NYT: Chính quyền Mỹ "dậy sóng" vì Facebook bí mật chia sẻ quá nhiều thông tin cho 4 tập đoàn TQ

Tất Đạt |

Các thỏa thuận là một phần trong nỗ lực khuyến khích người dùng điện thoại sử dụng mạng xã hội nhiều hơn hồi năm 2007, trước khi ứng dụng độc lập Facebook hoạt động ổn định.

Thỏa thuận với công ty Trung Quốc

Theo New York Times, Facebook mới đây công bố rằng công ty này đã có sự hợp tác chia sẻ dữ liệu cho ít nhất 4 công ty điện tử Trung Quốc, trong số đó có một tập đoàn lớn có mối liên hệ "khăng khít" với chính quyền Bắc Kinh.

Những thỏa thuận nói trên được cho là bắt đầu từ năm 2010. Theo đó, các tập đoàn Huawei, Lenovo, Oppo và TCL được phép bí mật tiếp cận dữ liệu người dùng thông qua Facebook. Huawei là công ty thiết bị điện tử viễn thông đã bị giới tình báo Mỹ gọi là "hiểm họa an ninh quốc gia".

Các hợp đồng hiện tại vẫn còn hiệu lực, nhưng trong buổi phỏng vấn gần nhất, đại diện Facebook cho biết công ty sẽ bắt đầu cắt giảm hợp tác với Huawei vào cuối tuần này.

Facebook đã cho phép các nhà sản xuất thiết bị Trung Quốc và các hãng khác - bao gồm Amazon, Apple, BlackBerry và Samsung - tiếp cận dữ liệu người dùng.

Được biết, các thỏa thuận là một phần trong nỗ lực khuyến khích người dùng điện thoại sử dụng mạng xã hội nhiều hơn hồi năm 2007, trước khi ứng dụng độc lập Facebook hoạt động ổn định. Việc hợp tác cho phép các nhà sản xuất tích hợp các tính năng của Facebook, như sổ địa chỉ, nút "thích" và cập nhật dòng trạng thái.

NYT: Chính quyền Mỹ dậy sóng vì Facebook bí mật chia sẻ quá nhiều thông tin cho 4 tập đoàn TQ - Ảnh 1.

Biển hiệu của hãng Huawei. Ảnh: Android Authority

Các đại diện Facebook cho biết thỏa thuận với công ty Trung Quốc cho phép họ tiếp cận thông tin như hình thức của BlackBerry, tức là thu thập dữ liệu cả trên thiết bị người dùng lẫn của bạn bè - bao gồm lịch sử học tập và làm việc, tình trạng hôn nhân và sở thích.

Huawei tận dụng cổng tiếp cận riêng để cải thiện ứng dụng, cho phép người dùng xem cả tin nhắn và thông tin mạng xã hội cùng lúc.

Đại diện Facebook khẳng định dữ liệu được chia sẻ với Huawei lưu trữ trong điện thoại người dùng, chứ không phải trên máy chủ của công ty.

Thượng Nghị sĩ John Thune đã yêu cầu Facebook cung cấp cho Quốc hội thông tin chi tiết về hoạt động hợp tác chia sẻ dữ liệu với các đối tác.

"Facebook phải hiểu rằng sự minh bạch là một tiêu chuẩn cao cần hướng tới," ông Thune nói.

Ủy ban Thương mại do nghị sĩ Thune điều hành cũng giám sát Ủy ban Thương mại Liên bang - bộ phận phụ trách điều tra xem liệu các chính sách dữ liệu của Facebook có vi phạm nghị định năm 2011 hay không.

Dẫn nguồn báo cáo quốc hội năm 2012 về "mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc và các nhà sản xuất thiết bị như Huawei", thượng Nghị sĩ Mark Warner từ bang Virginia chỉ ra rằng mối lo ngại với Huawei là không mới.

"Tôi mong được biết nhiều hơn về cách Facebook đảm bảo thông tin người dùng không bị gửi tới các máy chủ Trung Quốc," ông Warner - cán bộ thuộc Ủy ban Tình báo - bày tỏ.

"Tất cả những hợp đồng với Huawei, Lenovo, Oppo và TCL đều được kiểm soát từ đầu - và Facebook đã chấp nhận những khoản này. Để trả lời mối quan ngại từ Quốc hội, tôi xin đảm bảo rằng mọi thông tin hợp tác với Huawei đều được lưu trên thiết bị, không gửi về máy chủ của Huawei," Francisco Varela, phó chủ tịch Facebook, cho biết.

Sự trở lại của Facebook

NYT: Chính quyền Mỹ dậy sóng vì Facebook bí mật chia sẻ quá nhiều thông tin cho 4 tập đoàn TQ - Ảnh 2.

Đại diện Facebook khẳng định dữ liệu được chia sẻ với Huawei lưu trữ trong điện thoại người dùng, chứ không phải trên máy chủ của công ty. Ảnh: Reuters

Bị cấm tại Trung Quốc từ năm 2009, trong những năm gần đây, Facebook đã âm thầm xuất hiện trở lại thị trường này. Năm ngoái, Facebook tung ra một ứng dụng chia sẻ hình ảnh tại Trung Quốc có nhiều nét tương đồng với ứng dụng mang tên Moments của hãng.

Tuy nhiên, Facebook vẫn gặp nhiều rắc rối để phát triển. Hồi tháng 1 vừa qua, một chuyên viên phụ trách thuyết phục chính phủ Trung Quốc cho phép mạng xã hội hoạt động đã nghỉ việc sau ba năm không đạt được kết quả.

Hiện tại, chưa có nhà sản xuất thiết bị nào trong danh sách kể trên đồng ý bình luận.

Huawei, một trong những nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất thế giới, là niềm tự hào của Trung Quốc và được chính phủ bảo hộ trong nỗ lực mở rộng tầm ảnh hưởng trên khắp thế giới. Công ty này nhận được hàng tỉ USD tín dụng từ các ngân hàng nhà nước Trung Quốc, giúp thúc đẩy quá trình mở rộng thị trường trên khắp châu Phi, châu Âu và vùng Mỹ La tinh.

Chính phủ Mỹ từ lâu đã coi Huawei là hiểm họa an ninh, và các nhà lập pháp đã yêu cầu tàu sân bay Mỹ tránh mua các thiết bị do Huawei sản xuất. Hồi tháng 1, hãng AT&T đã từ chối thỏa thuận bán dòng điện thoại mới Mate 10 của công ty Trung Quốc này.

Các quan chức Mỹ hiện đang điều tra liệu có phải Huawei đã phá vỡ quyền kiểm soát thương mại của Mỹ khi giao thương với Cuba, Iran, Sudan và Syria.

Chính quyền ông Trump đã nhắm tới Huawei và ZTE trong thời gian gần đây, và vào tháng 4, Ủy ban Truyền thông Liên bang đã thực hiện kế hoạch yêu cầu các công ty viễn thông được trợ vốn liên bang ngừng hợp đồng với các công ty được coi là mối đe dọa an ninh quốc gia.

TCL, một công ty điện tử gia dụng, đã cáo buộc chính quyền ông Trump có định kiến với các công ty Trung Quốc và đã dừng hợp đồng mua lại một công ty chế tạo bộ định tuyến và các phần cứng khác ở vùng San Diego.

Gần đây, Lenovo, nhà sản xuất máy tính và các thiết bị khác, đã gác lại kế hoạch mua lại BlackBerry sau khi chính phủ Canada cho rằng hợp đồng này sẽ trở thành một mối họa an ninh quốc gia.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại