Nước đã đến chân Hoàng Anh Gia Lai

Hải Lý |

Tái cơ cấu nợ là bài toán cần phải giải càng sớm càng tốt của HAG. Lẽ ra bài toán này phải giải từ năm ngoái, thậm chí năm kia, nhưng các chủ nợ có ý chờ ý kiến của các cơ quan chức năng có thẩm quyền đối với ngân hàng. Nay nước đã đến chân, các chủ nợ vẫn loay hoay tìm lời giải.

Thị giá cổ phiếu của tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAG-Hose) ngày 16-9-2016 còn 4.930 đồng. Với vốn điều lệ 7.900 tỉ đồng, giá trị vốn hóa của HAG là 3.895 tỉ đồng, tương đương 175 triệu đô la Mỹ.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất bán niên 2016 đã soát xét, nợ ngắn hạn của tập đoàn 12.343 tỉ đồng, nợ dài hạn 14.340 tỉ đồng, tổng nợ 26.683 tỉ đồng.

Loay hoay chủ nợ

Vì sao các ngân hàng lại đổ nhiều tiền đến thế tài trợ cho HAG? Vì vào thời điểm các năm 2011-2012, khi HAG chuyển mạnh sang làm nông nghiệp, giá cao su thiên nhiên trên thị trường thế giới cao gấp 4 lần hiện nay.

Ngoài BIDV, vốn là ngân hàng cho HAG vay trong nhiều năm, lúc bấy giờ một nhóm các ngân hàng thương mại cổ phần bao gồm ACB, Eximbank, Sacombank, Techcombank và sau này thêm cả HDBank, VPBank đã tính toán với giá thành sản xuất khoảng 1.200-1.300 đô la Mỹ/tấn mủ cao su đã chế biến, HAG không bao giờ có thể lỗ.

Nói cách khác, rủi ro thu hồi vốn và lãi của các chủ nợ ở mức rất thấp. Tuy nhiên không ai ngờ giá cao su rớt thảm hại và đứng ở vùng đáy lâu đến vậy.

Đầu tư cho cây cao su đòi hỏi dài hơi. Chu kỳ biến động của giá cao su cũng dài hơi, có thể kéo dài tới cả thập kỷ. Sai lầm chứa đựng cả yếu tố khách quan và chủ quan của HAG và các chủ nợ chính là sử dụng vốn ngắn hạn để đầu tư dài hạn. Giờ phải sửa sai lầm đó.

Tái cơ cấu nợ là bài toán cần phải giải càng sớm càng tốt của HAG. Lẽ ra bài toán này phải giải từ năm ngoái, thậm chí năm kia, nhưng các chủ nợ có ý chờ ý kiến của các cơ quan chức năng có thẩm quyền đối với ngân hàng. Nay nước đã đến chân, các chủ nợ vẫn loay hoay tìm lời giải.

Tuần trước, trong cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên năm nay, HAG chủ động lên tiếng: họ sẽ bán 20.000 héc ta cao su cho một số đối tác Trung Quốc lấy 8.000 tỉ đồng trả nợ.

Ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Hội đồng quản trị HAG, nhấn mạnh bán diện tích trên, tập đoàn vẫn còn khoảng 60.000 héc ta nữa (kể cả ở Campuchia, Lào, Việt Nam).

Nói cách khác, nếu bán tất cả diện tích cao su đang sở hữu, HAG có thể trả hết nợ, không tính tới khu phức hợp 8 héc ta đang khai thác ở Myanmar.

“Chúng tôi bán thật!”

Liệu HAG có thể bán hết vườn cây cao su? Ông Đức nói với cổ đông “bán là bán thật”. Câu trả lời là có. Từ ba, bốn năm trước, không ít đối tác cả trong và ngoài nước đã dạm hỏi khả năng bán vườn cao su của tập đoàn, nhưng HAG khi đó kiên quyết không bán.

Đại diện một công ty chứng khoán năm trước cho biết họ có một khách hàng tổ chức nước ngoài sẵn sàng mua 30.000 héc ta cao su của HAG, nhưng bên bán lắc đầu.

HAG đã đổ nhiều tiền cho cao su, trồng cũng như chăm sóc loại cây này một cách bài bản. Hệ thống tưới nước, bón phân, phân tích lá cao su để “khám” sức khỏe cho cây mà HAG áp dụng đều theo công nghệ của Israel.

Tập đoàn đã thuê chuyên gia Israel khảo sát từng nơi đặt vị trí hồ chứa nước để đảm bảo nước có thể có ngay trong cả mùa khô. Ngay cả hiện tại, khi khó khăn về dòng tiền, việc chăm sóc cho cao su vẫn được đặt lên hàng đầu.

HAG đã không bán vườn cao su, đặc biệt ở Lào, vì vị trí chiến lược của vùng đất ở đây sát với biên giới Việt Nam. Từ vườn cao su của HAG nhìn sang địa phận tỉnh Kontum rất gần.

Do nhân công ở Lào không đủ, HAG có thời điểm đã tuyển dụng hàng ngàn công nhân Việt Nam và đưa sang làm việc ở Lào. Nếu tới đây một số đối tác Trung Quốc mua diện tích cao su của HAG, ai có thể đảm bảo họ không đưa công nhân Trung Quốc sang làm việc thay cho nhân công Việt?

Nhìn vào báo cáo tài chính bán niên, thấy rất rõ chi phí lãi vay mà HAG đã trả trong sáu tháng đầu năm tăng vọt lên 798 tỉ đồng từ mức 459 tỉ đồng cùng kỳ năm ngoái.

Khấu hao tài sản cố định cũng tăng gần gấp đôi, từ 159 tỉ đồng lên 314 tỉ đồng, trong khi doanh thu tăng chưa đầy 20%, từ 3.036 tỉ đồng lên 3.659 tỉ đồng, chủ yếu từ mảng nuôi bò, trồng mía, bắp, dầu cọ...

Điều này cho thấy sự phụ thuộc vào cao su của tập đoàn vô cùng lớn. HAG hiện hầu như không khai thác cao su dù hàng ngàn héc ta đã có thể cạo mủ vì khai thác là lỗ.

Ông Đoàn Nguyên Đức đã xác nhận HAG đang thương lượng bán mảng mía đường cho tập đoàn Thành Thành Công nên trong kế hoạch doanh thu, lợi nhuận sáu tháng cuối năm nay không có con số cho mía đường.

Tương lai của HAG giờ có thể hai ngả: bán dần tài sản trả nợ ngân hàng hoặc được tái cơ cấu nợ để tiếp tục sống chết với cao su. Tổng tài sản của tập đoàn đến ngày 30-6-2016, theo báo cáo tài chính, là 51.106 tỉ đồng, gần gấp đôi tổng nợ.

Nếu bán cho đến khi trả xong nợ, HAG còn lại gì, chưa thể biết, nhưng cái rõ trước mắt là đối tác Trung Quốc sẽ trở thành chủ sở hữu vườn cao su hàng chục ngàn héc ta ngay cạnh biên giới Việt Nam.

Đấy không còn là câu chuyện của một doanh nghiệp, mà là vấn đề của quốc gia. Các cơ quan chức năng có thẩm quyền hẳn thấu hiểu cốt lõi việc bán hay không bán vườn cao su của HAG hơn ai hết.

Đáng lẽ khi HAG “tự bơi” đầu tư sang Lào, Campuchia với quy mô tầm cỡ như vậy, phía sau nên chăng là sự điều tiết và kiểm soát của Nhà nước dưới những hình thức khác nhau bắt buộc phải có?

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại