"Nuốt chửng" thế lực già gân Mỹ, "chấn động" toàn cầu: Thương hiệu Trung Quốc nghiễm nhiên vụt lên top đầu

An An |

Việc mua lại mảng PC IBM của Lenovo được đánh giá là một trong những vụ sáp nhập thành công kinh điển trên thế giới.

Nuốt chửng thế lực già gân Mỹ, chấn động toàn cầu: Thương hiệu Trung Quốc nghiễm nhiên vụt lên top đầu - Ảnh 1.

Theo Business Insider, nhà sản xuất máy tính cá nhân (PC) lớn nhất thế giới không phải là bất kỳ gã khổng lồ nào đến từ nước Mỹ mà là thương hiệu công nghệ Lenovo của Trung Quốc.

Dữ liệu từ công ty nghiên cứu Gartner cho thấy, Lenovo đã xuất xưởng gần 69 triệu chiếc PC, chiếm 24% thị phần toàn cầu vào năm 2022.

Ngay từ 10 năm trước, Lenovo đã vượt qua gã khổng lồ công nghệ HP của Mỹ về tổng doanh số PC và hiện vẫn đang vững vàng ở vị trí dẫn đầu.

Được thành lập vào năm 1984, Lenovo đã đi nước cờ táo bạo khi mua bộ phận PC, dòng máy tính xách tay cao cấp ThinkPad và dòng máy tính để bàn ThinkCentre của Công ty International Business Machines Corp (IBM, thành lập năm 1911) với giá 1,25 tỷ USD.

Việc mua lại mảng PC IBM của Lenovo được đánh giá là một trong những vụ sáp nhập thành công kinh điển trên thế giới.

Thương vụ "rắn nuốt voi"

Vào khoảng 11 giờ đêm ngày 30/4/2005, các phóng viên của một số hãng truyền thông lớn ở Bắc Kinh (Trung Quốc) đồng loạt nhận được các cuộc điện thoại có chung một nội dung.

Cuộc gọi đến từ phòng quan hệ công chúng của Tập đoàn Lenovo, nội dung là mời họ đến tòa nhà mới của Lenovo vào lúc 15h chiều ngày hôm sau để phỏng vấn tân Giám đốc vận hành (COO) của Lenovo, ông Lưu Quân.

Mặc dù chủ đề của cuộc phỏng vấn không được tiết lộ nhưng mọi người đều đoán ra rằng thương vụ mua lại PC IBM của Lenovo sắp kết thúc.

Nuốt chửng thế lực già gân Mỹ, chấn động toàn cầu: Thương hiệu Trung Quốc nghiễm nhiên vụt lên top đầu - Ảnh 2.

Lenovo chính thức hoàn tất quá trình mua lại mảng kinh doanh PC của IBM vào năm 2005. Ảnh: Caixin

Trước đó vào tháng 12/2004, Tập đoàn Lenovo thông báo một thông tin chấn động trong và ngoài Trung Quốc: Tập đoàn đã chính thức ký hợp đồng, mua lại mảng hoạt động kinh doanh PC của IBM.

Thực tế đây là một mảng kinh doanh thua lỗ của gã khổng lồ công nghệ Mỹ.

Theo tài liệu do IBM đệ trình lên Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ năm 2004, khoản lỗ lũy kế trong hoạt động kinh doanh PC của IBM cùng năm là gần 1 tỷ USD.

Mảng kinh doanh PC được bán cho Lenovo đã thua lỗ trong 3 năm rưỡi. Khoản lỗ năm 2001 là 397 triệu USD, năm 2002 là 171 triệu USD, năm 2003 là 258 triệu USD, đến nửa đầu năm 2004 là 139 triệu USD, tăng 43% so với cùng kỳ năm trước.

Ông Liễu Truyền Chí, người sáng lập kiêm Chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn Lenovo cho biết, thương vụ trị giá 1,25 tỷ USD và Lenovo sẽ phải trả 650 triệu USD tiền mặt, 600 triệu USD cổ phiếu và gánh thêm khoản nợ 500 triệu USD của đối tác Mỹ.

Sau thương vụ, IBM sẽ sở hữu khoảng 18,5% cổ phần còn Lenovo sẽ trở thành nhà sản xuất PC lớn thứ ba thế giới với doanh thu hàng năm vượt 10 tỷ USD, cùng quyền sử dụng thương hiệu của IBM trong vòng 5 năm và vĩnh viễn nắm giữ quyền sử dụng nhãn hiệu "Think" nổi tiếng thế giới.

IBM cho biết sau khi sáp nhập, thị phần PC toàn cầu của Lenovo sẽ đạt 8%, xếp sau Dell (16,8%), HP (15%).

Dựa trên hiệu suất bán hàng tổng hợp của cả hai bên trong năm 2003, việc sáp nhập này có nghĩa là doanh số bán PC hàng năm của Lenovo sẽ đạt 11,9 triệu chiếc và doanh số bán hàng sẽ đạt 12 tỷ USD, giúp Lenovo tăng gấp bốn lần quy mô kinh doanh PC thời điểm đó.

Tuy nhiên, có một chi tiết đáng chú ý trong thương vụ đình đám này. Đó chính là giá trị giao dịch 1,25 tỷ USD tương đương gần 73% giá trị thị trường của Lenovo thời điểm đó nên truyền thông Trung Quốc đều đánh giá, đây là thương vụ "rắn nuốt voi".

Phải đến đầu 2005, Lenovo mới đạt được thỏa thuận cho vay hợp vốn quốc tế trị giá 600 triệu USD với sáu ngân hàng, khoản vay này được sử dụng để mua lại hoạt động kinh doanh PC toàn cầu của IBM.

Đến ngày 1/5/2005, Lenovo đã hoàn tất thương vụ đình đám.

Theo Tân Hoa Xã, đối với Lenovo, ý nghĩa biểu tượng của thương vụ với IBM thậm chí còn vượt xa lợi nhuận thực tế. Ngay từ những năm 1980, IBM đã sản xuất máy tính cỡ nhỏ và nhanh chóng chiếm thị phần lớn trên thị trường toàn cầu, trở thành công ty tiên phong về các sản phẩm chủ đạo trong ngành máy tính trên thế giới. Theo thống kê, IBM hiện đứng thứ ba trong số 10 công ty máy tính hàng đầu, với thị phần PC là 5,3%, sau Dell và HP.

"Có thể nói, vị thế và tầm ảnh hưởng của IBM trong lịch sử phát triển PC thế giới là vô giá. Việc mua lại bộ phận huyền thoại và quan trọng của một gã khổng lồ như vậy rõ ràng là minh chứng rõ ràng cho tầm ảnh hưởng và sự phát triển quốc tế của Lenovo".

Mục đích thực sự

Gần 40 năm trước, trong căn phòng nhỏ ở của Viện Công nghệ Máy tính thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, 11 nhân viên khoa học kỹ thuật đã đặt "bát cơm sắt" (chỉ công việc ổn định trong cơ quan nhà nước) xuống và nhấc "bát cơm đất" (công việc thiếu ổn định trong tổ chức tư nhân) lên cùng vốn khởi nghiệp 200.000 NDT để gây dựng thương hiệu Lenovo.

Nuốt chửng thế lực già gân Mỹ, chấn động toàn cầu: Thương hiệu Trung Quốc nghiễm nhiên vụt lên top đầu - Ảnh 3.

Lenovo chấp nhận mua lại khoản kinh doanh thua lỗ của đối thủ. Ảnh: Caixin

Bất chấp những thăng trầm, đến năm 2004, tổng tài sản của Lenovo đạt 19,8 tỷ NDT, 18.000 lao động, doanh thu đạt 42,5 tỷ NDT và lợi nhuận sau thuế đạt 1,3 tỷ NDT.

Trong bài phát biểu tại Học viên Quản lý Quang Hoa, Đại học Bắc Kinh năm 2011, Chủ tịch Liễu Truyền Chí nói rằng, Lenovo đã làm được một việc mà người nước ngoài cho là không thể, đó là mua lại mảng kinh doanh PC toàn cầu của IBM.

"Vào thời điểm [thập niên 1990], Lenovo là một công ty cực kỳ nhỏ, so với những gã khổng lồ nước ngoài và IBM thì đúng là một công ty rất nhỏ. Chúng tôi hoàn toàn không thể so sánh với các đối thủ khác về vốn, công nghệ và nhân lực. Thị phần của chúng tôi tại Trung Quốc trên lý thuyết là 2,7% nhưng thực tế còn kém rất nhiều so với con số này" , ông Liễu nói.

"Sau một loạt cải cách, chúng tôi phát hiện những thay đổi trong số liệu và bắt đầu có sự tăng trưởng đáng kể cho đến năm 2001, khi chúng tôi chiếm 27,5% thị trường Trung Quốc".

Nhưng đến năm 2002, thị phần của Lenovo bất ngờ giảm xuống còn 25% rồi tiếp tục đà suy giảm khi gặp đối thủ bất khả chiến bại từ Mỹ đến châu Âu: Công ty công nghệ Dell.

Đến năm 2004, Lenovo sử dụng phương pháp tiếp cận kép, bán hàng trực tiếp và gián tiếp qua trung gian, quyết "đánh một trận lớn" với Dell. Kết quả là kể từ năm đó, thị phần của Dell tại Trung Quốc đã không tăng nhanh hơn thị phần của Lenovo. Và trên cơ sở này, Lenovo bắt đầu sáp nhập và mua lại PC của IBM.

Ông Lưu Truyền Chí cho biết, rất nhiều người ủng hộ kế hoạch này nhưng họ đều nói rằng, ủng hộ là để khích lệ tinh thần dũng cảm của nhóm ông chứ không nghĩ rằng việc này có thể thành công.

"Đây thực sự là thương vụ rắn nuốt voi... Khi tôi nói chuyện với một lớp EMBA [Học viện Quản lý Quang Hoa năm 2004], có khoảng 90 sinh viên. Tôi hỏi mọi người, ai lạc quan về thương vụ thì chỉ có ba người giơ tay, trong đó có 2 sinh viên do Lenovo cử đến nên thực tế không có mấy lạc quan" , ông Liễu Truyền Chí kể lại trong cuộc trò chuyện vào năm 2011.

Thực tế những lo ngại và phản đối như vậy cũng xảy ra trong nội bộ ban giám đốc Lenovo. Năm 2001, IBM lần đầu tiên "chìa cành ô liu" cho Lenovo nhưng thương vụ này bị ban giám đốc Lenovo từ chối. Tuy nhiên, đến năm 2003, Lenovo đã tổ chức lại chiến lược, quyết định tập trung vào kinh doanh PC và thúc đẩy "quốc tế hóa" nên nối lại vụ sáp nhập mảng PC với IBM.

"Thứ chúng tôi muốn mua là thương hiệu ThinkPad, là công nghệ và nguồn lực quốc tế. Năm 2004, chúng tôi đã bán được 4 triệu máy tính ở Trung Quốc. Năm 2010, chúng tôi đã bán được 18 triệu máy tính ở Trung Quốc. Một số lượng lớn đã được bán ở các vùng nông thôn ở Trung Quốc. Giá một chiếc lẽ ra phải thấp nhưng không hề thấp, còn rất cao là khác... Đó là vì thương hiệu ThinkPad. Đội ngũ vận hành Think ở Nhật Bản và nhóm thiết kế ở Mỹ. Sau khi kết hợp với nhóm Trung Quốc, sẽ nảy sinh những ý tưởng mới và sáng tạo, vì vậy thứ chúng tôi mua không chỉ là bằng sáng chế và công nghệ mà còn là ý tưởng, quan trọng hơn đó là tài nguyên quốc tế hóa. Nếu chúng tôi không có đội ngũ quốc tế xuất sắc và các kênh quốc tế này thì sự phát triển tiếp theo sẽ hoàn toàn không thể xảy ra" , ông nói..

Theo thỏa thuận, thương vụ bao gồm tất cả các hoạt động kinh doanh máy tính xách tay và máy tính để bàn của IBM cũng như các hoạt động kinh doanh liên quan, bao gồm khách hàng, kênh phân phối, bán hàng trực tiếp, thương hiệu Think và các bằng sáng chế liên quan, liên doanh Thâm Quyến của IBM hay trung tâm nghiên cứu ở Nhật Bản.

Sau thương vụ thành công này, Lenovo đã bắt đầu các hoạt động sáp nhập chuyên sâu khác từ năm 2011.

Năm 2011, Lenovo mua lại 80% cổ phần của Medion của Đức với giá 670 triệu USD. Lenovo trở thành công ty PC lớn thứ ba ở Đức và thị phần châu Âu của hãng đã mở rộng lên 10%. Kể từ đó, Lenovo đã liên tiếp mua lại mảng kinh doanh PC NEC của Nhật Bản, CCE của Brazil, Fujitsu của Nhật Bản... liên tục mở rộng ảnh hưởng của mình trên thị trường toàn cầu.

Cùng năm, Lenovo mua lại công ty Stoneware của Mỹ để củng cố và mở rộng một phần quan trọng trong tổ chức sản phẩm của mình - giải pháp điện toán đám mây.

Năm 2014, Lenovo mua thêm mảng kinh doanh máy chủ phổ thông của IBM, đồng thời mua lại 21 bằng sáng chế do tổ chức cấp bằng sáng chế Unwired Planet nắm giữ và nhận được giấy phép chéo của 2.500 bằng sáng chế. Sau đó, Lenovo đã hoàn tất việc mua lại Motorola với giá 2,91 tỷ USD.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại