Nước Pháp rối ren sau cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm Thủ tướng

Mạnh Hà |

Thủ tướng Pháp Michel Barnier và nội các đã không vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm theo kiến nghị của các đảng đối lập tại Quốc hội Pháp. Đây là đầu tiên kể từ năm 1962 tại Pháp, một chính phủ bị Quốc hội bất tín nhiệm, dẫn đến một giai đoạn bất ổn mới tại Pháp.

Tình cảnh rối ren trên chính trường Pháp

10h giờ sáng ngày 5/12 (theo giờ địa phương), tức chỉ vài giờ sau khi bị Quốc hội bỏ phiếu bất tín nhiệm, Thủ tướng Michel Barnier đã nộp lên từ chức lên Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, người cũng vừa có chuyến công tác tại Trung Đông về. Có thể nói, việc chính phủ Pháp sụp đổ đã gây ra những bất ổn nghiêm trọng, tác động sâu rộng đến tình hình chính trị, kinh tế và xã hội Pháp.

Việc Tổng thống Macron chọn một ứng cử viên cánh tả lên làm Thủ tướng cũng là điều khó xảy ra. Ảnh: Linternaute

Về chính trị, đây là một bước ngoặt chưa từng có trong lịch sử chính trị hiện đại của Pháp. Ông Michel Barnier trở thành Thủ tướng có thời gian cầm quyền ngắn nhất trong lịch sử nền Cộng hoà thứ 5 của Pháp, với chỉ 3 tháng tại nhiệm. Sự ra đi của ông Barnier cũng khiến uy tín lãnh đạo của Tổng thống Macron thêm sụt giảm và đối mặt với sức ép lớn ngày càng lớn.

Một mặt là áp lực kêu gọi từ chức từ các phe đối lập, mặt khác phải sớm bổ nhiệm một Thủ tướng mới đủ uy tín, có thể vượt qua các cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, điều được xem là vô cùng khó khăn trong bối cảnh lực lượng cánh tả và cực hữu đang giữ thế đa số tại Quốc hội. Một chính phủ ổn định đang là điều “xa xỉ” đối với Pháp khi phe cực tả tuyên bố sẽ đề xuất bất tín nhiệm bất cứ chính phủ nào nếu Thủ tướng không phải là người cánh tả.

Về kinh tế, việc Thủ tướng Barnier từ chức và không thể thông qua ngân sách năm 2025 sẽ khiến thâm hụt ngân sách tiếp tục gia tăng và có nguy cơ đẩy Pháp rơi vào tình trạng vỡ nợ. Trước mắt, do không có ngân sách năm 2025, một chính phủ tạm quyền trong thời kỳ chuyển tiếp sẽ phải vận hành dựa trên ngân sách tạm thời của năm 2024. Tuy nhiên, ngân sách tạm thời này không cho phép thực hiện các cải cách cần thiết như cắt giảm chi tiêu công hoặc tăng thuế, làm gia tăng áp lực lên nợ công.

Nhiều doanh nghiệp Pháp, vốn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và xung đột Nga-Ukraine, bày tỏ sự lo lắng trước tình trạng chính trị biến động và thiếu sự ổn đinh về chính sách. Điều này tác động tiêu cực đến triển vọng tăng trưởng kinh tế của Pháp năm 2025 dự báo chỉ đạt 0,6%, giảm mạnh so với mức ước tính 1,1% năm 2024.

Về xã hội, các đảng cánh tả và cực hữu sẽ tranh thủ cơ hội này để phát động các cuộc biểu tình, tuần hành, đình công nhằm phản đối chính quyền Tổng thống Macron, đẩy nước Pháp vào một thời kỳ bất ổn mới, căng thẳng xã hội tiếp tục leo thang.

Trên đà thắng lợi, phe cực tả tại Pháp đang muốn đi “xa hơn”, muốn tranh thủ sự ủng hộ để tiếp tục trình đề xuất bãi nhiệm Tổng thống Macron sau lần đầu thất bại tháng 9/2024. Dư luận và giới chính trị Pháp hiện đều chung nhận định Tổng thống là người chịu trách nhiệm chính cho tình trạng chính trị rối ren hiện nay.

Tính toán của Tổng thống Macron

Chính trường Pháp đang ở thời điểm lịch sử với cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng nhất trong hơn 60 năm qua và việc tìm ra lời giải đối với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron là vô cùng gian nan, nếu như không muốn nói là “vô vọng”.

Trước mắt, Tổng thống Macron đã tiếp tục yêu cầu ông Barnier điều hành Chính phủ đến khi chọn được Thủ tướng mới. Tuy nhiên, việc tạm thời điều hành Chính phủ cũng không thể kéo dài do các đảng cánh tả và cực hữu sẽ gia tăng sức ép, buộc Tổng thống phải thay đổi Chính phủ mới.

Theo nhận định chung của giới chính trị và báo giới địa bàn, ông Macron đang nghiêng về chọn các đồng minh thân cận như ông Sébastien Lecornu (Bộ trưởng Quân đội), ông François Bayrou (Chủ tịch Phong trào dân chủ MoDem), hoặc ông Bruno Retailleau (Bộ trưởng Nội vụ) cho chức Thủ tướng mới. Tuy nhiên, trong động thái mới nhất, ông Sébastien Lecornu, người được coi là cánh tay phải hiện nay của Tổng thống đã tự loại mình khỏi danh sách cho chiếc “ghế nóng” Thủ tướng.

Việc Tổng thống Macron chọn một ứng cử viên cánh tả lên làm Thủ tướng cũng là điều khó xảy ra khi lực lượng luôn đe doạ bãi bỏ Cải cách hưu trí vốn được Tổng thống Pháp coi là thành tựu nhiệm kỳ. Đảng “Phục hưng” của Tổng thống Pháp đang nghiêng về giải pháp liên kết với đảng Xã hội cánh tả nhưng việc tách đảng này ra khỏi Liên minh cánh tả “Mặt trận bình dân” mới dường như cũng là nhiệm vụ bất khả thi.

Tóm lại, dù lựa chọn nhân vật nào Chính phủ mới nhiều khả năng cũng sẽ tiếp tục đối mặt với các cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm và đẩy nước Pháp vào tình trạng bất ổn, với những cuộc khủng hoảng chính trị mới, ít nhất là cho đến khi tiến hành một cuộc bầu cử Quốc hội mới vào tháng 7/2025. Nhiều ý kiến bi quan hơn nhận định rằng nền Cộng hoà thứ V của Pháp bắt đầu từ năm 1958 đang đi đến hồi kết dưới thời của Tổng thống Emmanuel Macron. Về phần mình, Tổng thống Pháp Macron đến nay vẫn bác bỏ khả năng từ chức như kêu gọi của phe đối lập.

Hệ lụy với EU

Việc chính phủ Pháp sụp đổ sẽ kéo theo nhiều hệ luỵ và tác động nghiêm trọng tới tình hình chính trị và kinh tế khu vực châu Âu bởi vị thế cường quốc của Pháp trong EU, nhất là trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế quan trọng của Khối như khí hậu, an ninh, kinh tế và cạnh tranh thương mại...

Trước đó, nước láng giềng của Pháp là Đức cũng rơi vào tình trạng tương tự khi Chính phủ liên minh của Thủ tướng Olaf Scholz đứng trước nguy cơ giải thể, buộc nhà lãnh đạo Đức phải tuyên bố tổ chức tổng tuyển cử bất thường vào đầu năm tới. Do đó, những vấn đề trong nước của cả Đức và Pháp, sẽ đẩy tương lai của liên minh này gặp nhiều thách thức trong thời gian tới trong bối cảnh EU vẫn phải tìm lời giải cho hai vấn đề quan trọng mang tính “sống còn” là kết thúc xung đột tại Ukraine và ứng phó với sự trở lại của Chính quyền Tổng thống Mỹ mới đắc cử Donald Trump.

Về kinh tế, tình trạng bất ổn tại Pháp sẽ lan rộng sang các quốc gia khác thuộc khu vực đồng euro. Đồng euro đã mất 0,5% giá trị so với đồng đô la Mỹ ngay sau khi chính phủ Thủ tướng Barnier sụp đổ và tiếp tục sẽ chịu áp lực giảm giá, không chỉ vì tình hình tại Pháp mà còn do các bất ổn chính trị tương tự ở Đức. Thị trường tài chính khu vực đồng euro đang đối mặt với rủi ro lớn hơn, đặc biệt khi các nhà đầu tư quốc tế đang và sẽ chuyển hướng sang các thị trường an toàn hơn như Mỹ với Tổng thống đắc cử Donald Trump cùng chính sách mang tính bảo hộ “Nước Mỹ trên hết”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại