Chồng làm công nhân, thu nhập khoảng 8 triệu đồng. Tổng thu nhập của hai vợ chồng vừa đủ để nuôi con trai đang học lớp 1, chi tiêu ăn uống, thuê nhà trọ… Thế nhưng, từ cuối năm 2021, chồng chị Trang thất nghiệp do công ty gặp khó khăn về đơn hàng phải cắt giảm lao động, chị Trang trở thành trụ cột lo kinh tế cho gia đình.
“Với đồng lương 17 triệu đồng, tôi vừa nuôi chồng con, vừa phải “gồng mình” chịu thuế thu nhập cá nhân. Trong khi giá cả hàng hóa leo thang, xăng điện tăng giá… khiến cuộc sống luôn thiếu trước hụt sau” - chị Trang than thở.
Gia đình chị Bùi Thị Dinh (công nhân Công ty Hung Way, quận 7, TPHCM) mong được giảm thuế TNCN để cuộc sống “dễ thở” hơn. Ảnh: Uyên Phương
Mỗi tháng, khi lương chuyển vào tài khoản cá nhân thường bị khấu trừ 2 triệu đồng đóng thuế TNCN, chị Lê Thị Tuyết Nhung (25 tuổi, quê An Giang) gần như không còn khoản tiết kiệm nào cho bản thân. Chị nhẩm tính, tiền thuê nhà 5 triệu đồng/tháng, tiền học cho 2 con nhỏ khoảng 6 triệu đồng/tháng, chi phí sinh hoạt hằng ngày, tiền gửi về quê phụng dưỡng cha mẹ đôi bên là hết thu nhập của hai vợ chồng.
“Người phụ thuộc được giảm trừ 4,4 triệu đồng/người/tháng là không đủ, vì nuôi con nhỏ rất tốn kém, chưa kể khi các con đau ốm… Tôi mong mức giảm trừ gia cảnh cần được nâng lên hoặc mức thuế thu nhập cá nhân phải giảm đi, có như thế mới hợp lý và người lao động mới dễ thở” - chị Nhung bộc bạch.
Theo chị Hồ Thị Trang, kế toán trưởng của một doanh nghiệp tại quận 1, mức giảm trừ gia cảnh không tương xứng khiến nhiều trường hợp người lao động phải chịu đóng thuế oan khi lương tăng thêm chút ít nhưng lại bị chuyển bậc thuế, đóng nhiều hơn. Chị Trang cho rằng, nên giảm thuế về mức thấp hơn.