“Khi làm việc này, em đã không tính đến đường lui, em không chừa một cơ hội nào cho em nữa. Em chỉ nghĩ mình làm như thế này để có tiền trả hết nợ rồi có một khoản để dành chăm con khi mình không còn lành lặn nữa.
Em nghĩ đơn giản như vậy thôi nhưng thực tế lại không hề đơn giản”. N. trải lòng bằng những tiếng thở dài, dùng cánh tay lành lặn che lên cánh tay đã bị cắt cụt, rơm rớm nước mắt.
“Em dại dột quá! Khi D. thực hiện xong hành vi chặt tay, chân theo yêu cầu của em, em tỉnh ngộ nhưng mọi việc đã quá muộn rồi...”.
Thương nhiều hơn giận
Nhắc đến Lý Thị N., người phụ nữ thuê người chặt chân, tay để được hưởng bảo hiểm gây rung động dư luận những ngày qua, Trung úy Nguyễn Quang Vũ, cán bộ điều tra Đội cảnh sát hình sự Công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) không nén được tiếng thở dài.
Anh nói rằng, sự việc N. dàn dựng một vụ tai nạn giao thông đường sắt nhằm mục đích trục lợi 3 gói bảo hiểm tổng trị giá trên 3 tỷ đồng đã khiến cán bộ chiến sĩ Công an quận mất rất nhiều thời gian, công sức trong việc điều tra, xác minh, làm sáng tỏ sự thật.
Thái độ quanh co, cố tình nói dối cơ quan điều tra ban đầu của N. nhiều lúc khiến anh em rất giận.
Thế nhưng khi N. đã thừa nhận mục đích thuê người chặt chân, tay để trục lợi bảo hiểm, lại thấy thương chị ta hơn bởi trong lúc suy nghĩ không thấu đáo, người đàn bà 30 tuổi đã tự hủy hoại bản thân, để hậu quả trở thành một người tàn tật suốt đời với những đau đớn, bất hạnh mà chị ta không thể lường trước được.
Ngay khi tiến hành khám nghiệm hiện trường, nhìn vết thương sắc ngọt trên cơ thể Lý Thị N., anh em đã biết thương tích đó không phải do tàu cán.
Việc khám nghiệm đầu máy và hơn 20 toa xe hàng của đoàn tàu chạy qua tại thời điểm N. bị thương tích đã góp phần củng cố tài liệu, khẳng định rằng đây không phải vụ tai nạn đường sắt.
Thế nhưng khi làm việc với N. tại bệnh viện, chị ta vẫn cứ khai rằng, tối đó, do buồn chán chuyện gia đình, N. đi lang thang dọc đường tàu và bị tàu hút vào, khi tỉnh dậy thấy bị thương.
Với kinh nghiệm điều tra, giải quyết các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, đồng chí Vũ thấy rõ ràng, đằng sau lời khai của N. có uẩn khúc.
Thương tích thể hiện chị ta bị chặt, chém hết sức dã man mà thông thường, chỉ xảy ra đối với trường hợp trả thù khi mâu thuẫn đã lên đến đỉnh điểm. Thế nhưng vì sao N. vẫn cố tình không khai sự thật? Có phải vì chị ta quá sợ hãi, bị đe dọa để không dám khai sự thật?
Vào thăm và làm việc với Lý Thị N. khi chị ta điều trị cắt cụt một phần chân, tay tại Bệnh viện Việt Đức, cán bộ Đội cảnh sát hình sự đều cảm thấy xót xa bởi ca ghép nối cho N. tại Bệnh viện 19/8 đã không thành công.
Nếu thương tích của người phụ nữ này bắt nguồn từ một tội ác, thì càng cần nhanh chóng làm rõ để lấy lại công bằng cho nạn nhân.
Với suy nghĩ như vậy, 1 tháng sau khi N. xuất viện, cán bộ điều tra đã mất nhiều thời gian động viên, phân tích và thuyết phục chị ta khai báo sự thật.
Thậm chí, có lúc Trung úy Vũ không kìm được xúc động, lạc cả giọng nói với Lý Thị N. rằng: “Nhìn chị bị thương tích dã man như vậy, chúng tôi không cầm lòng được. Vậy tại sao chị cứ cố tình bao che cho kẻ đã gây thương tích cho chị?
Chúng tôi đảm bảo danh dự với chị rằng, chúng tôi sẽ bảo vệ chị đến cùng, chỉ cần chị hãy nói đúng sự thật”.
Thái độ và những lời nói chân tình của cán bộ điều tra rõ ràng có tác động tâm lý rất mạnh tới N. Trong buổi làm việc ngày 9-6-2016, N. đã thay đổi lời khai rằng thương tích của mình không phải do tai nạn tàu hỏa mà là bị cướp tài sản.
Chị ta khai rằng đêm đó, khi lang thang qua đoạn đường sắt, bất ngờ N bị đánh vào đầu từ phía sau. N. ngất đi, khi tỉnh lại thấy chân, tay đã bị thương.
Về tài sản bị mất 1 điện thoại và 1 dây chuyền vàng tổng trị giá 2,5 triệu đồng. Lời khai này một lần nữa lại thể hiện sự vô lý, bất thường bởi tài sản bị cướp là quá nhỏ.
Trong khi nạn nhân đã bị đánh ngất, không có khả năng chống cự thì chẳng có kẻ cướp nào lại đi chặt thêm chân, tay của nạn nhân.
Điều vô lý nữa là khai bị cướp tài sản, bị gây thương tích dã man như vậy nhưng N. lại không đề nghị Cơ quan công an điều tra, xử lý đối tượng gây án mà lại chỉ đề nghị cho đi khám thương để xác định mức độ tổn hại sức khỏe?!
Một nghi vấn quan trọng khác là Doãn Văn D., người báo tin vụ tai nạn tới Cơ quan công an sau đó đã “mất tích” một cách bí ẩn. Ngay cả địa chỉ và điện thoại D. khai báo ban đầu tại Cơ quan công an cũng là địa chỉ “ma”.
Điều này đã gây khó khăn cho Cơ quan công an trong quá trình điều tra bởi D. là nhân chứng duy nhất trong vụ việc này. Nếu thực sự đây là một vụ trả thù thì D. có phải là nhân chứng báo tin hay lại chính là kẻ gây thương tích cho Lý Thị N.?
Sự thật vụ việc đã được hé mở khi đầu tháng 8, các cán bộ điều tra làm rõ, lý do N. chỉ quan tâm đề nghị Cơ quan công an hoàn thiện hồ sơ vụ tai nạn giao thông và cho N. đi giám định thương tật chính là vì 3 gói bảo hiểm thân thể tổng trị giá 3 tỷ đồng mà N. đã gửi yêu cầu giải quyết quyền lợi tới các cơ quan bảo hiểm. Đồng thời, cơ quan điều tra cũng đã tìm được Doãn Văn D.
Với những chứng cứ không thể phủ nhận, ngày 5-8-2016, Lý Thị N. đã khai nhận do quẫn bách nợ nần đã âm mưu thuê Doãn Văn D. 50 triệu đồng để chặt chân tay mình, tạo dựng một vụ tai nạn tàu hỏa nhằm lấy tiền bảo hiểm để trang trải nợ.
Cán bộ điều tra kể lại, khi N. khai nhận sự thật, tất cả CBCS có mặt đều bàng hoàng, không tin được một người phụ nữ lại có thể làm một việc động trời, chọn cách hủy hoại bản thân một cách hết sức đau đớn như vậy.
Với món nợ theo lời khai của N. là 240 triệu đồng thì hành động của N. là vô cùng dại dột, xuẩn ngốc. Các cụ bảo “giàu hai con mắt, khó hay bàn tay”. Giờ đây khi mất đi 1 tay và 1 chân, thì kể cả N. có thanh toán được 3 tỷ đồng tiền bảo hiểm, cũng không đáng so với mất mát mà chị ta phải chịu đựng.
Sự ân hận muộn màng
Nguyên do dẫn đến kế hoạch rùng rợn được N. kể bằng một câu chuyện dài. N. cho biết là con út trong một gia đình có 7 anh chị em tại Tuyên Quang.
Nhà nghèo nên từ khi học lớp 10, buổi chiều được nghỉ học, N. tranh thủ đi trẩy cam chở xe đạp 12 cây số ra thị trấn bán kiếm tiền, tự trang trải việc học. Tốt nghiệp lớp 12, N. xin mẹ cho xuống Hà Nội học tiếp. Mẹ ki cóp mãi cũng chỉ cho N. được 1 triệu đồng.
“Em giữ cẩn thận lắm nhưng xuống đến bến xe Mỹ Đình thì bị móc mất” – N. rơm rớm nước mắt kể lại kỷ niệm cũ. Không có tiền, N. tìm đến nhà bác họ tại Hà Đông ở nhờ vài bữa, sau đó thuê nhà trọ, xin học tại Trung tâm Dạy nghề quận Thanh Xuân.
Trong hơn 3 năm học trung cấp và liên thông cao đẳng, N. rửa bát thuê trong các quán cơm và mở quán ốc vỉa hè để lấy tiền ăn học. Tính tháo vát nên không những tự lo cho bản thân, N. còn dành dụm được một khoản, dự định sẽ xin việc khi ra trường.
Rồi N. gặp và quen người chồng bây giờ. Hai gia đình đều nghèo, chồng N. lại là con cả, dưới còn em nhỏ nên từ ngày yêu nhau, cả hai đều xác định, vun vén để chồng N. có điều kiện đi học thêm, thu xếp một công việc ổn định.
Năm 2009, sau khi kết hôn, do chồng công tác xa, N. ở Hà Nội kinh doanh quán nước, tối lại về nhà chồng ở Phúc Thọ.
“Số em vất vả, lương của chồng không được là bao nên em cũng tìm cách xoay xỏa kiếm tiền phụ cùng ông bà nuôi hai con. Năm 2015, em mở quán ăn ở Phúc Thọ, được gần một năm thì thua lỗ phải đóng cửa. Em về làng mở quán bán nước mía”.
Theo N., vì kinh doanh, N. đã vay một người họ hàng số tiền 200 triệu đồng nhưng do làm ăn thua lỗ nên không trả được.
Đầu năm 2016, người họ hàng gây sức ép, dọa rằng nếu N. không trả nợ sẽ viết đơn kiện gửi đến cơ quan của chồng N. vì chồng N. đã đứng ra viết giấy vay tiền giúp vợ. Chuyện vợ chồng cũng lục đục từ đây.
“Bây giờ nói ra, mọi người sẽ cho rằng em ngụy biện, nhưng thực sự lúc đó em quẫn quá. Không vay được tiền trả nợ, lại lo nếu bị gửi đơn kiện, chồng em sẽ mất việc. Mà vợ chồng em đã phải phấn đấu, vượt qua bao khó khăn, vất vả để chồng em có được công việc ngày hôm nay.
Trong lúc quẫn bách, em nghĩ ra việc trục lợi bảo hiểm. Lúc đó em chỉ nghĩ rằng nếu có khoản tiền đó, em sẽ nhanh chóng trả nợ để chồng em không bị kiện. Vì em sai khiến chồng bị ảnh hưởng nên em mới nghĩ ra việc kia để mong gỡ lại sai lầm đó.
Nhưng càng làm thì lại càng sai. Cái sai sau lại chồng lên sai trước, lớn hơn sai trước. Bây giờ có thời gian nghĩ lại, em thấy mình đã quá ngu dại. Giá như lúc đó em cứ buông xuôi thì đâu đến nỗi...”.
N. thở dài kể, từ hôm vụ việc được các báo đưa tin, vì xấu hổ với gia đình nhà chồng, N. trốn xuống Hà Nội thuê trọ. “Bố mẹ chồng em rất tốt. Con em từ bé toàn ông bà nội chăm sóc.
Hôm qua, đứa em chồng gọi điện thông báo vì chuyện của em mà bố chồng sốc phải nhập viện. Mẹ chồng thì bị bệnh tim. Mẹ đẻ em cũng sốc. Khi xảy ra sự việc, cả hai gia đình đã lo lắng chạy chữa cho em. Em thấy ân hận vô cùng.
Vì em mà mọi người bị ảnh hưởng. Nếu chồng em không tha thứ thì em cũng đành chấp nhận chứ không oán trách gì. Trong việc này, em là người có lỗi. Em muốn gửi lời xin lỗi đến tất cả mọi người chứ bây giờ, em cũng không biết làm thế nào khác được”...
N. buồn rầu cho biết, ngoài chuyện gia đình, những ngày qua, cô hết sức bức xúc và đau khổ khi trên mạng xã hội, không ít người viết bài, bình luận về hành động mù quáng của N. với lời lẽ hết sức cay độc. “Việc em làm, em sai, em xin chịu trách nhiệm.
Em đã phải trả giá quá đắt cho sai lầm của mình rồi. Mà em cần tiếp tục cuộc sống để nuôi các con. Vì vậy, em mong dư luận hãy độ lượng hơn bởi cuộc đời ai chẳng có lúc sai lầm...”.
N. nói rằng, dẫu cuộc sống trước mắt đối với cô sẽ là rất khó khăn, nhưng N. sẽ cố gắng để sống tốt hơn. N. mong mọi việc khép lại ở đây, để cô bắt đầu làm lại cuộc sống.