Cột tro bụi cao 3.000 mét và chất lượng không khí suy giảm
Vụ phun trào mới nhất của núi lửa Lewotobi đã tạo ra cột tro bụi cao tới 3.000 mét, lan rộng về phía Tây và Tây Nam Indonesia. Sự kiện này khiến chất lượng không khí trong khu vực xấu đi đáng kể và gây ra các vấn đề về hô hấp cho cư dân.
Theo giới chức Indonesia, khoảng 12.000 người đã phải sơ tán để tránh các mối nguy hiểm từ núi lửa. Đồng thời, Cảnh báo Hàng không đã được hạ xuống mức cao thứ hai, nhưng máy bay vẫn bị cấm bay ở độ cao dưới 5.000 mét quanh khu vực núi lửa.
Núi Lewotobi Laki Laki phun trào tro và khói trong một vụ phun trào nhìn từ làng Lewolaga ở Titihena, Đông Nusa Tenggara, vào ngày 13/11/ 2024. (Ảnh: AFP)
Nguy cơ lũ dung nham lạnh đe dọa nhiều khu vực
Ngày 20/11, Cơ quan Địa chất thuộc Bộ Năng lượng và Khoáng sản Indonesia cảnh báo rằng các trận mưa lớn gần đây làm gia tăng nguy cơ lũ dung nham lạnh từ các con sông bắt nguồn từ núi Lewotobi Laki-laki. Các ngôi làng trong bán kính 7 km, đặc biệt tại Đông Flores, tỉnh Đông Nusa Tenggara, đối mặt với nguy cơ cao.
Cơ quan Khí tượng, Khí hậu và Địa vật lý (BMKG) Indonesia dự báo, mùa mưa sắp tới vào đầu tháng 12 có thể làm trầm trọng thêm nguy cơ lũ dung nham. Người dân được khuyến cáo tránh xa bờ sông và không tiến hành các hoạt động gần khu vực núi lửa.
Núi Lewotobi Laki Laki phun trào tro và khói trong một vụ phun trào nhìn từ làng Lewolaga ở Titihena, Đông Nusa Tenggara, vào ngày 13/11/ 2024. (Ảnh: AFP)
Hỗ trợ khẩn cấp cho người dân vùng ảnh hưởng
Kể từ đầu tháng 11, Bộ Xã hội Indonesia đã cung cấp viện trợ trị giá 6,2 tỷ Rupiah (390.000 USD) bao gồm lều trại, máy lọc nước, quần áo và các nhu yếu phẩm khác cho người dân bị ảnh hưởng. Đồng thời, Không quân Indonesia đã triển khai máy bay CN-295 và trực thăng Caracal để hỗ trợ sơ tán và vận chuyển hậu cần.
Hiện tại, chính quyền Indonesia vẫn duy trì trạng thái cảnh giác cao, đồng thời lập các điểm sơ tán để đảm bảo an toàn cho người dân trước nguy cơ lũ dung nham và các hoạt động tiếp tục của núi lửa.