Chăm chỉ nuôi con vật quen thuộc tại nhà thu 3 tỷ đồng mỗi năm
Nuôi loài đặc sản núi rừng này không tốn nhiều công chăm sóc mà hiệu quả kinh tế cao được nhiều nông dân quan tâm, mở ra hướng phát triển kinh tế mới. Điển hình nông dân Nguyễn Văn Đức ở huyện Can Lộc, Hà Tĩnh đã lựa chọn hướng phát triển kinh tế từ loài vật này, mỗi năm anh thu 3 tỷ đồng rất nhẹ nhàng.
Xuất phát từ sự đam mê và nhận thấy nuôi chồn hương mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, giá cả ổn định, chi phí thức ăn rất ít, trong gần 5 năm qua, anh Nguyễn Văn Đức đã chăm chỉ chăm nuôi có thu nhập cao cho gia đình.
Tiết lộ về quá trình khởi nghiệp nuôi chồn hương với báo Hà Tĩnh, anh Đức chia sẻ: "Năm 2019, tôi đầu tư xây dựng trang trại nuôi chồn hương và mua 50 con chồn giống về nuôi. Sau thời gian chăm sóc, học hỏi kỹ thuật và mở rộng quy mô, tôi đã có 2 khu chuồng diện tích hơn 500m2 với khoảng 700 con chồn hương, chủ yếu nuôi sinh sản để bán con giống. Năm 2024, tôi sẽ cung ứng ra thị trường từ 1.800 - 2.000 con chồn giống với doanh thu trên 3 tỷ đồng, lợi nhuận 1,5 tỷ đồng".
Trước khi bén duyên nuôi chồn và có lợi nhuận tiền tỷ như hiện nay, anh Đức đã học hỏi kinh nghiệm nhiều nơi. Chia sẻ về bí quyết nuôi chồn anh Đức nhận thấy chi phí nuôi chồn hương khá thấp vì chủ yếu tận dụng nguồn thức ăn sẵn có tại địa phương như chuối, thịt gà, cá,…Đặc biệt nuôi loài động vật này không tốn quá nhiều thời gian chăm sóc nên người nuôi sớm thu hồi vốn và cho lãi cao.
Nhiều nông dân thành công nhờ mô hình làm trang trại nuôi chồn
Ở Việt Nam, chồn hương phân bố khá nhiều ở các tỉnh. Vừa qua, không chỉ anh Đức ở Hà Tĩnh có doanh thu tiền tỷ nhờ nuôi chồn, trước đó có nhiều nông dân thành công nhờ mô hình nuôi chồn. Tại Tuyên Quang, nhiều nông hộ đã mạnh dạn chăn nuôi chồn mốc. Nuôi loài này vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao, vừa là giải pháp bảo tồn loài chồn.
Tuy chồn khi sống hoang dã thì ăn các loại trái cây rừng, rắn, chuột, gà…. Nhưng khi được thuần hóa, thì gia đình anh Nguyễn Văn Chung ở Sơn Dương, Tuyên Quang thường cho chúng ăn cháo gà ninh nhừ (cổ gà, gà thải). Trái cây cho chồn là các loại quả như chuối, thanh long và những trái cây mà địa phương có.
Quyết tâm làm giàu tại quê hương, anh Nguyễn Văn Chung ở Sơn Dương, Tuyên Quang nuôi chồn từ năm 2016. Giống anh mua từ Hà Giang, đã có xác nhận thuần hóa của cơ quan kiểm lâm. Để phát triển mô hình nuôi chồn quy mô, anh Chung xây chuồng rộng 2.000 m2 với 20 cặp giống ban đầu. Theo anh, chồn mốc phát triển tốt, thức ăn lại rẻ, dễ kiếm.
Trang trại cho loài này cũng đơn giản, có thể làm bằng gỗ ép, gạch xây hoặc lưới thép. Chi phí anh Chung bỏ ra cho mỗi chuồng chồn là 500.000 đồng. Anh nông dân này vừa nuôi vừa học hỏi kỹ thuật và dốc tâm sức, đàn chồn lớn nhanh, khỏe mạnh. Sau năm đầu làm bạn với loài này, anh đã thu lại vốn. Sau đó mỗi năm anh bán khoảng 2 tấn chồn thương phẩm và 200 con giống. Trừ chi phí, anh Chung cho biết, anh thu về khoảng 2 tỷ đồng.
Đáng chú ý, thời gian qua, nhiều nông hộ ở các tỉnh thành khác cũng đã thành công với mô hình nuôi chồn. Chẳng hạn như anh Nguyễn Văn Tuấn ở Quảng Ngãi. Anh bắt đầu nuôi chồn từ năm 2013 và sau đó nhân rộng mô hình. Anh bán chồn giống với giá khoảng 7 triệu đồng/con.
Tại Thái Bình, ông Đoàn Văn Nghiên và Đoàn Văn Nguyện, xã Vũ Lạc, Thành phố Thái Bình đã nuôi chồn hương được 2 năm. Hai nông hộ này cũng bán chồn giống với giá khoảng 7 triệu đồng/cặp và thu lãi lớn từ việc nuôi chồn.
Có thể nói nuôi chồn hương là một mô hình mới, nuôi chồn hương không tốn nhiều công chăm sóc, diện tích chuồng trại, nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều nông dân. Vì vậy, người dân có thể nuôi và tranh thủ kết hợp thêm ngoài các công việc khác để tăng thu nhập gia đình. Đây là mô hình có thể nhân rộng để người dân phát triển kinh tế.
Mặc dù nuôi chồn mang lại hiệu quả kinh tế cao nhưng để được phép thực hiện chăn nuôi chồn hương, chủ hộ chăn nuôi cần hoàn thiện các thủ tục gồm: giấy đăng ký thành lập hộ kinh doanh hoặc doanh nghiệp; xác nhận bảo vệ môi trường; cấp mã số trại nuôi tại cơ quan kiểm lâm cấp tỉnh.
Các yêu cầu, tiêu chuẩn trong việc nuôi chồn hương như: yêu cầu về điều kiện diện tích; vị trí; thiết bị; an toàn sinh học... được quy định tại Quyết định số 15/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Lưu ý, người chăn nuôi cần mua con giống ở các trại giống hợp pháp, con giống có nguồn gốc rõ ràng; trong quá trình nuôi phải lập sổ theo dõi, định kỳ báo cáo và chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý Nhà nước cấp tỉnh.