Nước Anh trở thành “phép thử” cho cuộc chiến với biến thể Omicron

Việt Linh |

Vương quốc Anh có thể là ví dụ điển hình để Mỹ và các nước châu Âu tìm hiểu kỹ về khả năng ngăn chặn nguy cơ từ biến thể Omicron.

Trung tuần tháng 11, Nam Phi là quốc gia đầu tiên gửi cảnh báo tới thế giới về sự xuất hiện của biến thể Omicron , và đang chứng kiến một làn sóng gia tăng các ca nhiễm biến thể này ở trong nước.

Hiện các số liệu từ Nam Phi cho thấy, dường như Omicron gây ra triệu chứng nhẹ hơn so với các biến thể trước. Bà Michelle Groom, một trong những chuyên gia hàng đầu về dịch tễ học của Nam Phi cho biết tỷ lệ nhập viện ở chủng Omicron là thấp hơn, trong khi số người tử vong có mức gia tăng nhỏ.

Nước Anh trở thành “phép thử” cho cuộc chiến với biến thể Omicron - Ảnh 1.

Nam Phi là quốc gia đầu tiên ghi nhận làn sóng các ca lây nhiễm từ biến thể Omicron (Nguồn: DW)

Tuy nhiên theo các chuyên gia, những quan sát từ Nam Phi nhiều khả năng là không quá hữu ích với tình hình lây lan tại Mỹ và châu Âu, bởi một số lý do: tỷ lệ tiêm chủng còn khá thấp, dân số trẻ, cũng như việc biến thể mới không phải "cạnh tranh" với làn sóng từ chủng Delta. Ngoài ra, Nam Phi và các nước Nam bán cầu khác đang trong mùa hè, trong khi virus có khả năng lây lan cao hơn vào mùa Đông, khi người dân có xu hướng hoạt động trong nhà nhiều hơn.

Ngược lại, đây không phải lần đầu Vương quốc Anh được coi là "ví dụ điển hình" để quan sát các biến thể mới, khi nước này cũng từng chịu làn sóng từ biến thể Alpha hồi đầu năm nay. So với Nam Phi, Anh có dân số già hơn và tỷ lệ tiêm chủng tương đối cao. Sau quyết định mở cửa gần như hoàn toàn hồi giữa năm nay, nước này cũng đang trải qua một đợt dịch kéo dài, nhưng được xem là "trong tầm kiểm soát" do chủng Delta gây ra. Nước này cũng có hệ thống giám sát kỹ lưỡng dịch COVID-19 và các biến thể mới, với nguồn số liệu dồi dào.

Giáo sư Philip Landrigan từ đại học Boston (Mỹ) đánh giá: "Sẽ không có cách nào để hiểu được những gì đang diễn ra tại Mỹ nếu không có thông tin về tình hình tại Anh, Nam Phi và những nước khác mà biến thể Omicron đã xuất hiện". Tính tới ngày 10/12, Anh đã ghi nhận tổng cộng 1.265 ca nhiễm Omicron, tăng 448 ca so với ngày trước đó. Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid cảnh báo số ca nhiễm thực tế có thể đã vượt quá 10.000 người.

Nước Anh trở thành “phép thử” cho cuộc chiến với biến thể Omicron - Ảnh 2.

Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid cảnh báo số ca nhiễm biến thể Omicron tại Anh có thể đã lên hơn 10.000 người (Nguồn: CNBC)

Các nhà khoa học trong ủy ban cố vấn cho chính phủ Anh nhận định, nếu không áp đặt thêm hạn chế phòng dịch, Anh có thể ghi nhận tới hơn 1.000 ca nhập viện/ngày do biến thể Omicron vào cuối năm nay ở tốc độ lây nhiễm hiện tại.

Hiện giới khoa học vẫn còn nhiều câu hỏi về khả năng lây nhiễm của Omicron so với Delta, nhất là khả năng "trốn" kháng thể từ hệ miễn dịch do vaccine hoặc từng nhiễm SARS-CoV-2 tạo ra – một vấn đề quan trọng khi mà Delta hiện đã là mối đau đầu lớn của nhiều nước.

Trong số các kịch bản được ủy ban cố vấn đề xuất cho chính phủ Anh về đợt dịch mới do chủng Omicron, 3 kịch bản có khả năng cao nhất có điểm chung, đó là Omicron có khả năng lây nhiễm mạnh hơn Delta và tránh được một phần khả năng miễn dịch của cơ thể. Qua đó, Omicron sẽ dần dần thay thế Delta trở thành biến thể chủ đạo tại Anh, giống như Delta từng "đánh bại" chủng Alpha trước đây.

Nước Anh trở thành “phép thử” cho cuộc chiến với biến thể Omicron - Ảnh 3.

Omicron được dự báo nhiều khả năng sẽ thay thế Delta trở thành biến thể chính tại Anh (Nguồn: Reuters)

Sự khác biệt giữa các kịch bản nói trên nằm ở mức độ gây bệnh trở nặng và nhập viện. Dù hầu hết các nhà khoa học tin tưởng rằng vaccine vẫn có hiệu lực bảo vệ nguy cơ bệnh nặng với Omicron, thì nguy cơ là nếu như Omicron lây lan rộng hơn Delta, thì mức độ bùng phát dịch cũng sẽ tăng cao, kéo theo số ca trở nặng, nhập viện và tử vong đều tăng.

Các kịch bản khác cũng đang được nghiên cứu, dù có xác suất xảy ra thấp hơn, chẳng hạn như biến thể Omicron không vượt trội Delta về khả năng tránh hệ miễn dịch. Do đó tình hình dịch vẫn trong tầm kiểm soát; hoặc nguy cơ lây nhiễm thấp hơn dự báo, bởi việc lây nhiễm chủng Delta lại giúp tạo ra miễn dịch tốt hơn với Omicron.

Nước Anh trở thành “phép thử” cho cuộc chiến với biến thể Omicron - Ảnh 4.

Nhiều biện pháp hạn chế mới ngăn chủng Omicron được ban hành tại Anh (Nguồn: Reuters)

Dù sao, với số ca lây nhiễm đang tăng cao nhất trong các nước phương Tây, Anh cũng đang nỗ lực tìm hướng nhằm ngăn chặn chủng Omicron trong cộng đồng. Mới đây Thủ tướng Boris Johnson đã tái ban hành một loạt hạn chế và khuyến nghị phòng dịch đối với vùng England, bao gồm bắt buộc đeo khẩu trang tại các địa điểm công cộng trong nhà, yêu cầu chứng nhận tiêm chủng để vào một số địa điểm như quán bar, hay kêu gọi người dân tiếp tục làm việc từ xa.

Một số nghiên cứu gần đây cũng cho thấy tiêm vaccine COVID-19 mũi tăng cường sẽ có tác dụng tăng khả năng bảo vệ trước biến thể Omicron. Hiện Anh đã tiêm mũi tăng cường cho khoảng 22 triệu người, tương đương 1/3 dân số. Chính phủ nước này cũng đang mở rộng diện tiêm tăng cường cho tất cả người trên 18 tuổi, cũng như rút ngắn thời gian tiêm xuống còn 3 tháng sau khi hoàn tất tiêm chủng ban đầu.

Nước Anh trở thành “phép thử” cho cuộc chiến với biến thể Omicron - Ảnh 5.

Mũi vaccine tăng cường được đánh giá làm tăng khả năng bảo vệ trước biến thể Omicron (Nguồn: AP)

Giáo sư Graham Medley từ Trường Dịch tễ và Y sinh nhiệt đới London, thành viên Ủy ban cố vấn, đã ví việc tiêm tăng cường và các biện pháp phòng ngừa như đeo khẩu trang, giống như việc đeo dây an toàn trên xe ô tô, giúp giảm thiểu nguy cơ chấn thương khi xảy ra tai nạn với mỗi người, "nhất là khi con đường đi trở nên gập ghềnh hơn vì Omicron" – ông bình luận hóm hỉnh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại