Nước Mỹ bên bờ vực vỡ nợ

Đình Nam |

Lịch đàm phán nâng trần nợ công giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và các nghị sĩ hàng đầu của đảng Dân chủ và Cộng hòa dự kiến diễn ra ngày 12/5 đã bị hoãn lại sang tuần sau. Điều này cho thấy phần nào những khác biệt về trần nợ công tại Mỹ chưa được thu hẹp.

Dù lịch gặp giữa Tổng thống Mỹ và các nghị sĩ hàng đầu trong Quốc hội bị hoãn lại, song các cuộc đàm phán kỹ thuật vẫn diễn ra một cách khẩn trương trong 2 ngày qua. Các nguồn tin cho biết, Chính phủ Mỹ và các nghị sĩ Cộng hòa đã bắt đầu thảo luận về cách hạn chế chi tiêu liên bang. Phía Chính phủ thừa nhận rằng, họ phải chấp nhận một số cắt giảm chi tiêu hoặc giới hạn nghiêm ngặt đối với chi tiêu trong tương lai nếu muốn đạt được thỏa thuận với các nghị sĩ Đảng Cộng hòa.

Nước Mỹ bên bờ vực vỡ nợ - Ảnh 1.

Tòa nhà Quốc hội Mỹ ở Washington DC. (Ảnh: Getty)

Đến ngày 11/5, Chủ tịch Hạ viện Mỹ McCarthy – đảng viên Đảng Cộng hòa vẫn chưa hài lòng về những tiến triển đạt được: “Nhà Trắng nói rằng, họ không hủy cuộc họp. Những người đứng đầu đều quyết định rằng việc để các nhân viên gặp lại nhau trước khi diễn ra cuộc gặp của chúng tôi có lẽ là vì lợi ích tốt nhất. Nhưng tôi không nghĩ rằng đã có đủ tiến triển để chúng tôi quay lại với nhau. Tôi cũng không thấy được sự nghiêm túc của Nhà Trắng, rằng họ muốn có một thỏa thuận. Có vẻ như họ muốn vỡ nợ nhiều hơn họ muốn một thỏa thuận”.

Dẫu vậy, Tổng thống Mỹ Joe Biden vẫn luôn gây áp lực lên các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa, để nhanh chóng hành động nâng mức trần nợ 31,4 nghìn tỷ đô la. Ông khẳng định, những đòi hỏi cắt giảm chi tiêu chính phủ và lấy vấn đề làm “con tin chính trị” từ phía đảng Cộng hòa là điều “vô cùng nguy hiểm và vô nghĩa”.

Từ Nhật Bản, khi tham dự hội nghị Bộ trưởng G7, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cũng kêu gọi Quốc hội Mỹ cố gắng ngăn chặn tình trạng vỡ nợ - điều có thể gây ra suy thoái kinh tế toàn cầu và có nguy cơ làm suy yếu vai trò của nước Mỹ.

“Khái niệm vỡ nợ của chúng tôi là một điều gì đó sẽ làm suy yếu nền kinh tế Mỹ và toàn thế giới, đến mức tôi nghĩ mọi người nên coi đó là điều “không thể tưởng tượng được”. Việc vỡ nợ sẽ đe dọa những thành quả mà chúng ta đã rất cố gắng để đạt được trong vài năm qua trong quá trình khắc phục đại dịch và nó sẽ châm ngòi cho một cuộc suy thoái toàn cầu khiến chúng ta phải lùi xa hơn nữa”, bà Yellen nói.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế cũng đồng tình về lời cảnh báo này, cho rằng nền kinh tế toàn cầu sẽ gánh hậu quả tiêu cực nếu các nhà lãnh đạo Mỹ không thể giải quyết được bế tắc liên quan đến trần nợ công.

Người phát ngôn Quỹ Tiền tệ Quốc tế Julie Kozack nhấn mạnh: “Chúng tôi khuyến khích các bên liên quan xích lại gần nhau, đạt đồng thuận nhằm giải quyết khẩn cấp vấn đề. Lý do chúng tôi đưa ra là chúng tôi rất quan ngại về những hậu quả nghiêm trọng đối với cả nền kinh tế Mỹ và cả nền kinh tế toàn cầu”.

Dự kiến, đầu tuần tới, Tổng thống Mỹ sẽ lại gặp lại các nghị sĩ hàng đầu của đảng Cộng hòa và Dân chủ để đàm phán, với mục tiêu đạt được thỏa thuận tăng trần nợ, trước thời hạn vỡ nợ được dự báo vào ngày 1/6 tới./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại