Ồ ạt rút BHXH một lần: Không nên làm chính sách theo kiểu đối phó

An Chi |

Theo bạn đọc Báo Người Lao Động, chính sách xây dựng phải phù hợp với thực tế, đừng chỉ nghĩ một chiều để khống chế lượng người rút BHXH một lần.

Liên quan đến đề xuất của Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội về việc giảm số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, tiến tới còn 10 năm, trên Báo NLĐO có bài viết "Ổ ạt rút BHXH một lần: Giảm số năm đóng BHXH thì giải quyết được gì?".

Chúng tôi đã nhận được nhiều phản hồi tích cực của độc giả, trong đó phần lớn cho rằng đề xuất này thiếu thực tế và không hạn chế được tình trạng rút BHXH một lần.

Một bạn đọc giấu tên bày tỏ: "Tại sao các nhà làm chính sách không chịu nhìn vào thực tế cuộc sống của người lao động?

Chính sách phải đi vào cuộc sống khi người lao động cảm nhận được đồng tiền mồ hôi nước mắt của mình sẽ đủ nuôi sống gia đình mình khi bước vào tuổi 50 thay vì hạ năm đóng bảo hiểm mà phải chờ tới 62 thì khi đó đồng tiền trượt giá cũng chẳng thể nuôi nổi bản thân. Các nhà làm chính sách không nên làm theo kiểu đối phó, gây bức xúc cho người lao động".

Tương tự, một bạn đọc khác cho rằng vấn đề cốt lõi chính là tuổi nghỉ hưu chứ không phải số năm đóng. Việc giảm năm đóng BHXH nhưng tăng tuổi chỉ nhằm khống chế thêm một số lượng lớn NLĐ đủ năm đóng BHXH mà chưa đủ tuổi nghỉ hưu thôi. Nếu sửa luật theo hướng đó càng gây hoang mang và kéo theo rút ồ ạt càng nhiều.

Bạn đọc Hai lúa viết: "Trong cái đầu của nhà làm chính sách cứ nặng cái tư tưởng không quản được thì cấm, giảm số năm xuống để chặn ngang những người đóng đủ 10 hoặc 15 năm rút một lần thì 9,9 năm hoặc 14,9 năm họ cũng rút. 45, 50 tuổi đã mất việc thì chả có ai mà chờ còm cỏi đến tận 60, 62 tuổi để lĩnh lương hưu bình quân cả. Rút một lần bỏ ngân hàng còn có lãi, để ngâm 5,10 thậm chí 20 năm mà chả có được quyền lợi gì".

Đồng quan điểm, bạn đọc Chử Văn Lâm góp ý: "Chính sách xây dựng phải phù hợp với thực tế. Đừng chỉ nghĩ một chiều khống chế lượng người rút BHXH một lần. Nên giữ nguyên tuổi nghỉ hưu như cũ với cả hai điều kiện cần và đủ tuổi và năm đóng BHXH và người lao động tự quyết định có thể nghỉ trước tuổi chấp nhận trừ tỉ lệ hưởng lương hưu".

 Ồ ạt rút BHXH một lần: Không nên làm chính sách theo kiểu đối phó  - Ảnh 1.

Theo nhiều bạn đọc, giảm số năm đóng chả giải quyết được vấn đề, nhưng nếu giảm tuổi hưu thì sẽ giải quyết được nhiều thứ

Một bạn đọc giấu tên nói: "Nếu giảm xuống 15 năm thì 14 năm họ nghỉ và rút. Nếu giảm xuống 10 năm thì 9 năm họ cũng nghỉ và rút. Rồi cái vòng luẩn quẩn sẽ lập lại!". Bạn đọc Nguyễn Anh viết: "Giảm 15 năm đi làm từ 19 - 20 tuổi đến 40 tuổi nghỉ làm doanh nghiệp đóng đủ thời gian vậy phải chờ đến gần 20 năm nữa mới được lĩnh lương như này bất cập quá. Rồi đến 14 năm lại ồ ạt rút 1 lần thôi".

Theo bạn đọc Hải Huỳnh, giảm số năm đóng chả giải quyết được vấn đề, nhưng nếu giảm tuổi hưu thì sẽ giải quyết được nhiều thứ. Tương tự, bạn đọc Nguyễn Thanh Tuy cho rằng dù là đóng 10 năm hay 15 năm bảo hiểm là đủ điều kiện để hưởng lương hưu, nhưng với độ tuổi quyết định như hiện nay thì mọi người vẫn lựa chọn rút một lần.

Theo bạn đọc Tuấn Hồ, cốt lõi của vấn đề là tuổi nghỉ hưu tăng nam 62 tuổi và nữ 55 tuổi là quá cao so với mặt bằng người lao động. "Tôi đề nghị nam 55 tuổi và nữ là 50 tuổi hoặc thấp hơn càng tốt ví dụ nam 50 tuổi và nữ 48 tuổi" – bạn đọc này đề xuất.

Góp ý cho vấn đề này, bạn đọc Phan Vinh bức xúc: "Lần trước đã nhiều đại biểu Quốc hội có ý kiến không nên tăng tuổi nghỉ hưu nhưng cơ quan xây dựng luật không tiếp thu. Luật chưa phù hợp thì mạnh dạn điều chỉnh, đừng quá bảo thủ. Cần giảm tuổi nghỉ hưu về mức 60 và 55 như trước đây, đó là mấu chốt của bất cập Luật BHXH 2014.

Bạn đọc Hà Chương viết: "Giảm số tuổi nghỉ hưu mới là đúng! Ví dụ năm 55 tuổi mà đủ 30 năm đóng bảo hiểm là được nghỉ hưu! Cứ đóng hơn 2 năm BHXH thì tuổi hưu được giảm 1 năm. Còn nếu ai chưa đủ thời gian đóng BHXH thì phải làm đến 60 tuổi tuỳ theo điều kiện nào đến trước".

 Ồ ạt rút BHXH một lần: Không nên làm chính sách theo kiểu đối phó  - Ảnh 2.

Theo nhiều bạn đọc, cốt lõi của vấn đề là tuổi nghỉ hưu tăng nam 62 tuổi và nữ 55 tuổi là quá cao so với mặt bằng người lao động

Bạn đọc Võ Thị Kim Phượng đề xuất: "Mình nghĩ nên quy định bao nhiêu năm đóng BHXH thì được nghỉ hưu thay bằng quy định tuổi như vậy mới thật sự công bằng. Không nên cào bằng tất cả mọi người đều nghỉ hưu ở tuổi 60 mà ví dụ khi đóng đủ 20 hoặc 25 năm bảo hiểm họ có quyền chọn về hưu".

Tương tự, bạn đọc Lê Minh Hiệp góp ý: "Theo tôi đủ thời gian đóng đủ BHXH 20 năm trở lên và nữ 45 tuổi, nam 50 tuổi trở lên là họ có quyền được nghỉ, cho dù lương hưu thấp". Với bạn đọc Thương Trương, các nhà soạn thảo luật nên đặt vị trí mình vào người lao động bởi nếu tuổi nghỉ hưu không giảm thì công nhân sống bằng gì để đợi tiền hưu.

Tương tự, bạn đọc Vũ Khuê nói: "Nên rút ngắn tuổi về hưu và năm tối thiểu đóng BHXH. Chứ NLĐ chân tay chả ai mà chờ lấy lương hưu được".

Bạn đọc tên Ngân đề nghị: "BHXH lắng nghe tiếng nói chính đáng của NLĐ, hãy giảm tuổi nghỉ hưu và tính lại cách đóng BHXH cho đỡ thiệt thòi đối với người lao động.

Ví dụ như tôi 38 tuổi đi làm và đóng bảo hiểm được 16 năm nếu BHXH giảm xuống 15 năm thì tôi đã thừa số năm đóng BHXH rồi. Vậy tôi chờ đến tuổi nghỉ hưu là 60 tuổi thì phải đóng thêm 22 năm nữa.

Nếu giờ tôi tính rút BHXH 1 lần rồi sau đó lại đóng BHXH từ đầu đến lúc nghỉ Hưu thì vẫn thừa năm mà như vậy đỡ thiệt hơn là đóng 1 lèo từ giờ đến lúc nghỉ hưu là 38 năm".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại