đợi được thêm được nữa. Vì vậy, các bác sĩ ở bệnh viện Kabgayi đã quyết định thử dùng một dịch vụ mới. Họ nhắn tin đến hệ thống của Zipline, một công ty start-up trong lĩnh vực vận chuyển của Mỹ.
Tại Rwanda, Zipline đang kết hợp với chính phủ để thử nghiệm dịch vụ giao máu qua đường hàng không, cụ thể là với những chiếc máy bay không người lái (drone).
Chỉ 6 phút sau khi tin nhắn được gửi đi từ bệnh viện huyện Kabgayi, các bác sĩ nghe thấy trên đầu họ một tiếng rì rầm the thé. Đó là một chiếc drone to bè và cục mịch. Nó bay chầm chậm lại, hạ độ cao và thả xuống một chiếc hộp các tông màu đỏ bằng dù giấy.
Bên trong hộp các tông là hai gói máu màu đỏ được bọc bằng giấy cách nhiệt, khi mở ra vẫn còn lạnh. Đó là hai đơn vị hồng cầu O+ dành cho trẻ em, đúng như đơn đặt hàng của Kabgayi. Một y tá nhanh chóng mang chúng đến phòng cấp cứu.
Mất thêm vài phút nữa để máu được bơm vào cơ thể đã mềm nhũn của Ghislane. Chẳng mấy chốc sau, cô bé con đã mở được mắt. Ghislane chính là người đầu tiên trên thế giới được cứu sống nhờ một chiếc máy bay giao hàng không người lái.
Thứ chất lỏng màu đỏ đang chảy trong người bạn là một phần quan trọng hỗ trợ cho sự tồn tại của bạn. Máu bản thân cũng chính là những nhân viên vận chuyển, chúng làm nhiệm vụ đưa oxy và các chất dinh dưỡng đến để nuôi từng tế bào.
Nếu vì một lý do nào đấy bạn không có đủ máu trong cơ thể như mất máu do tai nạn giao thông, những bà mẹ băng huyết khi sinh, trẻ nhỏ mắc bệnh thiếu máu bẩm sinh hay các tế bào máu bị tấn công bởi vi khuẩn hoặc virus, nhẹ thì bạn sẽ bị chóng mặt hoặc mệt lử, nặng thì sẽ bị choáng và buồn nôn.
Nếu bạn bị mất 30-40% lượng máu trong cơ thể, lúc này, cơ thể bạn sẽ phải tự bảo vệ nó bằng cách "tắt" một số chức năng không cần thiết. Bạn sẽ bị hạ huyết áp và rơi vào trạng thái hôn mê. Mất tới 50% máu trong cơ thể, bạn chắc chắn sẽ chết.
Với tất cả tầm quan trọng đó, máu được xem là một tài sản y tế thiết yếu, luôn cần được thu thập và lưu trữ để phục vụ những ca cấp cứu hoặc thủ thuật đại phẫu tại bệnh viện. Tại các quốc gia phát triển, điều này rõ ràng không phải là vấn đề quá khó khăn.
Ví dụ như ở Mỹ hoặc Anh, nơi 80% dân số sống tập trung xung quanh các trung tâm đô thị, máu có thể được vận chuyển dễ dàng giữa các bệnh viện và phòng khám có hoặc không có sẵn ngân hàng máu.
Ở một số quốc gia Châu Phi như Libya, Djibouti và Gabon, khoảng 80 đến 90% dân số cũng sống ở các thành phố và có thể dễ dàng tiếp cận máu khi họ cần. Nhưng đối với Rwanda, những thống kê đã quay ngược 180 độ.
Có tới 83% dân số Rwanda sống ở các vùng nông thôn và khi các bệnh viện ở tỉnh lỵ cần máu, họ luôn vận chuyển máu bằng đường bộ. Điều này không phải một ý tưởng tốt bởi địa hình đồi núi chiếm tỷ trọng lớn ở Rwanda. Hệ thống đường bộ của họ cũng không được đầu tư phát triển, để máu được vận chuyển giữa thành phố và tỉnh lỵ, đôi khi phải mất từ 3-4 tiếng đồng hồ.
Việc dự trữ sẵn máu ở các bệnh viện nông thôn thậm chí còn khó khăn hơn. Đó là bởi máu trữ lạnh chỉ có thể dùng được tối đa trong khoảng một tháng. Một số thành phần phân lập như tiểu cầu thậm chí có thể bị hỏng trong vài ngày.
Trong quá khứ, các bệnh viện tỉnh lỵ ở Rwanda đã thực hiện một chiến lược dự trữ sẵn máu với số lượng lớn. Họ luôn gửi lượng đặt hàng vượt quá nhu cầu thực tới ngân hàng máu quốc gia.
Mặc dù dự trữ khiến máu trở nên có sẵn, nhưng điều đó đồng nghĩa với một lượng máu lớn cuối cùng lại bị hết hạn trước khi sử dụng. Điều này gây ra tình trạng lãng phí trên quy mô toàn quốc.
Đối với hệ thống y tế đặc thù ở Rwanda, tìm ra được một điểm cân bằng cho vấn đề dự trữ và phân phối máu rõ ràng là một bài toán khó.
Tiền thân là một công ty sản xuất robot đồ chơi điều khiển từ xa bằng iPhone, Zipline được thành lập vào năm 2014 bởi bộ ba Keller Rinaudo, Keenan Wyrobek và William Hetzler. Rinaudo là một doanh nhân trẻ, một cựu sinh viên tốt nghiệp xuất sắc từ Harvard. Trong khi đó, Wyrobek là một kỹ sư Stanford, còn Hetzler là một nhà tư vấn hàng không.
Cùng với nhau lập lên Zipline, mục tiêu của Rinaudo, Wyrobek và Hetzler là chế tạo ra được những chiếc máy bay không người lái giao hàng và vận hành chúng trong một mạng lưới logistics trên không hiệu quả.
Những chiếc drone của Zipline được đặt tên là "Zips". Chúng chạy bằng pin điện và không phải là loại trực thăng giống như những chiếc drone phổ thông dùng để quay phim. Thay vào đó, Zips là loại máy bay có cánh, với động cơ cánh quạt trên lưng.
Với sải cánh rộng 3,4 mét, Zips cần cất cánh từ một đường ray gia tốc, thứ có thể bắn chiếc máy bay nặng 20 kg này vào không trung và đạt tới vận tốc 113 km/h chỉ sau 0,33 giây. Các động cơ của Zips cho phép nó đạt tới vận tốc tối đa ổn định khỏang 100 km/h ở độ cao từ 80-120 mét.
Chiếc máy bay được thiết kế để có thể mang theo 1,8 kg hàng và hoạt động trong phạm vi 300 km mỗi một lần sạc. Toàn bộ hệ thống lái và định vị của Zips được điều khiển tự động, cho phép nó có thể bay và thả hàng chính xác ngay cả ở địa hình đồi núi hoặc dưới trời bão nhẹ.
Zips mang theo gói hàng của mình trong thân, khi đến địa điểm giao, chiếc máy bay sẽ hạ độ cao xuống chỉ còn khoảng 20-35 mét và thả gói hàng xuống bằng dù giấy. Toàn bộ dữ liệu gió và thời tiết được phân tích tự động để gói hàng có thể rơi chính xác trong phạm vi 10 mét. Vì vậy chỉ cần có một bãi đáp có đường kính 5 mét, bạn có thể đặt giao hàng bằng Zipline.
Năm 2016, Rinaudo đã giúp Zipline đạt được một thỏa thuận với chính phủ Rwanda để triển khai hệ thống giao hàng bằng drone ở quốc gia Đông Phi này. Mặt hàng đầu tiên họ nhắm đến chính là vật tư y tế và máu – bài toán mà Rwanda vẫn đang phải vật lộn.
Zipline đã xây dựng hai trung tâm phân phối máu với 24 chiếc Zips được đưa tới đây. Một trung tâm được đặt ở Muhanga gần thủ đô Kigali có nhiệm vụ phân phối máu tới 21 bệnh viện ở miền tây Rwanda. Trung tâm còn lại được đặt ở Kayonza, phía đông thủ đô và chịu trách nhiệm đưa máu thường xuyên tới 5 bệnh viện và 3 trung tâm y tế ở miền đông.
Tại Rwanda, Zipline đã nhờ đến sự giúp đỡ của Zachary Mtema, một lập trình viên đồng thời là nhà nghiên cứu sức khỏe cộng đồng để xây dựng hệ thống đặt hàng máu bằng tin nhắn điện thoại di động.
Vì vậy, ở bất cứ đâu khi một bác sĩ ở một bệnh viện nông thôn cần máu để cấp cứu cho một ca sinh nở, tai nạn, rắn cắn hoặc bị động vật dại tấn công, anh có thể mở điện thoại di động lên và nhắn cho Zipline loại máu và lượng máu mà anh ta cần.
Tin nhắn được tự động đưa về trung tâm phân phối gần nhất, ở đó, vị trí GPS của bệnh viện được xác nhận và các nhân viên vận hành sẽ chọn đúng mặt hàng, đóng gói nó vào Zips, chọn tuyến bay và phóng nó lên bầu trời.
Toàn bộ quá trình chuẩn bị cất cánh chỉ mất khoảng 7 phút. Khi Zips bay gần đến địa điểm thả hàng, nó sẽ tự động gửi tin nhắn cho vị bác sĩ ra nhận. Sau khi thả hàng, Zips sẽ tự động quay về căn cứ, nơi nó hạ cánh bằng hệ thống hãm dù và được thu hồi để sẵn sàng cho chuyến bay tiếp theo.
Mỗi trung tâm phân phối của Zipline có thể thực hiện 500 chuyến giao máu mỗi ngày. Tính đến năm 2019, họ đã thực hiện được hơn 20.000 lượt giao máu trên tổng quãng đường bay 1 triệu km ở Rwanda. Theo đó, máy bay không người lái đã đảm nhiệm tới 65% các ca giao máu ở bên ngoài thủ đô Kigali.
Một nghiên cứu mới đăng trên tạp chí Lancet Global Health vào tháng 4 đã phân tích tổng cộng gần 13.000 đơn đặt hàng máu bằng Zipline ở Rwanda trong khoảng thời gian từ năm 2017 đến năm 2019.
Tác giả chính của nghiên cứu chính là Marie Paul Nisingizwe, một nhà khoa học Dân số và Sức khỏe Cộng đồng người Rwanda đang làm PhD tại Đại học British Columbia. Các phân tích của Nisingizwe cho thấy giao máu bằng máy bay không người lái là một mô hình vượt trội hơn hẳn giao hàng bằng đường bộ.
Theo đó, có tới hơn một nửa đơn máu được đặt ở Rwanda đã được Zipline hoàn thành trong 41 phút đồng hồ. Nếu đi bằng đường bộ, thời gian ít nhất cũng mất 2 tiếng. Với 12.733 đơn máu được đặt hàng trong vòng 32 tháng, mức chênh lệch thời gian nhỏ nhất mà máy bay tiết kiệm được hơn đường bộ là 3 phút, trong khi mức lớn nhất là 211 phút.
Dịch vụ của Zipline cũng tiết kiệm được cả lượng máu hết hạn và bị thải loại tại các bệnh viện xa xôi. "Tôi không mong đợi sẽ thấy tác động này ngay lập tức", Nisingizwe nói. "Nhưng chúng tôi đã thực sự thấy nó hiệu quả".
Lượng máu hiến tiết kiệm được tăng lên theo thời gian, với mức giảm lãng phí tới 67%. Tổng cộng lượng máu phải thải loại ở các bệnh viện đặt hàng bằng Zipline đã giảm 140 lần trong giai đoạn dịch vụ giao hàng được vận hành từ năm 2017 đến 2019.
Nghiên cứu của Nisingizwe là nghiên cứu đầu tiên phân tích hiệu quả giao hàng của máy bay không người lái ở Châu Phi. Trước đây, một số quốc gia phát triển và có thu nhập cao cũng từng sử dụng máy bay không người lái để giao hàng y tế, nhưng tập trung vào mặt hàng thuốc và máy khử rung tim.
"Chúng tôi thấy thật ngạc nhiên ý tưởng sử dụng máy bay không người lái giao hàng thực sự trở nên khả thi trong điều kiện của Châu Phi", Nisingizwe nói
Vấn đề máu tại Rwanda được giải quyết nhờ hai yếu tố: Công nghệ và tinh thần đổi mới sáng tạo của chính phủ.
Là một đất nước Đông Phi kém phát triển với nhân khẩu học chủ yếu ở nông thôn, chính phủ Rwanda cũng hiểu được rằng chỉ có khoa học và công nghệ mới giúp họ cải thiện được chất lượng cuộc sống cho người dân.
Theo đó, họ rất chú trọng đến những ứng dụng đổi mới công nghệ trong lĩnh vực y tế. Quốc gia này đã triển khai một hệ thống chăm sóc sức khỏe điện tử toàn dân với hơn 90% dân số đăng ký tham gia.
Từ năm 2009, chính phủ Rwanda đã thử nghiệm một chương trình được gọi là RapidSMS, chạy trên nền tảng điện thoại di động để theo dõi sức khỏe cho bà mẹ và trẻ em. Các bà mẹ mang thai ở vùng nông thôn có thể đăng ký vào ứng dụng này để kết nối với 45.000 tình nguyện viên là các bác sĩ và nhân viên y tế trên khắp Rwanda.
Với RapidSMS, các bà mẹ sẽ được theo dõi sức khỏe định kỳ, trong thời gian thực thậm chí ứng dụng tự động kích hoạt cuộc gọi xe cứu thương và kết nối tới các bệnh viện trong trường hợp khẩn cấp. Đến năm 2013, ứng dụng đã kết nối 15.000 ngôi làng với mạng lưới bác sĩ, bệnh viện và xe cứu thương trên khắp Rwanda.
Michael Law, cố vấn của Nisingizwe và là nhà nghiên cứu chính sách y tế tại Đại học British Columbia, cho biết: "Rwanda có một trong những hệ thống dữ liệu y tế điện tử hoàn chỉnh nhất thế giới. Điều này cho phép Bộ Y tế nước này theo dõi số lượng người tới khám, bao nhiêu người mắc bệnh sốt rét hoặc HIV và bao nhiêu người sinh con tại các cơ sở y tế".
Đó là một mỏ vàng cho các nhà nghiên cứu như Nisingizwe, những người muốn đo lường mức độ giúp ích của những ứng dụng công nghệ vào lĩnh vực y tế ở Rwanda. "Thành thật mà nói, chúng tôi không thể thực hiện đánh giá này nếu họ không có hệ thống dữ liệu tại chỗ", Law cho biết.
Zipline hiện đã mở rộng dịch vụ giao máu của mình sang một số nước Châu Phi khác bao gồm Ghana, Nigeria, Kenya và Bờ Biển Ngà. Công thức rất đơn giản: Máu + Drone = Done!
Jean Philbert Nsengimana, Bộ trưởng Bộ Công nghệ của Rwanda đang muốn mở rộng công thức ấy cho cả các vấn đề khác. Ví dụ, máy bay không người lái có thể được sử dụng để vận chuyển vắc-xin, thuốc tiêm phòng dại và cả antivenin dùng trong trường hợp ai đó bị rắn cắn.
"Đây là những thứ bạn không thể dự trữ ở mọi cơ sở y tế hoặc bệnh viện, nhưng lại vô cùng quan trọng để cứu sống tính mạng của ai đó", bộ trưởng Nsengimana cho biết. "Rwanda đang phấn đấu để khi mọi người dân của chúng tôi đi tới bệnh viện, sẽ không có một ai bị trả về vì bệnh viện không có sẵn một thứ gì đó cứu sống họ".
Tổng hợp