Thủ tướng Campuchia Hun Manet chỉ ra 5 khuyến nghị nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế và thương mại để đưa Campuchia trở thành quốc gia có thu nhập trung bình vào năm 2030 và quốc gia có thu nhập cao vào năm 2050, theo Khmer Times.
Ông nhấn mạnh đến việc đa dạng hóa xuất khẩu nông sản, mở rộng khả năng tiếp cận thị trường nước ngoài, phát triển cơ sở hạ tầng kết nối, triển khai chuyển đổi số và chuẩn bị thoát khỏi tình trạng kém phát triển nhất (LCD).
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm 20 năm Campuchia gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) do Bộ Thương mại (MoC) tổ chức, ông Hun Manet cho biết Campuchia đã sẵn sàng thoát khỏi tình trạng LCD vào năm 2029.
Trong bài phát biểu dài một giờ của mình, ông Hun Manet đã giải thích những nét chính của 5 chiến lược nhằm xây dựng Campuchia thành quốc gia có thu nhập trung bình vào năm 2030 và quốc gia có thu nhập cao vào năm 2050. Mục tiêu đầu tiên là thúc đẩy phát triển các ngành ưu tiên đồng thời xác định các nguồn tăng trưởng kinh tế mới nhằm đa dạng hóa xuất khẩu ngoài hàng may mặc và sản phẩm gạo.
“Điều này bao gồm việc tăng cường các sản phẩm du lịch, đồ điện tử, tấm pin mặt trời, xe đạp và nhiều sản phẩm nông nghiệp khác nhau bao gồm cao su, hạt điều, chuối và xoài”, Thủ tướng Campuchia cho biết.
“Chính phủ Hoàng gia Campuchia (RGC) sẽ tiếp tục cung cấp các ưu đãi thuế cho các nhà sản xuất và xuất khẩu trong nước các mặt hàng gạo, ngô, đậu nành, hạt tiêu, sắn, hạt điều, cao su, xoài, thủy sản, chăn nuôi và các sản phẩm dầu cọ”.
Ông Hun Manet nhấn mạnh rằng sáng kiến này nhằm mục đích thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa trong nước và thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp tạo thêm giá trị gia tăng cho lợi ích của nông dân và nhà đầu tư địa phương trong ngành.
Theo Thủ tướng Vương quốc Campuchia, trọng tâm thứ hai sẽ là thực hiện phương pháp tiếp cận 'Tăng cường thị trường hiện tại và mở rộng thị trường mới' vì RGC đang tích cực thúc đẩy việc thực hiện và sử dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương, khu vực và đa phương hiện có, bao gồm với Trung Quốc, Hàn Quốc, UAE và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
“Ngoài ra, Chính phủ Hoàng gia đã đưa ra các hướng dẫn để tạo điều kiện tiếp cận thị trường nước ngoài và các đối tác thương mại tiềm năng mới bằng cách thúc đẩy việc thành lập FTA mới để mở rộng thị trường xuất khẩu”.
Campuchia muốn tăng FDI
Mục tiêu thứ ba là thu hút nhiều vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hơn vào các ngành công nghiệp ưu tiên và xanh cũng như thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) bằng cách củng cố các ngành công nghiệp chế biến nông sản và khả năng tiếp cận công nghệ, nghiên cứu và phát triển.
Thủ tướng Hun Manet cho biết chính phủ đang xây dựng cơ sở hạ tầng kết nối để tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại và nền kinh tế nói chung.
“Thứ tư, tích cực thực hiện các chính sách chuyển đổi số, kinh doanh và thương mại điện tử bằng cách khuyến khích khu vực tư nhân và các công ty thành lập các vườn ươm công nghệ để bán sản phẩm tại địa phương cũng như qua biên giới”, ông Hun Manet phát biểu.
Ông tuyên bố Chính phủ Hoàng gia Campuchia đang thúc đẩy việc sử dụng các hệ thống tự động hóa và nền tảng công nghệ để hợp lý hóa các thủ tục, giảm thời gian và chi phí vận chuyển, qua đó cải thiện đáng kể môi trường kinh doanh và hoạt động thương mại trên toàn quốc nhằm nâng cao chất lượng, tính minh bạch và hiệu quả của các dịch vụ công.
Cuối cùng, chính phủ Campuchia đang xây dựng một chiến lược nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc thoát khỏi tình trạng các nước kém phát triển nhất (LDC) một cách suôn sẻ để giảm thiểu những tác động tiêu cực của việc mất đi các ưu đãi thương mại và các biện pháp quốc tế, đồng thời đảm bảo phát triển bền vững sau khi rời khỏi khu vực vào năm 2029.
Campuchia dẫn đầu ASEAN và thứ ba trong số 20 nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ở châu Á với tốc độ tăng trưởng 6,1% vào năm 2024, tờ Khmer Times cho biết vào tháng 4 năm nay.
Theo Pen Bona, người phát ngôn của Chính phủ Hoàng gia Campuchia, bảng xếp hạng tăng trưởng kinh tế do công ty thống kê SeasiaStats của Indonesia công bố dựa trên dự báo của các tổ chức tài chính quốc tế.