Nuôi con vật tận dụng cả thịt lẫn "chất thải", anh nông dân thu 5 tỷ đồng rất nhẹ nhàng

Trúc Chi |

Có công việc ổn định nhưng anh Lê Minh Tới quyết định nghỉ việc về quê nuôi con vật quen thuộc "hiền lành, mắn đẻ" mỗi năm thu về cả tỷ đồng.

Nuôi ruồi làm thức ăn chăn nuôi lãi tiền tỷ

Chưa ai từng nghĩ, ruồi sẽ mang lại lợi ích kinh tế. Cho đến một ngày, anh Lê Minh Tới mang ruồi về nuôi và bán trứng với giá khá đắt thì người dân địa phương mới tin.

Trước khi bắt tay vào nuôi ruồi anh Lê Minh Tới quê xã Thiệu Duy, Thiệu Hóa, Thanh Hóa từng có công việc ổn định trong ngành viễn thông nhưng anh có quyết định táo bạo nghỉ việc để về quê khởi nghiệp. "Nghe tưởng đùa" nhưng nuôi ruồi giúp anh nông dân này có thu nhập cao hàng tỷ đồng mỗi năm.

Sử dụng các sản phẩm của ruồi lính đen làm thức ăn chăn nuôi, nuôi thủy sản giúp trang trại tuần hoàn của ông Lê Minh Tới mỗi năm thu về hàng tỷ đồng.

Nuôi con vật tận dụng cả thịt lẫn "chất thải", anh nông dân thu 5 tỷ đồng rất nhẹ nhàng  - Ảnh 1.

Anh nông dân ước tính doanh thu tất cả các con nuôi tại trang trại, nếu xuất bán hết sẽ đạt hơn 5 tỷ đồng. Ảnh: Báo Nông Nghiệp.

Chia sẻ với báo Nông Nghiệp về quê khởi nghiệp trang trại ruồi anh Minh Tới cho hay: "Làm nhà nước đến tuổi phải nghỉ hưu, nhưng làm nông làm đến khi nào chán thì thôi. Bởi vậy, tôi trở về với làng quê, đồng ruộng để tìm kiếm niềm vui và thực hiện đam mê của bản thân".

Nghĩ là làm, năm 2014, anh Tới trở về quê với một khoản tiền kha khá. Khi bắt tay vào khởi nghiệp anh Tới thuê thầu 4,5ha đất tại xã Thiệu Duy để làm trang trại nuôi ruồi lính đen kết hợp đào ao thả vịt, nuôi ốc, cua, trạch...

Mới đầu bắt tay làm anh Tới nghĩ sẽ thu lãi ngay nhưng "đời không như mơ". Dù chi nhiều tiền vào khởi nghiệp nhưng những năm đầu lãi là "con số 0 tròn trĩnh".

Thuở ban đầu khởi nghiệp, anh Tới đặt mua trứng ruồi lính đen ở Trung Quốc về ấp, nuôi. Nhưng do chưa nắm vững kỹ thuật nên kết quả không được như mong đợi. Tuy thất bại liên tục nhưng thời gian sau đó anh Tới vẫn không bỏ cuộc mà quyết tâm làm bằng được.

Ngót 10 năm "chân lấm, tay bùn" anh Tới gần như không có đồng lãi nào trong tay nhưng với quyết tâm làm giàu tại quê hương anh Tới tiếp tục cố gắng học hỏi kinh nghiệm từng ngày trong làm trang trại.

Nuôi con vật tận dụng cả thịt lẫn "chất thải", anh nông dân thu 5 tỷ đồng rất nhẹ nhàng  - Ảnh 2.

Theo nông dân Minh Tới cho biết: "Mô hình nuôi ruồi lính đen lấy ấu trùng hay nuôi giun quế làm thức ăn cho vật nuôi khá phổ biến trên thế giới, giúp giảm chi phí thức ăn, đem lại năng suất và chất lượng vật nuôi. Tuy nhiên, đây là loài vật có tuổi thọ thấp, sau khi đẻ trứng ruồi sẽ chết. Do đó, khó khăn lớn nhất khi nuôi ruồi lính đen là quá trình nghiên cứu sinh lý hóa, tập tính, khí hậu và nhiệt độ chuồng nuôi để đảm bảo hiệu quả sinh trưởng, sinh sản của chúng".

Với ý chí làm giàu bằng được bằng nghề nông, sau khi thử nghiệm nuôi ruồi lính đen thành công, anh Tới mạnh dạn chi 2 tỷ đồng để đầu tư lắp đặt 2 nhà màng với trên diện tích 1.000m2. Bên cạnh đó là các ao nuôi cá chê, cua, ốc, trạch, vịt, để thuận tiện cho việc cung cấp, vận chuyển thức ăn cho vật nuôi.

Không chỉ nuôi ruồi đen phục vụ chăn nuôi trang trại của gia đình, anh nông dân này còn tận dụng xử lý được tất cả các loại phế phẩm nông nghiệp, thức ăn thừa, giúp bảo vệ môi trường xung quanh. Nhờ chăm chỉ và không ngại thử thách đến nay chủ trang trại này đã ký kết với các công ty chế biến nông sản để thu mua nguyên liệu về làm thức ăn cho ruồi.

Tiết lộ bí quyết chăn nuôi ruồi đen, anh Tới cho biết thêm, nuôi ruồi lính đen lấy ấu trùng làm thức ăn cho vật nuôi giúp tiết kiệm khoảng 20% chi phí thức ăn, ấu trùng giàu đạm, vật nuôi phát triển nhanh.

"Ấu trùng ruồi lính đen được trộn với cám công nghiệp, làm thức ăn cho vịt, trạch, cua trong trang trại. Phân ruồi được sử dụng ủ men vi sinh nuôi ốc, cá trê. Thức ăn từ ấu trùng đảm bảo an toàn vệ sinh mà vẫn tiết kiệm được chi phí, đáp ứng tiêu chí kinh tế tuần hoàn, nâng cao hiệu quả, sức đề kháng cho vật nuôi", anh Tới chia sẻ.

Khi có được cơ ngơi như ngày hôm nay, anh Tới đã đầu tư cả chục tỷ đồng và tự mình mày mò, nghiên cứu kỹ thuật, quy trình nuôi ruồi lính đen.

Làm chủ được nguồn thức ăn chính, anh Tới thành lập hợp tác xã và tập trung xây dựng mô hình trang trại tổng hợp với nhiều vật nuôi. Đến nay, anh Tới đã có 7 ao nuôi, thả, hệ thống nhà màng phục vụ chăn nuôi theo hướng bán tự đồng được đầu tư khá đồng bộ, hiện đại.

Hiện trang trại đang nuôi 5.000 vịt, 12 vạn cá trê vàng, 10 tấn ốc dạ, trạch và 3 tạ cua đồng... Dự kiến, anh Tới sẽ thu về từ 3-5 tỷ đồng sau khi xuất bán các sản phẩm từ chăn nuôi.

Trại ruồi lính đen của anh Lê Minh Tới là mô hình nuôi ruồi lính đen lấy ấu trùng làm thức ăn cho vật nuôi đầu tiên tại Thanh Hóa, hoạt động theo mô hình tuần hoàn. Bên cạnh đó, mô hình trang trại này không gây ảnh hưởng tới môi trường, an toàn với vật nuôi, đồng thời tận dụng và xử lý được các nguồn rác thải hữu cơ có ích, phục vụ chăn nuôi.

Đây là một lợi thế rất lớn trong chăn nuôi, giúp nông dân nâng cao hiệu quả và thu nhập. Hiện nay, mô hình trang trại tuần hoàn, an toàn, thân thiện với môi trường của ông Tới đang trở thành điểm đến tham quan, học tập của nhiều người có chung đam mê làm nông nghiệp.

Mô hình nuôi ruồi lính đen đầy tiềm năng

Tương tự anh Tới, trước đó có một anh nông dân 9X thu tiền tỷ mỗi năm nhờ nuôi ruồi. Từng chia sẻ về câu chuyện làm giàu từ nông nghiệp của mình với Dân Việt, anh Nguyễn Thành Vinh cho biết: "Nhìn vào trang trại của tôi, người đời cứ bảo rằng tôi giàu rồi mới là nông nghiệp. Chứ ít ai biết, tôi làm giàu từ nông nghiệp".

Nuôi con vật tận dụng cả thịt lẫn "chất thải", anh nông dân thu 5 tỷ đồng rất nhẹ nhàng  - Ảnh 3.

Nông dân 9X lãi lớn nhờ nuôi ruồi.

Nguyễn Thành Vinh đang là một nông dân trẻ chính hiệu và mang trong mình giấc mơ làm giàu từ nông nghiệp.

Trước khi bén duyên nuôi ruồi, anh Nguyễn Thành Vinh làm việc trên thành phố và có gửi tiền về cho bố mẹ để mua 2ha đất vườn, ao ở quê nhà. Sau đó tình cờ anh biết đến hội nuôi ruồi lính đen trên internet. Qua tìm hiểu, anh thấy rằng đây là loài côn trùng có ích mà dễ nuôi. Ruồi lính đen vừa giúp xử lý rác thải, vừa tạo ra nguồn thức ăn dinh dưỡng phục vụ chăn nuôi và chất thải từ nuôi ruồi có thể sử dụng làm phân bón hữu cơ cho cây trồng.

Anh nông dân 9X này tiếp đó đã thử nghiệm thành công khi lấy ấu trùng ruồi lính đen để làm thức ăn dụ và nuôi chim yến. Nhờ những nguồn thu nhập này, không chỉ giúp Vinh chăm sóc cho cuộc sống gia đình tốt hơn mà anh cũng đã trả được 1,6 tỷ đồng tiền vay mượn để đầu tư vào trang trại.

Nuôi con vật tận dụng cả thịt lẫn "chất thải", anh nông dân thu 5 tỷ đồng rất nhẹ nhàng  - Ảnh 4.

Ruồi lính đen, tên khoa học là Hermetia illucens thuộc họ ruồi đen, có nguồn gốc ở vùng nhiệt đới, cận nhiệt đới, có sẵn trong môi trường tự nhiên ở nước ta. Tuy không mới nhưng đây là một trong những loài côn trùng có khả năng tái tạo thức ăn trong chăn nuôi tuần hoàn. Trong đó, ấu trùng ruồi lính đen được sử dụng làm thức ăn cho chăn nuôi lợn, gia cầm, thủy sản và xử lý rác thải hữu cơ, chất thải gia súc, gia cầm. Việc bổ sung ấu trùng ruồi lính đen vào khẩu phần thức ăn góp phần giảm chi phí, đẩy nhanh tốc độ sinh trưởng, tạo mùi vị thơm ngon, nâng cao chất lượng thịt của vật nuôi.

Bên cạnh đó, nuôi ruồi lính đen còn cung cấp nguồn phân bón chất lượng tốt cho cây trồng, thủy sản, góp phần bảo vệ môi trường. Chúng tôi cung cấp một số thông tin về kỹ thuật nuôi ruồi lính đen để các đơn vị vận dụng hiệu quả.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại