Nức danh ngôi làng 500 năm làm bánh chưng, bánh tét ở Huế

Quang Nhật |

Cứ mỗi dịp cận Tết, người dân làng Chuồn lại "nổi lửa" vào vụ làm bánh chưng bán tết. Bánh làng Chuồn thơm ngon xưa nay bởi đôi tay tài hoa của dân làng Chuồn cùng với giống nếp quý nức tiếng một thời.

Làng Chuồn thuộc thôn An Truyền, xã Phú An, huyện Phú Vang (Thừa Thiên – Huế) nép mình bên bờ phá Tam Giang, cứ mỗi độ Tết đến xuân về, người làng lại tấp nập gói bánh chưng, bánh tét.

Một thời làm bánh dâng vua

Chuyện kể rằng, cách đây khoảng 500 năm, làng Chuồn đã khoanh vùng khoảng 20 ha ruộng để chuyên trồng loại lúa nếp ngon, gọi là nếp Tây và rất thơm.

Cứ đến vụ, nhà nào được trồng lúa ở khu ruộng này đều phải nộp cho làng ít nếp để gói bánh tét dâng vua vào dịp Tết. Đến bây giờ, người làng Chuồn vẫn giữ khu ruộng Cửa để trồng lúa Tây gói bánh tét.

Giờ đây, bánh tét làng Chuồn đã "bay" khắp muôn nẻo, từ trong nước đến nước ngoài, cứ "theo chân" Việt kiều qua cả trời Tây.

Nức danh ngôi làng 500 năm làm bánh chưng, bánh tét ở Huế - Ảnh 1.

Bàn tay khóe léo của người dân làng Chuồn

Dịp Tết, cứ độ sau ngày 20 tháng chạp, làng Chuồn lại tấp nập với cảnh nhà nhà làm bánh, người người đều bận với công việc này.

"Chú tới mua bánh tét phải không? Ở cái làng này nhà nào cũng gói hết, bao nhiêu cũng có" – một vị cao niên vừa nói vừa giới thiệu cho chúng tôi cả một danh sách về những "nghệ nhân" có tiếng làm bánh tét làng Chuồn.

Nức danh ngôi làng 500 năm làm bánh chưng, bánh tét ở Huế - Ảnh 2.

Cả nhà cùng làm bánh

Ghé nhà ông Đoàn Rạng nằm ven con kênh giữa làng, dù đã sẫm tối nhưng vài chục người, từ trẻ đến già đang tất bật với công việc gói bánh tét.

Mỗi người một việc, trẻ xén lá, già làm nhụy, thanh niên trai tráng kẻ chẻ củi người làm lạt buộc bánh… rất hối hả. Quanh sân nhà ông Rạng, đâu đâu cũng có lá chuối, những đòn bánh tét vừa làm xong xếp ngay ngắn bên góc nhà chờ mang đi nấu.

Nức danh ngôi làng 500 năm làm bánh chưng, bánh tét ở Huế - Ảnh 3.

Một công đoạn làm bánh tét của người dân làng Chuồn

Là người thâm niên gắn bó với nghề bánh tét, dịp năm nay gia đình ông nhận được vài trăm đơn đặt hàng, từ TP Huế vào tới TPHCM.

Vì vậy, ông Rạng phải huy động con cháu tới làm. Theo ông Rạng, bánh tét làng Chuồn nổi tiếng như hôm nay là nhờ người làm có kỹ nghệ riêng.

"Đầu tiên là hạt nếp phải thơm ngon, đều. Việc chế biến nhân, bố trí ở trung tâm cho đều để hương vị lan tỏa khắp chiếc bánh.

Cách gói cũng theo hình trụ, phải kỹ để bánh giữ được lâu mà ăn không bị hư" – ông Rạng chia sẻ một số kinh nghiệm.

Giữ gìn bí kíp gia truyền

Tại làng Chuồn vào dịp cận Tết có hàng trăm ngôi nhà đỏ lửa nấu bánh tét. Bà Huỳnh Thị Hường (57 tuổi), cho biết gia đình mình đã làm bánh này từ xưa đến nay nên được truyền dạy một số bí kíp riêng để bánh vừa đẹp lại thơm ngon.

Về nhà bà Hường dịp này, không khí cả gia đình nhộn nhịp hẳn. Ngay từ đầu ngõ, đã có biển hiệu bánh của bà Hường cùng số điện thoại in sẵn.

Bà Hường cho biết: "Khác hồi xưa, chỉ gói bánh trong những ngày tết, giờ như gia đình tui làm bánh từ tháng 8 ra tận tháng 2 âm lịch. Có khi ai đặt mình đều làm cả. Mùa đông thì bánh tiêu thụ nhiều, mùa hè thì ít hơn."

Ngồi gói bánh, chốc chốc, điện thoại bà Hương lại reo lên, những khách hàng gần xa gọi điện đặt bánh.

Nức danh ngôi làng 500 năm làm bánh chưng, bánh tét ở Huế - Ảnh 4.

Một công đoạn làm bánh tét của người dân làng Chuồn

Chỉ tính riêng mỗi vụ Tết, gia đình bà bán chừng 2.000 đòn bánh tét, 1.000 cặp bánh chưng.

Giá ngày thường chỉ 15-20 nghìn đồng/cặp bánh chưng, vào vụ tết thì 30.000-40.000 đồng/cặp; với bánh tét có giá 15.000 đồng/đòn, ngày tết 50.000-60.000 đồng/đòn, tùy theo người đặt.

Mấy chục năm trong nghề gói bánh, chưa bao giờ bánh bà Hường làm ra mà không bán hết. Thậm chí, khi khách đặt nhiều quá làm không kịp, bà phải giới thiệu đến những hộ dân khác trong làng.

Nức danh ngôi làng 500 năm làm bánh chưng, bánh tét ở Huế - Ảnh 5.

Công đoạn cuối cùng để hoàn thành bánh tét

Bánh của bà Hường nấu không chỉ giữ được hương vị riêng truyền thống của gia đình mà còn để được trong thời gian khá dài, thường từ 20-30 ngày.

Để làm được công đoạn đó, là cả một sự dụng công lớn. Ngoài yếu tố nếp, lá phải sạch thì công đoạn của người nấu rất quan trọng. Bánh thường được đun trong 12 tiếng, bánh chín đều nên giữ được lâu trong những ngày tết.

Đặc biệt, bánh không dùng bất cứ một chất bảo quản nào…

"Mình làm bánh vừa để nuôi sống gia đình lại có ý nghĩa giữ gìn nét văn hóa của làng nên cũng khá vui" – bà Hường chia sẻ.

Dịp Tết, trên những bàn thờ trong các ngôi nhà người dân xứ Huế, bánh tét và nải chuối là hai vật không thể thiếu. Loại bánh đó chủ yếu xuất xứ từ những lò bánh tét làng Chuồn nức tiếng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại