Nước mắt của người dân từ TP.HCM đi bộ hàng trăm cây số về miền Tây: "Chẳng còn nơi nào để ở lại"

Ngọc Ngân |

Dù trước mắt là quãng đường hàng trăm cây số nhưng họ buộc phải bước đi, bởi chẳng thể trụ nổi ở Sài Gòn.

Người dân xúc động kể về hành trình từ TP.HCM đi bộ về Sóc Trăng của mình.

Người dân xúc động kể về hành trình từ TP.HCM đi bộ về Sóc Trăng của mình.

Quốc lộ 1A đông đúc, khói bụi tung lên mù trời, chị Hà Thị Mến đã đi được quãng đường 3 cây số thì thở dốc, nói với chồng: "Anh ơi, nghỉ một xíu được không? Em mệt quá". 

Ngay lập tức, anh tấp xe vào lề cho chị ngồi thở, nhấp ngụm nước. Căn bệnh tim mang trong người khiến chị không thể vận động mạnh được, nhưng chị buộc phải đi bộ từ TP.HCM về Kiên Giang, bởi hai vợ chồng chẳng còn nơi nào để về. 

Chiếc xe đẩy chất hành lý của bốn người: hai vợ chồng chị Hà Thị Mến, chị Nguyễn Thị Hường và con gái là Mỹ Linh. Họ không phải là một gia đình, chỉ tình cờ gặp nhau trên đường đi bộ từ bến xe miền Tây đến cửa ngõ thành phố (khu vực thuộc huyện Bình Chánh). 

Cái nắng 12 giờ trưa giữa cửa ngõ thành phố làm gương mặt chị Mến đỏ bừng lên, thỉnh thoảng, chị ngồi thụp xuống hổn hển thở.

Nước mắt của người dân từ TP.HCM đi bộ hàng trăm cây số về miền Tây: Chẳng còn nơi nào để ở lại - Ảnh 1.

Chị Mến đang đi bộ về quê.

"Tụi mình cưới nhau được 2 năm rồi. Ảnh làm ve chai, còn mình thì làm công nhân ở nhà may. 4 tháng dịch bệnh đã vắt kiệt những đồng tiền cuối cùng của hai đứa, tụi mình bị chủ trọ đuổi ra khỏi nhà mấy ngày hôm trước. 

Gia đình bỏ mặc mình rồi, không hỏi thăm, cũng chẳng lo lắng. Bên anh thì có giúp đỡ được số tiền khoảng 1 triệu đồng. Mấy hôm trước tụi mình bị lừa mất sạch. Ông xe ôm nói trả ổng 300.000 đồng ổng sẽ chở ra bến xe nơi có các bà con ở Kiên Giang về quê. 

Vợ chồng mình nghe theo thì bị đưa đến bến bãi không có ai cả. Hai đứa đón xe về mất thêm mất trăm nghìn nữa. Còn 150.000 cuối cùng, tụi mình thuê nhà trọ ngủ vào đêm hôm qua để sáng nay tiếp tục đi bộ về quê", chị Mến nói.

Còn chị Nguyễn Thị Hường chỉ vào chiếc xe chở hành trang của 4 người, kể: "Xe đẩy để bán trái cây của tui đó. Dịch bệnh, giãn cách xã hội mấy tháng trời, tui không xoay sở được nữa nên đành ôm con đi bộ về quê".

Nước mắt của người dân từ TP.HCM đi bộ hàng trăm cây số về miền Tây: Chẳng còn nơi nào để ở lại - Ảnh 2.

4 người chất toàn bộ hành lý lên xe đẩy

Con gái là tài sản quý giá nhất của chị. Chị và chồng ly dị từ khi em bé còn trong bụng mẹ. Mình chị xách giỏ đi sinh, mình chị nuôi nấng, chăm sóc con. Nhưng vì một vài lý do, chị vẫn chưa lấy được giấy chứng sanh nên không thể làm giấy tờ cho con đi học. 

4 tháng trời hai mẹ con chỉ nấu cơm, chiên trứng… để lấp đầy dạ dày. Gồng gánh hết nổi, ngày thành phố nới lỏng giãn cách xã hội, chị chất hết đồ đạc lên xe trái cây, đẩy bộ từ nhà trọ tại TP.HCM về An Giang. 

"Tui biết quãng đường trước mắt mình nó thế nào chứ, nhưng tui không còn cách nào khác cả. Về quê tui đâu có nhà, cha mẹ mất rồi, chỉ còn anh em. Nhưng ít ra, nhà trọ dưới quê chỉ có mấy trăm ngàn một tháng, anh em xung quanh cũng tiện bề giúp đỡ", chị Hường nghẹn ngào. 

Nước mắt của người dân từ TP.HCM đi bộ hàng trăm cây số về miền Tây: Chẳng còn nơi nào để ở lại - Ảnh 3.

Chị Hường và con gái

Thi thoảng, Mỹ Linh (con gái chị) lại hỏi mẹ khi nào tới nhà. Chị đành dối con: "Ừ, sắp tới rồi con…".

Từ TP.HCM về An Giang hơn 200 cây số, 4 người cứ tiếp tục đi mà chưa một lần ngoảnh lại. Bởi giấc mơ Sài Gòn trong họ đã khép từ lâu lắm rồi…

Nước mắt của người dân từ TP.HCM đi bộ hàng trăm cây số về miền Tây: Chẳng còn nơi nào để ở lại - Ảnh 4.

Ông Tân đã đẩy xe đi từ 2 giờ trưa hôm 3/10, đến 11 giờ 30 ngày 4/10, ông mới đến cửa ngõ miền Tây

Men theo con đường của Quốc lộ 1A, ông Nguyễn Văn Tân (quê Sóc Trăng) lầm lũi dắt xe đạp đi trước, vợ con ông đi bộ phía sau.

Mấy gói mì, vài bộ quần áo cũ… tất cả đều được cột chặt trên chiếc xe đạp. Đó là tài sản của cả gia đình.

"Tui làm phụ hồ. Thất nghiệp mấy tháng nay, không còn tiền nên người ta đuổi gia đình tui đi từ mấy ngày trước. Tui và vợ con đi bộ từ khu chế xuất Linh Trung tới Bình Chánh mất một ngày. Hôm qua, tụi tui ngủ dưới gầm cầu để tránh mưa. 

Thức ăn, đồ uống thì may mắn có người đi đường họ cho. Ở dưới quê còn ba đứa con nữa đang sống với bà ngoại, tui chỉ muốn về để kiếm một nghề khác mà sinh sống", ông Tân nói rồi bật khóc. 

Nước mắt của người dân từ TP.HCM đi bộ hàng trăm cây số về miền Tây: Chẳng còn nơi nào để ở lại - Ảnh 5.

Ông Tân dắt xe đạp rời khỏi thành phố

Mỗi lần từ quê lên TP.HCM, ông Tân mất gần 8 tiếng đồng hồ. Khi đi bộ, ông đã nhiều lần nhẩm tính mình sẽ mất 3 ngày, 5 ngày hay 10 ngày để có thể về lại Sóc Trăng. Nhưng ông vẫn cứ bước đi, bởi lẽ, ông chẳng còn nơi nào để quay về. 

Nước mắt của người dân từ TP.HCM đi bộ hàng trăm cây số về miền Tây: Chẳng còn nơi nào để ở lại - Ảnh 6.

Các nhóm thiện nguyện phát thức ăn cho người dân về quê

Nước mắt của người dân từ TP.HCM đi bộ hàng trăm cây số về miền Tây: Chẳng còn nơi nào để ở lại - Ảnh 7.

Người dân cảm ơn đội thiện nguyện khi được cho quà bánh

Trên quốc lộ 1A (thuộc thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh), khu vực cửa ngõ miền Tây có rất nhiều người dân đã mang vác mền gối, quần áo, lương khô… để về lại quê hương. 

Sáng 4/10, nhiều đoạn thiện nguyện đã tập kết dọc đường để phát thức ăn, khẩu trang, nước uống… cho bà con. 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại