Tính đến thời điểm hiện tại (ngày 30/5), Mỹ vẫn đang là nước có số ca nhiễm và tử vong vì Covid-19 cao bậc nhất thế giới. Tổng cộng 1,78 triệu người mắc bệnh, cùng hơn 100.000 sinh mạng đã vĩnh viễn ra đi.
Cột mốc 100.000 người được chạm đến vào ngày 24/5. 100.000 ca tử vong, một cột mốc đầy đau xót, với hầu hết trong số đó xảy ra chỉ trong vòng chưa đầy 3 tháng. Mỗi ngày, hơn 1.100 người đã vĩnh viễn ra đi. Tờ New York Times sau đó cũng đã dành nguyên 1 trang bìa để tưởng niệm những nạn nhân xấu số của Covid-19. Họ liệt kê tên, tuổi, thông tin ngắn gọn của hơn 1000 nạn nhân, với tiêu đề nói lên sự mất mát không kể xiết.
Đây được xem là bản cáo phó đặc biệt, một sự thương tiếc đau lòng nhất dành cho những người đã khuất. 100.000 là một con số đáng sợ, nhưng rõ ràng các con số không phải là thước đo đong đếm được ảnh hưởng của đại dịch đối với nước Mỹ. Một con số chỉ trả lời được câu hỏi "bao nhiêu", nhưng không cách nào thay được những mảnh đời. Ai là nạn nhân số 1233? Ai đứng thứ 27.128? Ai là số 98.321?
Người chết có thể là phụ nữ, cũng có thể là nam giới, có thể già, cũng có thể là một người trẻ. Một người phụ nữ có thể ra đi trong một bệnh viện chật ních người, không gia đình kề bên trong phút cuối, chẳng được nghe tiếng "Con yêu mẹ" trước khi vĩnh viễn rời khỏi thế giới này. Một ông lão có thể phải lìa đời, trong khi vợ ông chỉ được phép đứng nhìn từ xa, thông qua một lớp kính, xa tận chân trời mà gần ngay trước mắt. Họ là ai? Trong một đại thảm họa, đó là câu hỏi mà ngay cả các nhà thống kê am hiểu nhất về đại dịch cũng chẳng thể giải đáp được.
Tâm dịch nước Mỹ vẫn đang là tiểu bang New York. Trong lịch sử, đây có lẽ là trận chiến cam go và khủng khiếp nhất mà họ phải trải qua. Dù đã hơn 1 lần vượt qua đỉnh dịch, dù số ca nhiễm và tử vong mới đã giảm mạnh thì lúc nhìn lại, chúng ta vẫn thấy nước Mỹ đã phải trải qua những góc tối quá tang thương. Ở New York có tổng cộng hơn 360.000 người nhiễm, chỉ 16% bình phục. Số còn lại, hoặc đang điều trị, hoặc ra đi mãi mãi. New York giữa lằn ranh của sự sống và cái chết là những câu chuyện đau lòng.
Phía bên ngoài nhà tang lễ Leo F. Kearns của khu Queens thành phố New York, chiếc xe đầu kéo dài 12m đã đậu ở đó hàng tuần qua. Chiếc thùng lạnh phía sau vận hành 24/24, bên trong là 36 thi thể đặt xếp chồng trên các giá kệ. Họ đều là nạn nhân của dịch bệnh quái ác, mang tên Covid-19.
Kể từ khi nhận trách nhiệm coi sóc chiếc xe này, Patrick Kearns (50 tuổi), giám đốc nhà tang lễ hiếm khi được ngủ ngon giấc. Ông thường xuyên bật dậy lúc nửa đêm, ám ảnh tột độ về nó, vì ông biết sẽ có thêm nhiều thi thể nữa được chở đến vào ngày hôm sau.
"Tỉ lệ tử vong là quá cao, đến nỗi không thể chôn cất hay hỏa táng kịp."
Nhiệm vụ của một nhà tang lễ là lo hậu sự cho thi thể người đã khuất. Đó đáng ra là việc của 1 tuần, thậm chí cả tháng mới phải làm một lần, thì Kearns và các giám đốc nhà tang lễ khác ở New York nay phải xử lý hàng chục trường hợp mỗi ngày. Các thi thể chất đống nhiều đến mức không có chỗ để chứa, phải tận dụng cả giường ngủ trong phòng riêng của chính họ.
Ngày 29/4, cảnh sát phát hiện hàng chục thi thể đang phân hủy, nằm chất chồng trong 2 chiếc xe tại ngoài nhà tang lễ Utica Avenue (Brooklyn, New York). Andrew T. Cleckley - giám đốc nhà tang lễ chỉ giải thích đơn giản: "Chúng tôi hết sạch chỗ rồi," và "chẳng biết đặt ở đâu nữa."
Chuyện xảy ra ở Brooklyn chẳng phải cá biệt. Thực tế là khi đại dịch Covid-19 hoành hành nhất, các nhà tang lễ đều rơi vào tình trạng quá tải. Thi thể phải đặt ở sảnh chờ hoặc nhà nguyện, điều hòa bật liên tục để làm chậm quá trình phân hủy. Nhiều nơi phải chuyển bớt thi thể sang các thành phố khác, thậm chí là tiểu bang khác để giảm tải áp lực đang quá kinh khủng.
"Mỗi khi bước xuống căn phòng ấy (nơi chứa thi thể), tôi lại cảm thấy run sợ. Thi thể người nhiễm Covid-19 hoặc không nằm lẫn lộn, chẳng thể phân biệt. Tôi có con nhỏ tại nhà, nhưng giờ cũng chẳng dám về ôm hôn con." - Nicole Warring, giám đốc nhà tang lễ quận Bronx (New York) trải lòng.
Có lẽ, chưa bao giờ thành phố với biểu tượng "Tự do" lại trở nên tang thương đến như vậy. Nhà xác quá tải, xe đông lạnh phải tới bổ sung. Những người mãi mãi ra đi trong những tháng vừa qua, gần như chẳng ai được phép có được một tang lễ tử tế theo đúng nghi thức truyền thống. Với mỗi người mất đi - dù có nhiễm bệnh hay không, người thân chỉ đơn giản nhận được thông báo: Vì lý do an toàn y tế và lệnh cấm tụ tập, tang lễ sẽ không được tổ chức.
"Chúng tôi muốn cùng chia sẻ nỗi đau, nhưng chẳng thể nào. Chuyện như vậy chưa từng xảy ra." - trích lời Reginald Teekasingh, một người dân tại New York.
Nhà tang lễ quá tải, bệnh viện cũng chẳng khác gì. Nhưng làm sao để thi thể người đã khuất nằm mãi như vậy, trong khi số ca tử vong ngày càng tăng lên? Chính quyền New York vì thế ra quyết định đưa những thi thể người xấu số tới đảo Hart chôn cất, dành chỗ cho những người kế tiếp.
Đảo Hart nằm cách trung tâm New York khoảng 20km, được xem là ngôi mộ tập thể lớn nhất nước Mỹ. Ước tính mỗi năm, có khoảng 1000 thi thể được chôn cất trên đảo. Theo Melinda Hunt - giám đốc Dự án đảo Hart phụ trách việc chôn cất tại đây, thì hòn đảo này đã phục vụ thành phố qua những đợt thảm họa có số người chết chưa từng có.
Thế kỷ 19, dịch sốt vàng da và bệnh lao bùng nổ, đảo Hart là nơi cách ly. Đại dịch cúm năm 1918 với hơn 30.000 ca tử vong, đảo Hart cũng là yếu tố then chốt để giảm tải cho thành phố. Nơi đây cũng từng được sử dụng là nơi chôn cất các nạn nhân thiệt mạng vì "căn bệnh thế kỷ" HIV/AIDS vào thập niên 1980 - 1990, với hơn 100.000 người tử vong.
Và nay, đảo Hart lại một lần nữa được tận dụng, trở thành nơi chôn cất tạm những nạn nhân chưa ai đến nhận. Có thể sau đó người thân sẽ đến mang đi, nhưng cũng có thể đây sẽ là nơi an nghỉ cuối cùng của họ.
Theo Thomas Laqueur - giáo sư sử học từ ĐH California, Berkeley, việc chôn cất tập thể tại đảo Hart thường gắn liền với những quan niệm tiêu cực. Tuy nhiên, thực ra kiểu chôn này rất phổ biến trong lịch sử. Ngày nay, nó tiêu cực đơn giản là vì hiếm gặp hơn.
"Những người được chôn tập thể thường là vô danh. Mà trong văn hóa của chúng ta, một cái chết vô danh thường khó được chấp nhận." - Laqueur cho biết.
"Không phải tất cả những người được chôn ở đây là vô danh. Đơn giản là gia đình họ chưa biết, hoặc không thể tiến hành làm tang lễ nữa," - giám đốc Hunt chia sẻ.
Với người New York, Covid-19 đang khiến nhiều người cảm thấy mệt mỏi. Họ kiệt sức vì phải gồng mình chống đỡ dịch bệnh. Trong số hơn 100.000 người tử vong, có ít nhất 300 trường hợp là các y bác sĩ tuyến đầu. Họ hy sinh tính mạng của bản thân, những mong đại thảm họa sẽ sớm buông tha cho nước Mỹ, và cho cả nhân loại.
Người còn sống kiệt sức và mệt mỏi, nhưng họ còn thể hiện niềm biết ơn chân thành. Đâu đó trên những con đường, vang lên tiếng hát bài "Lean on me" - Tựa vào vai tôi, để cảm ơn y bác sĩ và những người lao động trong các ngành dịch vụ thiết yếu. Rồi "Empire State of Mind", để gửi tới những người đã khuất, và nuôi hy vọng cho người còn sống.