NYT: Làm người Mỹ dưới thời Donald Trump là một định mệnh, và Obama là người đau khổ nhất

Đức Huy |

Ngay sau khi cuộc bầu cử kết thúc với thắng lợi thuộc về Donald Trump, ban biên tập New York Times, một trong những tờ báo uy tín nhất nước Mỹ, đã đăng một bức thư ngỏ gửi độc giả.

Dưới đây là nội dung bức thư:

---

"Hệ thống này đầy rẫy những gian lận, các bạn ạ" - Donald Trump luôn nói như vậy. Nhưng có vẻ như cái sự "gian lận" ấy đã thất bại hôm thứ Ba vừa qua, khi Donald Trump đã trở thành Tổng thống đắc cử, và một lần nữa vào thứ Tư, khi đối thủ của ông, bà Hillary Clinton, và Tổng thống Obama công khai chúc mừng, chúc thành công và cam kết sẽ "nhường đường" cho Trump.

Quá trình chuyển giao quyền lực diễn ra trong yên bình - với những lá phiếu được kiểm nhanh chóng, với thông báo chấp nhận kết quả và sự đường hoàng của bên thua cuộc - đó là cái "hệ thống" mà Trump nói, là cái "hệ thống" mà hai chính trị gia quyền lực Clinton và Obama đã bảo vệ và củng cố bằng sự khiêm nhường của họ.

"Chúng ta nợ [Trump] sự cởi mở và một cơ hội để ông lãnh đạo" - bà Clinton nói. Bài phát biểu chấp nhận thua cuộc của bà, với điểm nhấn là hình ảnh vợ chồng Clinton rời khỏi sân khấu - đã thật sự gây xúc động với lời kêu gọi những cử tri trẻ tuổi tiếp tục kiên cường chiến đấu vượt qua thất bại không thể tránh khỏi này, và nhấn mạnh những giá trị mà chiến dịch tranh cử của Trump muốn nghiền nát.

Đó là "giấc mơ Mỹ luôn đủ chỗ dành cho tất cả mọi người, bất kể sắc tộc, tôn giáo, giới tính, nguồn gốc, cho cả cộng đồng LGBT, cho những người khuyết tật. Cho tất cả".

Ông Obama đã ví Trump như một người đồng đội trong cuộc thi chạy tiếp sức, và cam kết quá trình chuyển giao sẽ là một con đường bằng phẳng. Những lời nói của Obama rất tao nhã, nhưng ẩn trong đó có một cái gì đó thật bi thảm. 

Vậy là sau tất cả, ông sẽ phải để lại di sản của 8 năm với nhiều thành công vào tay một người quyết tâm sẽ xóa sạch nó, một người trước đó đã phỉ báng ông là một người Hồi giáo sinh ra tại châu Phi và lừa đảo để trở thành Tổng thống. 

Obama vẫn cứ lãnh đạo bằng hành động, làm gương cho toàn nước Mỹ bằng việc nhắc nhở người dân rằng phải "luôn có niềm tin rằng những người xung quanh là người tốt" thì mới có dân chủ được.

Ông nhấn mạnh, điều đất nước này cần là "suy nghĩ phải đoàn kết, dang rộng vòng tay với tất cả, tôn trọng những giá trị, phong cách sống, thượng tôn pháp luật, và tôn trọng lẫn nhau. Tôi hi vọng Trump sẽ giữ vững được tinh thần ấy trong suốt quá trình chuyển giao này".

Người Mỹ chúng ta có thể cảm thấy ấm lòng vì sự nhã nhặn của bà Clinton và ông Obama. Họ đã đúng khi hành xử như vậy. Trump không nợ ơn gì các nhà tài trợ quyền lực trong đảng Cộng hòa - không phải anh em nhà Koch, cũng chẳng phải giới lãnh đạo trong Quốc hội - và ông có thể sẽ đi con đường của riêng mình. 

Chúng ta có thể hi vọng ông sẽ rũ bỏ hình ảnh trong suốt quá trình tranh cử để lột xác thành lãnh đạo của cả một đất nước. Chúng ta phải hi vọng nhưng cũng không thể bỏ qua - sẵn sàng hỗ trợ ông, nhưng không thể phủi tay cho qua những lời nói và hành động đáng xấu hổ của ông, những lời hứa mà ông có thể không giữ, những lời bịa đặt mà ông dựng lên và nhắc đi nhắc lại để giành thắng lợi trong cuộc bầu cử này.

Đây là một bối cảnh khá lạ lẫm và sẽ gây phiền muộn cho người dân nước Mỹ - khi vừa phải thừa nhận những mối hiểm họa từ việc Tổng thống của mình là một người hành động nóng vội và thiếu kinh nghiệm, lại vừa phải tôn trọng ông với tư cách một người lãnh đạo. Nhưng chúng ta không thể đầu hàng nỗi sợ hay chán chường. Có quá nhiều điều cần phải làm.

Hành tinh này cần được cứu rỗi. Trái đất đang lâm nguy vì biến đổi khí hậu, dù những người phủ nhận điều đó có nói thế nào đi chăng nữa. 

Hàng triệu người nhập cư cần được bảo vệ khỏi một đợt trục xuất quy mô lớn dưới thời của Trump. Chính quyền các bang và địa phương cần ra tay nếu chính phủ liên bang không bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hay coi nhẹ việc giáo dục. 

Và còn nhiều người bệnh cần được quan tâm, nếu ông Trump phá hủy đạo luật Obamacare.

Mọi người Mỹ đều có thể đóng góp, dù là nhà hoạt động hay tình nguyện viên, hay đơn giản chỉ là những người hàng xóm giúp đỡ lẫn nhau dù không thờ chung một Chúa, tất cả cùng đập tan sự phân biệt đối xử, thói coi thường phụ nữ, và nỗi sợ.

Những dòng cuối cùng trong thư này xin được nhường lời cho bà Clinton, lời nhắn gửi của bà tới những cử tri trẻ tuổi ủng hộ bà và những giá trị mà bà đại diện.

"Thất bại này thật đau đớn, nhưng xin các bạn đừng bao giờ đánh mất niềm tin vào việc phải chiến đấu đến cùng vì lẽ phải. Chúng tôi cần các bạn để tiếp tục đấu tranh, ngay lúc này, và trong suốt cuộc đời các bạn". 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại