Và dù rằng thật may mắn khi bạn không có mặt tại vụ phun trào, bạn vẫn có thể chiêm ngưỡng sức mạnh vĩ đại của Mẹ Thiên nhiên trong những đoạn video tuyệt đỉnh dưới đây.
Theo tờ Jakarta Post, vụ phun trào đầu tiên bắt đầu tại tỉnh Lampung vào đêm thứ 6, lúc 9:58 tối (giờ địa phương), tạo ra một cột tro và khói bụi cao gần 200 mét, tồn tại trong 1 phút và 12 giây. Vụ phun trào thứ hai diễn ra lúc 10:35 tối, tạo ra cột tro cao gần 500 mét, tồn tại trong suốt 38 phút và 4 giây. Tờ báo này đưa tin rằng Cơ quan Thảm họa Quốc gia Indonesia cho biết quá trình phun trào tiếp tục xảy ra cho đến tận sáng thứ 7.
Đây không phải là lần đầu tiên Anak Krakatau phun trào trong vài năm qua. Trên thực tế, lần này chỉ là một trong số khá nhiều lần nó phun trào. Một trong những lần phun trào kinh hoàng và đáng nhớ nhất diễn ra vào năm 2018.
Vào năm đó, núi lửa đã phun trào và gây nên một vụ sạt lở kèm sóng thần đánh vào Sunda Straight của Indonesia mà không hề có dấu hiệu cảnh báo nào. Sự kiện này đã cướp đi sinh mạng 437 người, và khiến hàng ngàn người khác bị thương nằm rải rác khắp bãi biển.
Trong sự kiện phun trào lần này, may mắn thay không có thiệt hại nào về người. Được biết, một số cư dân sống ven biển đã kịp thời di tản sau khi nhận được cảnh báo từ chính quyền.
Trong hai đoạn video quay vụ phun trào dưới đây, bạn có thể thấy cận cảnh núi lửa thông qua một webcam trên đảo. Video đầu tiên, theo giải thích bởi Volcano Discovery, là một đoạn time-lapse cho thấy quá trình phun trào từ lúc bắt đầu cho đến khi kết thúc.
Mọi chuyện bắt đầu với các cột khói và dung nham, trước khi bất ngờ chuyển thành các vụ nổ, bom dung nham (thực ra là đá nóng chảy bắn ra từ núi lửa), và các dòng suối dung nham. Ngoài việc khá đáng sợ, thì đây quả là một cảnh tượng hoành tráng mà bạn nên xem một lần cho biết.
Vụ phun trào núi lửa Krakatau ngày 10-11/4/2020
Một đoạn video khác, được quay bởi một camera đặt tại một đài quan sát gần đó, cho thấy vụ phun trào dưới góc nhìn từ bờ biển. Video này không thể hiện nhiều như video đầu tiên, nhưng bạn vẫn có thể thấy những cột khói bay lên.
Anak Krakatau có nghĩa là "Đứa trẻ của Krakatau", ý nói đến việc nó hình thành từ lòng chảo của ngọn núi lửa Krakatau nổi tiếng. Vào năm 1883, Krakatau phun tào, gây nên một thảm họa toàn cầu, giết chết 36.000 người. Theo Volcano Discovery, đại đa số những người không may thiệt mạng là bởi những cơn sóng thần khổng lồ do vụ phun trào gây ra. Bên cạnh đó, vụ phun trào còn dẫn đến một thời kỳ mát dần toàn cầu.
Tham khảo: Gizmodo