Tuyên bố của Đức
Hãng thông tấn TASS đưa tin, Bộ Tài chính Đức đã tuyên bố đóng băng tài sản trị giá 4,1 tỷ euro (gần 4,5 tỷ USD) của Nga.
Nói với các phóng viên, người phát ngôn Bộ Tài chính Đức Nodjinan Niminde-Dundadengar cho biết, chính quyền Berlin đã quyết định đóng băng số tài sản của Nga trong khuôn khổ các biện pháp trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) nhằm vào Moscow.
"Số này bao gồm tất cả các tài sản trong diện trừng phạt, bao gồm tiền bị đóng băng, nguồn lực kinh tế của các cá nhân và tài sản bị phong tỏa của Ngân hàng Trung ương Nga" - Ông Niminde-Dundadengar nói.
Tờ Dagens Nyheter của Thụy Điển đánh giá đây là một động thái "táo bạo" của Đức trong bối cảnh căng thẳng với Nga dâng cao.
Trước đó, hôm 20/12/2023, Văn phòng Công tố Liên bang Đức đã trình kiến nghị lên tòa án ở Frankfurt, yêu cầu thu giữ hơn 720 triệu euro (khoảng 786 triệu USD) từ một tài khoản ngân hàng nặc danh của Nga ở nước này. Quyết định được đưa ra sau khi chính quyền Đức nghi ngờ Nga cố tình vi phạm các quy định cấm vận theo luật pháp Đức.
Đòn giáng kép
Động thái mới của Đức diễn ra không lâu sau khi nước này công bố "thỏa thuận lịch sử" với Lithuania, trong đó cho phép Đức triển khai thường trực 4.800 binh sĩ cùng 200 nhân viên hỗ trợ tới quốc gia Baltic, "chỉ cách biên giới Nga khoảng 100km và nằm ngay trong vùng hỏa lực nếu Nga phát động cuộc tấn công nhằm vào lãnh thổ NATO".
Đây có thể coi là "đòn giáng kép" nhằm vào Moscow trong bối cảnh Berlin cảnh báo Nga có thể tấn công Đức và bắt đầu một cuộc chiến phòng thủ sau khi cuộc xung đột Ukraine kết thúc.
Gần đây, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng mới ký sắc lệnh đáp trả các quốc gia "không thân thiện", trong đó nhắm vào mỏ dầu khí khổng lồ Yuzhno-Russkoye mà tập đoàn Wintershall (Đức) sở hữu một phần. Đây là động thái đánh dấu vụ tịch thu tài sản lớn nhất trong lịch sử gần đây của Nga.
Tình hình này khiến quan hệ giữa 2 nước càng thêm căng thẳng. TASS cho biết, trong danh sách gửi tin nhắn chúc mừng năm tới của ông Putin không có Đức.
Phối hợp với 6 cường quốc tung đòn vào Nga
Đáng lưu ý, không chỉ đóng băng tài sản trị giá 4,5 tỷ USD của Nga tại Đức, chính quyền Berlin còn song song phối hợp với 6 quốc gia thành viên còn lại trong Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) nắm vào gần 300 tỷ USD dự trữ ngoại hối của Nga bị các nước phương Tây phong tỏa kể từ sau khi Moscow phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tháng 2/2022.
Hãng tin Reuters cho biết, các nhà lãnh đạo G7 sẽ thảo luận vấn đề pháp lý liên quan tới ý định tịch thu 300 tỷ USD này của Nga tại Hội nghị thượng đỉnh diễn ra vào tháng 2 tới.
Mỹ đã đề xuất thành lập 3 nhóm làm việc để xem xét các vấn đề pháp lý xung quanh việc tịch thu, phương pháp áp dụng chính sách đó, cũng như các lựa chọn về cách thức sử dụng số tiền tịch thu được để hỗ trợ tốt nhất cho Ukraine.
Tờ New York Times dẫn thông tin từ các quan chức Mỹ và châu Âu giấu tên cho biết, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden "đang âm thầm phát tín hiệu hỗ trợ mới" để tiếp nhận khoản tiền khổng lồ 300 tỷ USD.
Nga phản ứng rắn
Vụ trưởng Vụ Hợp tác Kinh tế Bộ Ngoại giao Nga, ông Dmitry Birichevsky cảnh báo Moscow sẽ có hành động tương xứng nếu phương Tây tịch thu tài sản bị phong tỏa của Nga.
Trong khi đó, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, Nga đã lên sẵn danh sách các tài sản phương Tây có thể tịch thu nếu G7 quyết định tịch thu 300 tỷ USD tài sản đóng băng của Nga.
"Khi phương Tây bắt đầu áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế chưa từng có đối với chúng tôi, họ không hề nghĩ đến hiệu ứng boomerang nhưng bây giờ điều đó là hiển nhiên" – Ông Peskov nói.
Người phát ngôn Điện Kremlin nhấn mạnh bất kỳ bước đi nào của phương Tây đối với tài sản Nga đều sẽ bị coi là "trộm cắp", vi phạm luật pháp quốc tế và làm suy yếu các đồng tiền dự trữ, hệ thống tài chính toàn cầu và nền kinh tế thế giới.
Ông Peskov cảnh báo điều này gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, đồng thời cho biết thêm rằng nó sẽ làm suy yếu niềm tin của các nước khác đối với Mỹ và EU với tư cách là những người bảo lãnh kinh tế.
"Tất nhiên, chúng tôi đã phân tích trước các động thái trả đũa có thể. Chúng tôi sẽ làm mọi thứ sao cho phù hợp nhất với lợi ích của chúng tôi", ông Peskov nhấn mạnh.
Theo tờ Financial Times, khi việc tịch thu tài sản đóng vai trò như một cách ứng phó với hành vi gây hấn thì sớm hay muộn nó cũng sẽ dẫn tới cuộc chiến công khai giữa phía chiếm giữ và phía bị tịch thu tài sản.
Đức đã mất phần lớn tài sản ở nước ngoài sau Thế chiến I, tuy nhiên, các quốc gia chiếm giữ chỉ có thể kích hoạt quyền tịch thu số tài sản này bằng cách tuyên chiến với Đức hoàng.
Một tiền lệ khác tương tự là việc tịch thu tài sản nước ngoài của Iraq để trừng phạt cố Tổng thống Saddam Hussein vì đã tấn công Kuwait năm 1990. Song, điều này vẫn phải tuân theo sự ủy quyền của Liên Hợp Quốc về các động thái can thiệp quốc tế để duy trì hòa bình.
Những ví dụ đó cho thấy các đồng minh của Ukraine không thể hòa đồng hai phía: Vừa tuyên bố quyền lực thời chiến, vừa khẳng định họ không muốn chiến tranh với Nga.
Bên cạnh đó, sau hành động lần này, phương Tây sẽ thiết lập một tiền lệ gây bất ổn: Tịch thu tài sản để chấm dứt một cuộc chiến mà họ không công khai tham gia. Điều này sẽ mở rộng phạm vi các hành động cưỡng chế mà một quốc gia có thể thực hiện đối với các tranh chấp mà họ không dính dáng trực tiếp.
Nếu cơ sở mà phương Tây đang dựa vào có hiệu lực từ năm 2003 thì các nước châu Âu hoàn toàn có khả năng tịch thu tài sản nước ngoài của bất cứ quốc gia nào nằm trong liên minh do Mỹ dẫn đầu tấn công Iraq.