Tầng đất đóng băng vĩnh cửu đang tan dần
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học và quan chức Nga, các lớp đất dày (được gọi là băng vĩnh cửu) đang tan chảy là hậu quả của biến đổi khí hậu. Hai phần ba nước Nga nằm trên các tầng băng vĩnh cửu như vậy, bao gồm cả các cơ sở hạ tầng dầu khí. Từ năm 1976, nhiệt độ trung bình ở Nga tăng 0,92 °F (-17,27 °C) mỗi thập kỷ.
Các hầm mỏ và nhà máy bị nứt vỡ do bị ăn mòn, bắt nguồn từ mặt đất đang tan băng. Theo các nhà sinh thái học và các nhà nghiên cứu khác, trong ngành công nghiệp đường ống, thanh nối và máy móc, trước đây được neo vào lớp băng vĩnh cửu, đã bị ăn mòn, xoắn vặn và bị uốn cong khi nền đất bên dưới thay đổi. Các công ty đang đổ hàng triệu USD vào việc gia cố các công trình, theo dõi nhiệt độ đất và lắp đặt hệ thống làm mát công nghệ cao.
Hiện tượng tầng băng vĩnh cửu tan là nguyên nhân gây ra vụ tràn dầu lớn nhất từ trước đến nay ở vùng cực Bắc vào mùa xuân năm 2020. Bể trữ dầu diesel ở khu vực Siberia hẻo lánh đã bị hư hỏng khiến 20.000 tấn nhiên liệu bị tràn ra ngoài.
Sau vụ tràn dầu, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ban bố tình trạng khẩn cấp toàn quốc. Tổng công tố đã yêu cầu các công tố viên địa phương kiểm tra những cơ sở xây dựng trên băng vĩnh cửu.
Ủy ban Điều tra Nga, cơ quan điều tra chính của nước này, sau đó đã quy trách nhiệm vụ việc cho sự cẩu thả và bảo trì kém. Các quan chức của công ty khai thác Norilsk Nickel điều hành việc lắp đặt, cùng với một số nhà khoa học và các quan chức khác, cho biết lớp băng vĩnh cửu tan đã gây ra sự cố cho các trụ đỡ tầng hầm, nơi đặt bể chứa.
Vladimir Romanovsky, giáo sư địa vật lý tại Đại học Alaska Fairbanks, cho biết: "Trước đây, mọi người đều tin rằng lớp băng vĩnh cửu sẽ ảnh hưởng đến cơ sở hạ tầng vào cuối thế kỷ này. Bây giờ chúng tôi biết mình không còn nhiều thời gian. Dầu mỏ, khí đốt, làng mạc, tất cả đều bị ảnh hưởng".
Các quan chức kinh tế và nhà khoa học Nga ước tính rằng lớp băng vĩnh cửu tan có thể ảnh hưởng đến 1/5 cơ sở hạ tầng của Nga. Vào tháng 5, một vị bộ trưởng chính phủ cho biết nền kinh tế sẽ mất hơn 68 tỷ USD vào các năm 2050. Chính phủ cho biết 40% các công trình và cơ sở hạ tầng ở các khu vực băng tan đã bị hư hại.
Các công trình và thiết bị cũ kỹ của Nga có từ thời Chiến tranh Lạnh, không giúp ích được cho vấn đề. Tổng thống Putin nói rằng nước Nga cần chuẩn bị cho điều này. Tháng trước, ông đã yêu cầu thiết lập một hệ thống giám sát băng vĩnh cửu quốc gia để phân tích dữ liệu từ 140 trạm.
Kỹ sư xây dựng Eduard Romanov điều tra các vấn đề về kết cấu xây dựng ở Yakutsk
Tại Yakutsk, người dân cho biết đường ống nước thường xuyên bị vỡ, tạo ra các vết nứt và lỗ hổng trong nhà. Các con đường bị vênh khi hơi ẩm bốc lên, tạo ra các vết nứt trên đường nhựa. Các kỹ sư địa phương cho biết những đoàn tàu phải chạy chậm hơn vì đường ray bị biến dạng.
Khắp các vùng nông thôn có thể nhận thấy rõ những ảnh hưởng khi băng vĩnh cửu tan. Các nhà khoa học địa phương cho biết, việc băng tan đã biến đất nông nghiệp thành đầm lầy. Những con sông bắt đầu phình ra vào mùa xuân và lưu lượng nước chảy nhiều hơn 30% so với những năm 1980.
Tầng đất đóng băng vĩnh cửu (permafrost) sở dĩ được gọi như vậy vì nó là một lớp băng dày vĩnh viễn dưới bề mặt trái đất, bao gồm đất, đá hoặc trầm tích ở dưới mức đóng băng của nước (0°C) trong hơn 2 năm. Tầng đất này có thể tìm thấy gần vùng đất khô và dưới đáy đại dương. Loại đất này phổ biến ở khu vực của Nga, dãy Alps và khu vực miền núi Trung Quốc.
Theo Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA), việc đất bị mềm dần vừa là hệ quả của sự nóng lên toàn cầu, vừa là do các loại khí thải gây ra. Theo EPA, khi lớp băng vĩnh cửu tan đi, tàn tích thực vật và vật chất hữu cơ sẽ bị phân hủy, giải phóng khí mê-tan và carbon dioxide vào khí quyển. Điều này sẽ làm trầm trọng thêm vấn đề biến đổi khí hậu.
Một số doanh nghiệp lớn nhất của Nga đã và đang tiến hành điều chỉnh với lớp băng vĩnh cửu này. Còn đối với các công ty dầu khí, lớp băng vĩnh cửu cản trở việc khai thác tài nguyên và vận chuyển.
Các nhà nghiên cứu của Morgan Stanley cho biết lớp băng vĩnh cửu tan chảy và sự xuống cấp của cơ sở hạ tầng sẽ ảnh hưởng đến lĩnh vực dầu khí của Nga. Trong khi ngành này đóng góp tới 1/5 GDP của quốc gia và các sản phẩm nhiên liệu, năng lượng chiếm phần lớn hàng xuất khẩu của Nga.
Những công trình rung chuyển
Ảnh hưởng của băng tan đặc biệt nghiêm trọng ở Yakutia, khu vực đông bắc nước Nga với diện tích 1,93 triệu km2, lớn gấp 5 lần nước Pháp. Các nhà khoa học cho biết khu vực này vào mùa hè năm 2020 đã trở thành tâm điểm những vụ cháy rừng làm tan băng.
Đường ống Power of Siberia trị giá 55 tỷ USD là một dự án chiến lược quan trọng, cung cấp khí đốt tự nhiên của Nga cho Trung Quốc. Phần lớn trong số đó được khai thác từ các mỏ ở Yakutia.
Những người dân địa phương khác cho biết họ cũng quen với việc nghe thấy tiếng răng rắc hoặc tiếng động lớn khi các tòa nhà nghiêng và tường nứt. Nhà sinh thái học Dmitriyeva cho biết, có dưới 30 trong số 2.000 tòa nhà chung cư bê tông của Yakutsk được coi là an toàn khi được kiểm tra cách đây khoảng 10 năm.
Các nhà sinh thái học và nhà khoa học địa phương, cũng như các kỹ sư cho biết, tầng đất tan băng là nguyên nhân chính. Valery Lepov, Giám đốc Viện Larionov về các vấn đề Vật lý - Kỹ thuật của miền Bắc cho biết: "Rất khó để xây dựng móng công trình. Chúng tôi chỉ có thể làm điều này ở một số nơi không có nhiều băng tan".
Mùa hè năm 2020, một bể chứa dầu ở địa phương đã bị vỡ khiến 5 tấn dầu diesel tràn ra khu vực đất xung quanh và một con sông gần đó. Nguyên nhân được điều tra ra là do các quan chức địa phương đã không phát hiện ra dấu hiệu bị xói mòn do lớp băng vĩnh cửu tan.