Nước mắt trên sân ga chiều cuối năm

CTV Xuân Yến/VOV-Miền Trung |

Đều đặn, chuyến tàu cuối năm vẫn kẽo kẹt trên đường ray mang theo nhiều cung bậc cảm xúc dừng chân nơi sân ga.

Sân ga chiều cuối năm, những bước chân của hành khách dường như vội vã, tất bật hơn. Ngược với tâm trạng mừng vui, đợi chờ của dòng người về quê đón Tết, cũng có nhiều người xuân này ngược dòng phương Nam đầy bịn rịn, luyến lưu. Có cả những nụ cười và những giọt nước mắt khi chuyến tàu rời khỏi sân ga trong thời khắc giao mùa.

Nước mắt trên sân ga chiều cuối năm - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Ông Trần Ngọc Anh, ở phường Chánh Lộ, thành phố Quảng Ngãi xách vội hành lý vào sân ga chờ chuyến tàu dừng chân đón khách. Mở ngăn kéo nhỏ của chiếc va li, ông lấy ra một tấm hình cũ chụp chung cả gia đình đông đủ các thành viên ngắm nghía như thể đã chờ đợi cái khoảnh khắc đoàn viên từ lâu lắm rồi.

Có những người rời sân ga với niềm hân hoan phấn khởi nhưng cũng có những người mang theo nỗi nhớ quê nhà, bước lên tàu đón Tết xa quê.

Ông Ngọc Anh cho hay, 3 đứa con ông đều lập nghiệp ở thành phố Hồ Chí Minh. Tết này các con không về quê nên vợ chồng ông phải khăn gói vào Nam đón Tết cùng con cháu: "Cuối năm mình phải đi vì con nó ở lại làm ăn không về được nên phải vô hội tụ cùng con cháu. Đi hết cả gia đình khóa cửa. Giờ còn sức khỏe thì đi chứ vài năm sau mình yếu không đi được thì thôi".

Chuyến tàu cuối năm bao giờ cũng nối dài những cảm xúc luyến lưu, bịn rịn không chỉ đối với người đi mà còn với người ở lại. Trong phòng đợi tàu, bà Trần Thị Thanh Ngân, ở xã Hành Đức, huyện Nghĩa Hành ngân ngấn nước mắt, nắm chặt tay đứa cháu gái họ như không muốn rời xa.

Bà Ngân kể, 2 con bà đều đã có gia đình và lập nghiệp ở thành phố Hồ Chí Minh. Ngày 25 tháng Chạp bà đã tranh thủ cúng tất niên, cúng rước ông bà rồi cận tết mua vé tàu vào Nam đón Tết cùng các con.

Người ta có thể biền biệt với nhiều nỗi toan lo quanh năm của cuộc sống, nhưng Tết đến, ai cũng mong được về quê để đoàn tụ cùng gia đình, thắp lên bàn thờ gia tiên những nén nhang thành kính. Thế nhưng vì những lý do khác nhau, có người phải đi ngược chuyến tàu chiều, mà lòng trĩu nặng ưu tư.

Bà Phạm Thị Thanh Lại, ở xã Bình Long, huyện Bình Sơn cho biết, đã 3 năm nay, năm nào cũng tầm 28, 29 tháng Chạp là bà vào Nha Trang bán vé số kiếm thêm thu nhập để có tiền lo cho đứa con đang học đại học. 

Bà bảo, Tết này các con mỗi đứa góp một ít nên bà có tiền sắm sửa bánh trái cúng ông bà. Tết phải xa quê mưu sinh đối với bà là nỗi buồn khôn xiết, nhưng vì cuộc mưu sinh bà đành phải chấp nhận xa quê.

Chiều trên sân ga, có người đến đón người thân trong nỗi nhớ mong, mừng vui khôn xiết, có người lao về phía trước cho cuộc mưu sinh đầy khốn khó, nhọc nhằn. Những con tàu vẫn đến rồi đi, vẫn mang trong mình cả niềm vui nỗi buồn khi mùa xuân tới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại