Khác với định kiến của số đông khi cho rằng khi cho rằng người trẻ thích rời xa mái ấm gia đình, nhiều người trẻ chọn quay về sống cùng cha mẹ sau khi bước chân vào thị trường lao động. Ngoài cảm giác ấm cúng, họ thừa nhận quyết định này mang lại nhiều lợi ích tài chính hơn so với việc ở một mình.
Lương 7 triệu vẫn có dư nhờ sống cùng gia đình
Nhật Quỳnh (23 tuổi, nhân viên văn phòng) bắt đầu đi làm từ tháng 2 năm nay. Do kinh nghiệm và kỹ năng chuyên môn chưa cao nên cô nàng chỉ có thể nhận mức lương khiêm tốn là 7 triệu/tháng. Do thu nhập ít ỏi nên Nhật Quỳnh không thể cáng đáng nhiều chi phí khi sống một mình, do đó cô chọn về sống cùng cha mẹ.
Nhờ sống chung với gia đình, cô gần như không phải chi trả bất kỳ khoản phí nào liên quan đến nhà cửa như tiền thuê nhà hay hóa đơn điện nước. Bên cạnh đó, Nhật Quỳnh còn tiết kiệm được tiền vốn dành cho mua thực phẩm nếu sống riêng vì bố mẹ đã lo toan hết khoản này.
Cô bạn chia sẻ cách chi tiêu với mức lương 7 triệu/tháng như sau: 1,5 triệu mua sắm quần áo mới, đồ trang điểm và đi ăn ngoài cùng bạn bè; 500 ngàn - 1 triệu đồng cho tiền xăng xe; 2,5 triệu cho những khoản chi vụn vặt khác; 500 - 1 triệu cho tiền đi du lịch. Nhờ đó, cô nàng có thể tiết kiệm được 2 triệu đồng/tháng, nếu trong tháng đó không cần gửi tiền biếu thêm bố mẹ.
Ảnh minh hoạ
Ngoài việc tiết kiệm tiền, một điều mà Nhật Quỳnh thích khi ở cùng cha mẹ là hàng ngày được sống trong không gian rộng rãi, mà không cần tốn đồng nào.
"Nếu đi ở trọ riêng, mình cần trả 2 - 2,5 triệu đồng mới may ra thuê được căn phòng rộng rãi, tiện nghi chút xíu. Tuy nhiên, chất lượng sống ở phòng đi thuê không bao giờ bằng căn nhà mình đang ở hiện tại. Khi giá thuê nhà ngày càng tăng phi mã theo giá bất động sản, cũng rất khó để mình tìm được căn phòng thuê ưng ý", cô nàng tâm sự.
Khi được hỏi ở cùng gia đình mà ít gửi tiền trợ cấp cho cha mẹ thì có "ngại" không, Nhật Quỳnh chia sẻ: "Bố mẹ mình chưa đến tuổi nghỉ hưu, vẫn có nguồn thu nhập cố định. Họ cho mình tùy ý chi tiêu với thu nhập riêng mà không cần phụ gia đình.
Bố mẹ cũng biết mình khó khăn lắm mới tiết kiệm được ít tiền mỗi tháng. Họ đều nói mình hãy dành tiền này để ăn ngon một chút, mặc đẹp một chút, đầu tư vào bản thân một chút. Sau này khi nào kinh tế dư dả hơn thì mới cần báo hiếu bố mẹ".
Lương thấp nên chỉ muốn sống cùng gia đình
Khánh Vy (25 tuổi, nhân viên văn phòng) chia sẻ từ khi tốt nghiệp Đại học, cô nàng chưa từng đi thuê trọ mà thường xuyên sống cùng cha mẹ. Kể từ thời điểm mới đi làm, thu nhập hàng tháng của cô nàng tăng dần từ cột mốc hơn 4 triệu cho đến 15 triệu hiện tại.
"Mức lương của mình không phải con số lớn. Nếu mình sống riêng, từng đó tiền có lẽ chỉ đủ để mình đi thuê nhà nhỏ và chi tiêu cho chi phí sinh hoạt, chứ đừng nói mua đồ đắt tiền cho bản thân, đầu tư hoặc tính toán kinh doanh riêng.
Do đó, dù chứng kiến bạn bè đi thuê nhà và sống tự lập, mình chưa từng thấy buồn vì vẫn còn được ở nhà chung cùng cha mẹ. Bởi khi tài chính của bản thân chưa vững, mình còn không ngại dựa dẫm vào gia đình", Khánh Vy tâm sự.
Ảnh minh hoạ
Thời gian đầu mới đi làm, Khánh Vy không thể gửi tiền trợ cấp cho gia đình vì khi đó thu nhập còn thấp. Cho đến khi mức lương vượt qua 2 con số, cô nàng đã gửi ngay 1 phần thu nhập biếu phụ huynh,
"Hàng tháng, mình gửi bố mẹ 3,5 triệu tiền nhà, điện nước và ăn uống. Thu nhập còn lại, mình dành 70% cho chi phí sinh hoạt, đi du lịch và mua đồ mình thích, còn lại bao nhiêu là đầu tư vào bản thân.
Thỉnh thoảng có tiền thưởng dự án, mình sẽ dành hết để mua quà tặng bố mẹ. Đó là cách mình cảm ơn bố mẹ đã giúp đỡ mình, san sẻ phần nào gánh nặng tài chính. Để bố mẹ nuôi hoàn toàn khiến mình cảm thấy không thoải mái".
Khánh Vy nói thêm, bản thân cô thấy may mắn hơn các bạn ở tỉnh khác vì vẫn còn có thể ở gần bố mẹ. Cô chia sẻ bố mẹ không coi việc mình về sống cùng là gánh nặng. "Bố mẹ mình sống rất tình cảm, thích chăm sóc con cái nên luôn muốn mình và anh chị em trong nhà sống càng gần họ càng tốt", cô nàng tâm sự.
Có bố mẹ làm "chỗ dựa tài chính" thì cần cố gắng làm gì?
Trong câu chuyện này, Khánh Vy chia sẻ nhiều người từng "mặc định" cho rằng bình thường cô nàng không cần sống tiết kiệm vì nếu gặp biến cố gì đều có thể dựa vào gia đình đang sống gần. Tuy nhiên, cô nàng chia sẻ bản thân lại là người tiêu tiền có chừng mực, biết kiểm soát tài chính hơn nhiều người cùng tuổi.
Khánh Vy luôn có nhiều động lực để kiếm tiền, đó là mua nhà, mua xe, có dư tiền để kinh doanh và đầu tư... Và cô hiểu để đạt những mục tiêu này, thì cần dựa vào chính mình, thay vì trông chờ vào sự giúp đỡ tài chính từ phụ huynh.
"Sống cạnh cha mẹ không có nghĩa là mình được phép sống phung phí, tiêu tiền như nước. Mình vẫn đang cố gắng làm việc, dành dụm từ những khoản làm việc tự do hay bớt đi chơi hơn để tiết kiệm", cô nàng bày tỏ.
Ảnh minh hoạ
Đồng tình với Khánh Vy, Nhật Quỳnh cũng chia sẻ rằng ở cùng cha mẹ chỉ hỗ trợ được một phần nhỏ gánh nặng tài chính, do đó bản thân vẫn cần cố gắng làm việc, tích luỹ tiền nong hàng ngày. Đơn cử như bên cạnh làm việc chăm chỉ, cô nàng còn dành 2 triệu đồng tiền nhàn rỗi hàng tháng để đi gửi tiết kiệm hoặc tích luỹ mua vàng, chứ tuyệt đối không tiêu xài vào những nhu cầu không cần thiết.
"Mình còn có một mục tiêu rất lớn là sau này có thể phụng dưỡng cha mẹ. Dù cha mẹ mình đã có lương hưu và kế hoạch tài chính sau khi về già, tuy nhiên mình vẫn muốn hỗ trợ họ càng nhiều càng tốt. Đây cũng là động lực để mình kiếm tiền và tiết kiệm từng đồng một hàng ngày, chứ không phải có bao nhiêu là xài hết bấy nhiêu", Nhật Quỳnh nhận định.