Sông Cầu đoạn chảy qua 2 tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh bị ô nhiễm nghiêm trọng. (Ảnh: KT)
Cùng tâm trạng lo lắng về chất lượng nước sông Cầu bị ô nhiễm không thể sử dụng được trong sản xuất nông nghiệp, ông Nguyễn Văn Triệu, ở xã Tư Mại, huyện Yên Dũng cho biết, những ngày cận Tết vừa qua, dòng sông bốc mùi hôi thối nồng nặc.
Chưa kể, nước sông Cầu là đầu vào của nhiều nhà máy nước sạch trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang nên tiềm ẩn nguy cơ bệnh tật.
Mặc dù người dân cũng như các ngành chức năng của tỉnh đã nhiều lần làm đơn kêu cứu đến các cơ quan chức năng nhưng đến nay, tình trạng ô nhiễm trên sông Cầu không những không được cải thiện mà ngày càng nghiêm trọng hơn.
“Cá còn không sống được nữa là con người. Toàn bộ người dân từ thị trấn đến tận khu công nghiệp Sông Khê-Nội Hoàng đều dùng nguồn nước sông Cầu. Cho nên hiện nay, nước bị ô nhiễm rất nặng. Chúng tôi ăn không dám dùng nhưng bây giờ nguồn nước giếng khơi không còn nữa”, ông Triệu cho hay.
Không chỉ người dân Bắc Giang, những người dân đầu nguồn thải ở tỉnh Bắc Ninh cũng đang phải từng ngày, từng giờ chịu đựng sự “tra tấn” của mùi hôi thối, đặc quánh của nước thải của sông Ngũ Huyện Khê (1 trong 2 kênh chính xả nước thải chưa qua xử lý ra sông Cầu).
Bà Nguyễn Thị Xế, thôn Khúc Thoại, xã Khúc Xuyên, thành phố Bắc Ninh cho biết, từ dòng nước phục vụ sinh hoạt cho bà con, Ngũ Huyện Khê hiện đã bị nước xả thải của các làng nghề tái chế giấy Phòng Khê, Phú Lâm “giết chết”, trở thành nỗi ám ảnh, kinh hãi của các làng, xã 2 bên bờ.
Nước sông ngấm cả vào mạch nước ngầm của gia đình ông cùng nhiều hộ khác. Bà con khoan giếng, nước bơm lên cũng tanh hôi, đen ngòm.
“Ở đây, nhiều hôm chúng tôi không thể ngủ được. Người dân xã Khúc Xuyên rất phẫn nộ về tình trạng ô nhiễm trên con sông này. Nguồn nước này là do nhiều nhà máy ở Phong Khê thải ra.
Các xã Khúc Xuyên, xã Vạn An, xã Hoà Long, xã Phong Khê là 4 xã bị ảnh hưởng bởi con sông này. Gần đây có nhiều người trẻ bị bệnh ung thư”, bà Nguyễn Thị Xế cho hay.
Thông tin thêm về tình trạng ô nhiễm trên dòng sông Cầu đoạn chạy qua địa phận huyện Yên Dũng, ông Lại Văn Hà, Phó phòng Tài nguyên và môi trường huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang cho biết, năm cao điểm, nước sông Cầu có khoảng 10 đợt chuyển màu, mùi hôi thối và cá chết nổi trắng trên sông.
Đoạn sông Cầu chảy qua huyện Yên Dũng có chiều dài hơn 20 cây số, bên này là Bắc Giang, bờ bên kia là tỉnh Bắc Ninh, vì thế, cả người dân Bắc Giang và Bắc Ninh đều bị ảnh hưởng.
Riêng với huyện Yên Dũng, nước sông ô nhiễm ảnh hưởng đến hàng nghìn người thuộc nhiều xã, thị trấn thuộc huyện Yên Lư, Nham Biền, Tư Mại, Cảnh Thụy, Đồng Phúc, Đồng Việt....
Hơn 4.000 ha đất nông nghiệp (chiếm hơn 50% tổng diện tích đất nông nghiệp huyện Yên Dũng) phải sử dụng nước sông Cầu để phục vụ cho sản xuất cây trồng. Đồng thời, 2 nhà máy nước sạch lấy từ nguồn nước sông Cầu để xử lý và cung cấp nước sinh hoạt cho người dân trong huyện cũng phải ngừng hoạt động.
“Từ tháng 11/2010 đến nay, có khoảng 5 đợt nước chuyển màu đen và cá chết. Người dân rất xúc đã kiến nghị với các cơ quan quản lý nhà nước, nhiều cơ quan thông tấn báo chí cũng đã về đưa tin. Tuy nhiên, tình hình vẫn chưa được cải thiện”, ông Lại Văn Hà cho biết”.
Sông Cầu đang “hấp hối”, Sông Cầu đang “giãy chết”, đây là những lời kêu cứu của hàng vạn hộ dân 2 tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang đang sinh sống dọc tuyến sông này. Nếu các địa phương không cùng chung tay trước khi quá muộn thì không chỉ dòng sông “chết”, mà đời sống của bà con khắp lưu vực sông cũng sẽ rơi vào cùng cực./.