Lương thực Trung Quốc bị ảnh hưởng
Những cơn mưa xối xả bắt đầu từ cuối tháng 5 đã ảnh hưởng rất lớn tới nhiều cánh đồng lúa mì ở khu vực miền Nam Trung Quốc: Phần lớn hạt lúa bị chuyển sang màu đen, không còn phù hợp để làm thực phẩm.
Theo The New York Times (NYT), lượng mưa lớn bất thường cho thấy biến đổi khí hậu đang đe dọa mục tiêu tự cung tự cấp lương thực của Trung Quốc.
Giới chức Trung Quốc cho biết, những trận mưa đã gây thiệt hại nặng nề nhất cho vụ thu hoạch lúa mì trong một thập kỷ qua .
Giá lương thực toàn cầu biến động mạnh hơn trong những năm gần đây khiến Trung Quốc phải khẩn trương trồng thêm các loại cây lương thực.
Lạm phát giá lương thực ở Trung Quốc chưa đạt đến mức như ở các nền kinh tế lớn khác nhưng các quan chức lo ngại rằng nguồn cung lương thực của nước này dễ bị tổn thương trước những cú sốc toàn cầu như xung đột quân sự, đối đầu thương mại.
Người dân Trung Quốc thu hoạch lúa mì. Ảnh: NYT
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thường nói, "bát cơm của người Trung Quốc phải luôn nằm chắc trong tay họ". Bắc Kinh đã đặt ra "lằn ranh đỏ" là Trung Quốc phải giữ lại 1,8 tỷ mẫu đất canh tác, đồng thời tuyên chiến với lãng phí thực phẩm, đặc biệt là trong các nhà hàng.
Trung Quốc coi tự cung tự cấp lương thực là vấn đề an ninh quốc gia , đặc biệt đảm bảo khả năng nuôi sống 1,4 tỷ dân là chìa khóa trong mục tiêu đưa Trung Quốc lên vị thế một siêu cường.
Thời tiết gây khó khăn
Tuy nhiên, những cú sốc cung cấp lương thực liên quan đến thời tiết là một thách thức khó lường hơn.
Trong tháng này, lượng mưa kỷ lục đã gây lũ lụt ở thành phố Bắc Hải, tỉnh Quảng Tây. Các khu vực khác của Trung Quốc, bao gồm các thành phố lớn như Thượng Hải và Bắc Kinh, đã trải qua nắng nóng sớm bất thường trong năm nay, với nhiệt độ có nơi vượt quá 41 độ C.
Nhưng lũ lụt ở tỉnh Hà Nam và các khu vực xung quanh miền trung Trung Quốc, nơi sản xuất hơn 3/4 sản lượng lúa mì của cả nước, là mối lo ngại mới nhất về an ninh lương thực.
Zhang Hongzhou, nhà nghiên cứu về chiến lược ngũ cốc của Trung Quốc tại Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore, cho biết: "Trong mùa thu hoạch, mối quan tâm lớn nhất đối với người trồng lúa mì là mưa kéo dài. Nó đã xảy ra vào thời điểm tồi tệ nhất".
Nông dân Trung Quốc đang chuẩn bị vụ thu hoạch thì mưa ập đến khiến một lượng lúa mì nảy mầm. Điều này làm giảm chất lượng, khiến chúng không thích hợp để chế biến thành bột, mà chỉ có thể bán làm thức ăn chăn nuôi với giá thấp hơn.
Mức độ thiệt hại của vụ mùa năm nay chưa thực sự rõ ràng. Giới phân tích cho rằng, năng suất thấp có thể buộc Trung Quốc phải nhập khẩu nhiều lúa mì hơn trong năm nay, đẩy giá lương thực toàn cầu tăng cao.
Trung Quốc là nước sản xuất và tiêu thụ lúa mì lớn nhất thế giới. Người Trung Quốc ngày càng thích ăn bánh mì và các món tráng miệng kiểu phương Tây nên nhu cầu về lúa mì tăng theo thu nhập. Tiêu thụ thịt tăng vọt ở Trung Quốc cũng đòi hỏi nhiều lúa mì hơn để làm thức ăn chăn nuôi.
NYT cho rằng, việc Trung Quốc tập trung vào an ninh lương thực sẽ ảnh hưởng tới toàn cầu do nước này có kho dự trữ ngũ cốc lớn, bao gồm cả dự trữ lúa mì mà Bộ Nông nghiệp Mỹ ước tính chiếm khoảng một nửa thế giới.
Năm ngoái, giới chức Mỹ đã cáo buộc Trung Quốc tích trữ lương thực dự trữ, đẩy giá lương thực toàn cầu lên cao, đặc biệt là ở các nước nghèo hơn.
Trước cáo buộc này, tờ Nhật báo Kinh tế - trực thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc - đã đăng một xã luận tiết lộ dự trữ lúa mì và gạo của Trung Quốc đủ để đáp ứng nhu cầu lương thực của người dân nước này trong ít nhất 18 tháng, ngụ ý đó một lượng dự trữ hợp lý.