Thỏa thuận của các nước khu vực châu Á – Thái Bình Dương nhằm tạo ra khối thương mại lớn nhất thế giới chính thức có hiệu lực từ ngày thứ Bảy (ngày 1/1/2022). Hiệp định này rất được chào đón trong bối cảnh hội nhập kinh tế khu vực ngày một bền chặt hơn.
Theo Nikkei, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) có hiệu lực khi mà các nước cố gắng giảm thiểu tác động của đại dịch COVID-19 và vực dậy chuỗi cung ứng khi mà Trung Quốc đang nỗ lực nâng cao hình ảnh trong cơ chế hội nhập của châu Á. Việc Bắc Kinh mở cửa nền kinh tế thông qua hiệp định này như thế nào sẽ được phía Mỹ theo dõi sát sao và tính toán đến phản ứng của riêng mình, các chuyên gia phân tích nhấn mạnh.
Hiệp định RCEP bao gồm 15 nước khu vực châu Á – Thái Bình Dương chiếm khoảng 30% GDP và dân số toàn cầu. Ban đầu, RCEP có hiệu lực trong nhóm 10 nước phê chuẩn từ trước bao gồm: Trung Quốc, Nhật, Australia, New Zealand, Brunei, Campuchia, Lào, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Hiệp định sẽ có hiệu lực với Hàn Quốc từ ngày 1/2/2022. Nhóm 4 nước ký kết sau đó bao gồm Indonesia, Malaysia, Myanmar và Philippines.
Tác động thực tế của RCEP chính là doanh nghiệp và chuỗi cung ứng sẽ có thể được hưởng cơ chế ưu tiên cho xuất khẩu và đầu tư từ ngày 1/1/2022 và với Hàn Quốc từ ngày 1/2/2022, theo giáo sư tại trường đại học Singapore Management 0 ông Locknie Hsu. RCEP có thể giúp tăng cường tính kết nối của kinh tế khu vực.
Còn theo một nghiên cứu mới công bố bởi Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), RCEP sẽ có tác động lớn lên thương mại quốc tế, quy mô kinh tế của khối các nước mới nổi và cơ chế thương mại sẽ đưa RCEP trở thành trung tâm của thương mại toàn cầu.
Trong bối cảnh hiện tại của đại dịch, việc các nước cùng gia nhập RCEP sẽ mang đến một lợi ích quan trọng: sự ổn định về thương mại. Cũng theo UNCTAD, thương mại giữa các thỏa thuận hiện có đã bình ổn hơn trong bối cảnh suy giảm chung do đại dịch COVID-19.
Ở trọng tâm của RCEP chính là sự nhượng bộ về thuế quan, các nước thành viên cuối cùng sẽ loại bỏ thuế quan với khoảng hơn 90% hàng hóa giao dịch trong khối. Như vậy sẽ đặc biệt có lợi cho Trung Quốc, Nhật và Hàn Quốc – nhóm các nền kinh tế lớn nhất tại châu Á giờ đây đang được kết nổi bởi hiệp định thương mại tự do lần đầu tiên. Thuế với hàng linh kiện điện tử Nhật xuất sang Trung Quốc sẽ được loại bỏ.
Tính toán của UNCTAD cho hay việc nhượng bộ thuế quan trong các nước thành viên RCEP sẽ giúp xuất khẩu nội khối tăng thêm 2% so với ngưỡng của năm 2019 hoặc tương đương 41,8 tỷ USD bằng cách điều hướng thương mại ra khỏi những nước không phải thành viên và thúc đẩy thêm thương mại nội khối.
Nhật nhiều khả năng sẽ trở thành nước hưởng lợi lớn nhất khi mà hiệu ứng tăng được xuất khẩu ước tính khoảng 20,2 tỷ USD, sau đó đến Trung Quốc 11,2 tỷ USD và Hàn Quốc 6,7 tỷ USD.
Tuy nhiên, Việt Nam và Indoneisa có thể hứng chịu một số tác động tiêu cực, lần lượt âm 1,5 tỷ USD và 0,3 tỷ USD do điều hướng thương mại nội khối. Một số hàng hóa mà Trung Quốc nhập khẩu từ Việt Nam có thể sẽ bị thay thế bởi hàng hóa nhập khẩu từ Nhật bởi tự do hóa thuế quan giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Các động thái từ phía Trung Quốc đã khiến cho tình thế đối đầu với Mỹ tăng lên, Mỹ hiện tại không phải là thành viên của RCEP cũng như CPTPP. Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden hiện đang chuẩn bị cho khung kinh tế mới trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, trong đó có bao gồm kinh tế số và năng lượng sạch. Chi tiết hiện chưa được công bố, tuy nhiên trong chuyến thăm đến châu Á vào tháng 11/2021, Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo cho biết khung thỏa thuận mới này sẽ linh hoạt và có tính bao quát tốt.