Nước sạch sông Đà bốc mùi lạ: Đơn vị bán nước nói "đã làm hết trách nhiệm"

Đức Trọng |

Viwaco đã gửi báo cáo sự cố nước lên các sở ngành nhưng đến nay vẫn chưa nhận được trả lời.

Nước sạch sông Đà bốc mùi lạ: Đơn vị bán nước nói đã làm hết trách nhiệm - Ảnh 1.

Xe téc chở nước của Viwaco cung cấp nước sạch cho nhân dân Hà Nội

Đơn vị bán nước cũng chưa có câu trả lời (?!)

Sáng 15/10, liên quan đến việc nguồn nước ô nhiễm, trả lời PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Hữu Tới, Giám đốc Công ty Cổ phần Ðầu tư xây dựng và Kinh doanh nước sạch (Viwaco - đơn vị cung cấp nước) khẳng định, đơn vị đã làm hết trách nhiệm của mình.

Theo ông Tới, ngay sau khi xảy ra sự cố, Viwaco đã liên hệ với cơ quan ban ngành và Công ty Cổ phần Đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco, đơn vị bán nước) để tìm kiếm câu trả lời, từ đó Viwaco có thể trả lời cho người dân.

“Nhưng cơ quan chức năng hẹn nay, rồi lại mai và đến nay vẫn chưa trả lời. Đến nay, đơn vị bán nước là Viwasupco, Công ty Sông Đà, Sở Xây dựng, cơ quan kiểm định... cũng chưa trả lời Viwaco, chưa có kết quả cho Viwaco", ông Tới nói.

Theo ông Tới, trong lúc chờ câu trả lời, Viwaco đã chủ động anh em trong đơn vị liên hệ với tất cả các hộ dân, nhưng chỗ nào nước còn mùi Viwaco cho xúc xả bơm ra, còn những khu nào người dân thuê người ngoài vào làm thì hết bao nhiều tiền Viwaco trả.

Nước sạch sông Đà bốc mùi lạ: Đơn vị bán nước nói đã làm hết trách nhiệm - Ảnh 2.

Nước suối đầu nguồn nước sông Đà chuyển màu đen do bị ô nhiễm

Nếu nước nhiễm độc, xử lý trách nhiệm thế nào?

Luật sư Hoàng Tùng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nêu quan điểm, nếu đơn vị cung cấp nước biết nguồn nước bị ô nhiễm vẫn bán cho khách hàng có thể xem xét hành vi vi phạm quy định trong quản lý vận hành.

Với đơn vị bán nước, cung cấp nước, nếu biết nguồn nước bị ô nhiễm chưa khắc phục mà vẫn cố tình cung cấp nước bẩn, không đảm bảo chất lượng cho khách hàng, với hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nói trên, hành vi đó của doanh nghiệp cần cá thể hoá trách nhiệm của cá nhân người quản lý có nghĩa vụ đã chỉ đạo vẫn cố tình vận hành cấp nước bẩn.

“Khi cá thể hoá được người có quyền hạn của doanh nghiệp có thể xem xét hành vi vi phạm quy định trong quản lý vận hành được đơn vị giao gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng hoặc đồng phạm với tôi gây ô nhiễm môi trường nguồn nước sinh hoạt theo điều 235 Bộ luật hình sự 2015.

Trường hợp này, doanh nghiệp bán nước, cung cấp nước ngoài bị xử phạt vi phạm hành chính còn phải chịu nghĩa vụ bồi thường theo hợp đồng cung cấp đã ký và theo quy định pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hiện hành”, luật sư Hoàng Tùng phân tích.

Đối với đối tượng là cá nhân mà thực hiện với Lỗi cố ý nhằm mục đích làm ô nhiễm nguồn nước của nhà máy cấp nước sinh hoạt gián tiếp thiệt hại cho người dân thì có thể bị xử lý hình sự với tội danh “Tội gây ô nhiễm môi trường” theo điều 235 bộ luật hình sự 2015.

Nếu là pháp nhân thương mại hoặc tổ chức cố ý nhằm mục đích làm ô nhiễm nguồn nước của nhà máy cấp nước, có thể xử phạt theo quy định tại Nghị định 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của CP quy định về xử phạt VPHC trong lĩnh vực bảo vệ môi trường hoặc xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 235, điều 237 của BLHS 2015.

Ngoài ra, chủ thể vi phạm này còn bị phạt tiền với mức phạt trên 50 triệu đồng, bị tạm đình chỉ hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn và buộc khôi phục khắc phục xử lý ô nhiễm trả lại tình trạng như ban đầu khi chưa bị ô nhiễm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại