Nước Mỹ năm 2021 đan xen các gam màu “sáng, tối”

Phạm Huân |

Là những chính trị gia dày dạn kinh nghiệm và được sự trợ giúp đắc lực của đội ngũ cố vấn giàu kinh nghiệm trên các lĩnh vực khác nhau, bộ đôi Joe Biden - Kamala Harris đã đưa nước Mỹ vượt qua nhiều thách thức.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris. Ảnh: Adam Schultz

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris. Ảnh: Adam Schultz

Khi nước Mỹ và thế giới đang bước vào những ngày, giờ cuối cùng của năm 2021, đồng nghĩa đã gần một năm kể từ khi chính quyền Tổng thống Joe Biden nhậm chức. Có lẽ không một tổng thống nào trong lịch sử nước Mỹ đương đại lại phải đương đầu với hàng loạt những thách thức lớn cả về đối nội và đối ngoại khi nhậm chức như ông Joe Biden.

Tuy nhiên, là một chính trị gia dày dạn kinh nghiệm và được sự trợ giúp đắc lực của đội ngũ cố vấn giàu kinh nghiệm trên các lĩnh vực khác nhau, bộ đôi Joe Biden - Kamala Harris đã đưa nước Mỹ vượt qua thác ghềnh và gặt hái được một số thành công nhất định cả về đối nội và đối ngoại trong năm vừa qua.

Nỗ lực phục hồi kinh tế

Thành công lớn nhất trên mặt trận đối nội đến thời điểm này chính nỗ lực phục hồi nền kinh tế và tạo việc làm. Vào thời điểm tháng 01/2021 nền kinh tế Mỹ đang trong tình trạng suy thoái nặng nề do tác động của đại dịch Covid-19. Nhưng tăng trưởng kinh tế của Mỹ trong quý II năm nay đạt mức 6,7% và giảm xuống còn 2,3% trong quý III do số ca mắc Covid-19 gia tăng trở lại và chính phủ giảm mức hỗ trợ tài chính song vẫn cao hơn mức dự báo đưa ra trước đó của giới chuyên gia là 2,1%. Số người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong 4 tuần qua hiện ở mức thấp nhất kể từ năm 1969. Tuy vậy, việc phải tung ra các gói ngân sách lớn để giải cứu nước Mỹ và vực dậy nền kinh tế đã dẫn đến hệ quả lạm pháp của Mỹ hiện tăng lên mức cao nhất trong vòng hơn ba thập kỷ qua.

Từng là “tâm dịch” của thế giới vào thời điểm tháng 01/2021, nhưng sự nỗ lực của Chính quyền Tổng thống Biden đã giúp nước Mỹ gần như kiểm soát được đại dịch Covid-19 vào giai đoạn cuối mùa Hè - đầu mùa Thu vừa qua. Nhưng sự xuất hiện của hai biến thể rất dễ lây nhiễm là Delta và Omicron đang có nguy cơ xóa nhòa mọi thành quả trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, cho dù hiện đã có một tỷ lệ lớn dân số Mỹ đã được tiêm chủng đầy đủ và tiêm mũi tăng cường.

Thông điệp “hàn gắn” và “đoàn kết” được các quan chức cấp cao của chính quyền Tổng thống Biden nhiều lần kêu gọi và nhấn mạnh trong năm vừa qua, song đã không mang lại bất kỳ kết quả hữu hình nào trên thực tế. Nước Mỹ vẫn đang trong tình trạng chia rẽ hơn bao giờ hết và người dân luôn phải sống trong tâm trạng lo lắng về mất an ninh, an toàn.

Hiện thực hóa khẩu hiệu “Nước Mỹ đã trở lại”

Trong khi trên mặt trận đối ngoại, Chính quyền Tổng thống Biden đã, đang và sẽ tiếp tục nỗ lực để hiện thực hóa khẩu hiệu hành động “Nước Mỹ đã trở lại”. Quả thực, ngay trong ngày đầu nhậm chức, Tổng thống Biden đã đưa nước Mỹ tham gia trở lại Thỏa thuận Khí hậu Paris 2015, đảo ngược quyết định rút khỏi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tham gia trở lại Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, đang tham gia đàm phán gián tiếp nhằm khôi phục Thỏa thuận Hạt nhân Iran 2015 và tích cực tham gia vào nỗ lực chung để cải tổ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Tổng thống Biden cũng đã triệu tập Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về chống biến đổi khí hậu, Hội nghị thượng đỉnh về ứng phó với Covid-19 và phục hồi kinh tế hậu đại dịch.

Ở cấp độ khu vực, Chính quyền Tổng thống Biden đã nỗ lực hàn gắn quan hệ với các đồng minh và đối tác xuyên Đại Tây Dương, nhất là với các thành viên chủ chốt trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Âu (EU). Hai chuyến công du nước ngoài kể từ khi nhậm chức đều đưa Tổng thống Biden đến châu Âu để thăm một số nước đồng minh chủ chốt và tham dự các hội nghị G7, NATO, Mỹ-EU… Các quan chức cấp cao của Mỹ, nhất là Ngoại trưởng Antony Blinken đã có nhiều chuyến thăm và tham dự các hội nghị tại châu Âu.

Dành sự quan tâm cho Đông Nam Á

Sau gần một năm tập trung hàn gắn các mối quan hệ với các đồng minh và đối tác châu Âu, vào những tháng cuối năm, Mỹ đã và đang dành sự quan tâm nhiều hơn cho khu vực Đông Nam Á-ASEAN thể hiện qua việc Tổng thống Biden đã tham dự Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN và Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS) sau bốn năm vắng bóng nguyên thủ Mỹ.

Ngoại trưởng Blinken cũng vừa có chuyến thăm đầu tiên tới khu vực Đông Nam Á. Tại Jakarta, Indonesia ông Blinken đã công bố cách tiếp cận của Mỹ đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương dựa trên năm trụ cột, tái khẳng định sự coi trọng của Mỹ đối với vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực. Ngay trong năm đầu cầm quyền, Tổng thống Biden đã làm sống lại các hoạt động của Nhóm Bộ tứ (Mỹ, Australia, Nhật Bản và Ấn Độ) khi đứng ra tổ chức hai hội nghị thượng đỉnh theo hình thức trực tuyến và trực tiếp.

Chính quyền Tổng thống Biden cũng dành sự quan tâm tới khu vực Mỹ Latin và cả châu Phi, những nơi gần như đã bị chính quyền tiền nhiệm lãng quên. Chuyến công du nước ngoài lần đầu tiên kể từ khi nhậm chức của Phó Tổng thống Kamala Harris là đến Mỹ Latinh, Ngoại trưởng Blinken cũng đã đến thăm khu vực vốn là sân sau này của Mỹ và một số nước quan trọng ở châu Phi.

Ở cấp độ song phương, chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của các quan chức cấp cao Chính quyền Tổng thống Biden (Ngoại trưởng Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin) là tới Nhật Bản và Hàn Quốc, hai đồng minh thân cận ở khu vực Đông Bắc Á và sau đó ông Austin đến thăm Ấn Độ, đối tác ngày càng quan trọng của Mỹ. Phó Tổng thống Harris cũng đã đến thăm Singapore và Pháp, trong khi Bộ trưởng Quốc phòng Austin thăm Singapore, Philippines.

Không chỉ chú trọng thúc đẩy và củng cố quan hệ với các đồng minh và đối tác, Chính quyền Tổng thống Biden cũng chủ động can dự với hai nước được coi là đối thủ của Mỹ là Trung Quốc và Nga. Bằng chứng là Tổng thống Biden đã hai lần điện đàm và gặp thượng đỉnh trực tuyến với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình; đã gặp cả trực tiếp và trực tuyến với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Các quan chức cấp cao của Mỹ như Ngoại trưởng Blinken, Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan… cũng đã can dự với những người đồng cấp Trung Quốc và Nga. Mục tiêu của Mỹ là tìm kiếm cơ hội hợp tác trong các lĩnh vực có thể như ứng phó với Covid-19 và phục hồi kinh tế sau đại dịch, chống biến đổi khí hậu và kiểm soát vũ trang.

Thúc đẩy quan hệ Mỹ-Việt

Quan hệ song phương Mỹ-Việt cũng có những điểm sáng nổi bật với chuyến thăm của Phó Tổng thống Harris và Bộ trưởng Quốc phòng Austin trong vòng chưa đầy một tháng. Thượng viện Mỹ cũng đã chuẩn thuận ông Marc Evans Knapper làm Đại sứ mới của Mỹ tại Việt Nam sau nhiều tháng vị trí này bị bỏ trống. Bất chấp tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, kim ngạch thương mại hai chiều Việt-Mỹ đã vượt ngưỡng 100 tỷ USD trong năm nay và Bộ Tài chính Mỹ không gán nhãn cho Việt Nam là quốc gia thao túng tiền tệ trong Báo cáo tài chính công bố gần đây.

Có thể khẳng định, những nỗ lực của chính quyền Tổng thống Biden trong hoạch định và thực thi chính sách đối ngoại đã phần nào giúp khôi phục vị thế, vai trò dẫn dắt của Mỹ trên trường quốc tế và chứng tỏ “Nước Mỹ đã trở lại”. Tuy nhiên, vẫn còn đó những sai lầm đáng tiếc, đặc biệt là quyết định rút toàn bộ binh sỹ Mỹ ra khỏi Afghanistan sau gần 20 năm tham chiến.

Bên cạnh đó, việc chính thức tuyên bố thiết lập mối quan hệ đối tác an ninh ba bên giữa Mỹ, Anh và Australia, gọi tắt là AUKUS hôm 15/9 được kỳ vọng là màn “chữa cháy” cho cuộc rút quân hoảng loạn khỏi chiến trường Afghanistan. Thế nhưng, sự ra đời AUKUS và kèm theo đó là quyết định chuyển giao công nghệ tàu ngầm chạy bằng nguyên liệu hạt nhân của Washington và London cho Canberra đã gây sứt mẻ nghiêm trọng quan hệ giữa Mỹ và Pháp, đồng minh lâu đời nhất của Mỹ tại châu Âu.

Sau “sự cố ngoại giao” đó, Chính quyền Tổng thống Biden đã phải rất nỗ lực để xoa dịu quan ngại của Paris và tìm cách hàn gắn quan hệ Mỹ-Pháp, song chắc chắn quan hệ song phương chưa thể trở lại trạng thái bình thường trong tương lai gần và cũng rất khó sớm xóa được sự nghi ngờ của Paris đối với Washington khi lòng tin đã mất.

Như vậy, bức tranh tổng thể cả về đối nội và đối ngoại của Mỹ trong năm nay là sự đan xen giữa các gam màu sáng, tối. Nước Mỹ sẽ còn phải đương đầu với không ít khó khăn, thách thức trên cả hai mặt trận này. Do đó, giải quyết giá cả đang leo thang, tháo gỡ các nút thắt của chuỗi cung ứng toàn cầu, tiếp tục cuộc chiến chống Covid-19 ở trong nước và trên thế giới, đảm bảo sự phục hồi vững chắc của nền kinh tế sau đại dịch, đồng thời tìm cách giảm nhẹ sự chia rẽ và bất đồng chính trị nội bộ sẽ là những ưu tiên hàng đầu của chính quyền Tổng thống Biden trong năm tới./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại