Triết lý đâm bang mà Hoàng Thuỳ Linh đưa ra khi gặp câu hỏi về vấn đề chuẩn bị hát live ra sao cho Vietnamese Concert một lần nữa nhắc lại câu chuyện các ca sĩ triệu view của chúng ta dễ “có tật giật mình” ra sao khi bị hỏi trúng tim đen.
Có tật giật mình
Không khó để tìm xem những clip hát live chênh phô, hụt hơi, giọng yếu của Hoàng Thuỳ Linh trên mạng xã hội. Thế nhưng những thành tích về mặt trận nhạc số của cô vẫn giúp cô trở thành cái tên ẵm được nhiều giải thưởng âm nhạc nhất 3 năm trở lại đây.
Trong một nền giải trí mà hai khái niệm ca sĩ – idol vẫn còn dễ trộn lẫn vào nhau, với bề dày hoạt động lên tới gần 20 năm, vẫn có thể xếp Hoàng Thuỳ Linh vào nhóm ca sĩ, tức là nhóm đòi hỏi cao về giọng hát hơn là kỹ năng trình diễn trên sân khấu.
Thế nhưng khi nhận được câu hỏi đã chuẩn bị hát live ra sao cho Vietnamese Concert có quy mô 7000 khán giả, cô lại đưa ra một sự so sánh: “May mắn là sinh ra chị biết đi, chị đi được. Không may ngày hôm đó trời mưa, chị bước ra ngoài thì có một đám người rất đông. Họ thấy chị trượt chân ngã. Họ bảo chị không biết đi. Vậy theo em chị có biết đi không?". Phóng viên nói: “Dạ có”. Ca sĩ kết luận luôn: “Đó là câu trả lời cho câu hỏi chị có biết hát hay không”.
Câu trả lời thiếu suy nghĩ của Hoàng Thùy Linh sẽ "đeo bám" cô dài dài!
Trước một câu hỏi đơn giản mà bất kì ca sĩ nào cũng phải đối mặt như “chuẩn bị cho việc hát live ra sao”, thì Hoàng Thùy Linh lại lựa chọn cách “xù lông” và làm lộ ra rằng, đây chính là điểm yếu, hoặc có thể là một nỗi ám ảnh với cô từ lâu.
Nhưng Hoàng Thùy Linh không phải là người duy nhất “nhạy cảm” với 2 chữ “hát live” tại Vpop.
Đây là một thực tế đã không còn xa lạ ở nhạc Việt: nhiều ca sĩ không đủ năng lực để thể hiện chính đứa con tinh thần của họ vốn rất được lòng biết bao khán giả. Độ nổi tiếng bây giờ không đi đôi với trình độ. Nói về tranh cãi giọng hát live, chúng ta có thể kể ra một hàng dài những cái tên như: Hương Giang, AMEE, Jack, Bích Phương, Quân AP, Bảo Anh… hay thậm chí là Hà Anh Tuấn cũng có những lúc vấp váp.
đến cả Hà Anh Tuấn dạo gần đây cũng đối diện nhiều lời chê về lời hát.
Thế nhưng sau nhiều tháng năm, có người đã chứng minh được sự tiến bộ rõ rệt, có những người thì tiến bộ một cách chậm chạp khiến khán giả buộc phải rất thắc mắc. Đâu mới là giá trị cốt lõi của 1 người nghệ sĩ.
Ở những trị trường như Hàn, Nhật, Trung – nơi họ đã xây dựng một văn hoá đi xem idol diễn chứ không phải đi nghe idol hát, thì hai khái niệm ca sĩ và idol vốn tách bạch. Đã là ca sĩ thì phải liệu hồn hát cho thật hay, hát live sao cho tốt, còn về idol thì tiêu chuẩn giọng hát được “dễ thở” hơn, vì idol còn cần chú trọng những yếu tố khác như nhảy, visual, cách hành xử hay cá tính riêng biệt thu hút fan.
Ở Việt Nam, chúng ta vẫn còn nhập nhằng giữa khái niệm idol (dù không ít khán giả vẫn quen miệng gọi ca sĩ mình yêu thích là idol) lẫn người trình diễn (entertainer) và dòng ca sĩ theo trường phái thực lực. Vậy nên những ca sĩ trẻ chọn phát triển ở những thể loại nhạc sôi động như Hoàng Thuỳ Linh, Jack hay Sơn Tùng, MONO… tất cả đều bị đặt ở tiêu chuẩn kép: vừa phải hát live đủ tốt, vừa phải trình diễn đủ bắt mắt.
Sơn Tùng cũng là "nạn nhân" của tiêu chuẩn kép.
Khán giả nghe nhạc trên mạng nhiều rồi, điều họ mong muốn khi bỏ tiền, bỏ sức ra đến một liveshow đâu phải chỉ để xem ca sĩ nhảy. Việc sử dụng backtrack để trợ lực trong việc hát live là điều mà phần lớn các ca sĩ đều làm. Nhưng phần trăm backtrack và giọng hát thật đè lên ra sao thì người ca sĩ cần phải biết kiểm soát. Hát live tốt là chuyên môn nghề nghiệp của ca sĩ, là một trong những việc họ cần chịu trách nhiệm trước khán giả.
Mặt trái của “make up” giọng hát quá đà
Nhạc số lên ngôi, dẫn đến lượt streaming trở thành tiêu chí đánh giá mức độ lan tỏa và sự thành công của sản phẩm. Lượt xem/nghe đã trở thành mục tiêu chung của nhiều người trẻ khi đến với âm nhạc: có bản hit triệu view chứ không phải là kỹ năng hát điêu luyện.
Không thể phủ nhận nhiều ca sĩ đang gặp thứ áp lực phải ra sản phẩm liên tục để cho khán giả không quên lãng mình, dẫn đến việc các bạn bỏ qua phần luyện tập, trau dồi thêm về kĩ thuật. Các bạn quan niệm rằng chỉ cần có nhạc, còn giọng hát sẽ có kỹ thuật phòng thu giúp đỡ.
Chi Pu sở hữu giọng hát bị "makeup" quá đà.
Vậy nên cứ thế, nhạc Việt nhan nhản những bản thu long lanh nối tiếp nhau ra đời nhưng tới khi ca sĩ ra sân khấu trình diễn live thì khán giả mới “hỡi ôi hết hồn”. Người nghe nhạc bây giờ đã văn minh, nhưng cũng khắt khe hơn. Họ sẽ có phản ứng gay gắt với những phần chênh lệch quá lớn giữa hai bản thu âm và trình diễn live.
Trong kỷ nguyên của công nghệ, âm nhạc cũng như những tấm hình selfie, bạn có thể căn chỉnh thoải mái để che lấp những khiếm khuyết. Cái được của việc này là ai cũng có thể dễ dàng bước vào phòng thu để có cho mình một phần thể hiện (có vẻ) trọn vẹn, nhưng trên sân khấu hát trực tiếp, thật khó để che giấu sự thiếu sót. Đó là mặt trái của “make up” giọng hát quá đà.
AMEE sở hữu giọng ở studio rất dễ chịu nhưng nhiều lần tạo ý kiến trái chiều với giọng hát live.
Hiện nay, dưới sự hậu thuẫn của công nghệ chỉnh giọng, người người nhà nhà kéo nhau đi làm ca sĩ. Từ một cái tên lạ hoắc bất kỳ hay hiện tượng mạng, TikToker, Vlogger, YouTuber cho đến hoa hậu, người mẫu, diễn viên..., ai nấy cũng tự tin lấn sân sang ca hát và thứ tài sản quen thuộc lớn nhất mà họ có được, thật quen thuộc, đó là "một tình yêu cháy bỏng dành cho âm nhạc".
Suốt nhiều năm qua, khán giả đã quen dần với sự xuất hiện của những ca sĩ phòng thu. Sau khi gây chú ý bằng một bản hit trên không gian số, họ mang lại nỗi thất vọng khi trình diễn ca khúc ấy trên sân khấu.
Còn trường hợp của Hoàng Thuỳ Linh, giọng hát của cô phiên bản đã được xử lý bởi kỹ thuật phòng thu tạo càng nhiều ấn tượng, thì sự chờ đợi, kỳ vọng khi xem cô hát trực tiếp sẽ càng cao.
Giọng hát của Hoàng Thùy Linh bị chỉnh rất nhiều để "ướm vừa" những sản phẩm có production phức tạp trong 2 album HOÀNG và LINK.
Giá trị cốt lõi của một nghệ sĩ đâu chỉ nằm ở sản phẩm, nó còn nằm ở việc bạn trình bày tác phẩm của mình ra sao trước công chúng nữa. Không thể phủ nhận các ca sĩ trẻ hiện nay đang làm tốt mặt sản phẩm và điều đó đã mang lại cho họ giá trị thương mại to lớn: catse cao ngất ngưởng, lực lượng fan hùng hậu… Nhưng vì sao các ca sĩ trẻ này khi mở liveshow, sức mua vé từ khán giả có thể không tốt bằng những ca sĩ hệ thực lực dù ít view hơn?
Bởi vì phần đa các ca sĩ trẻ chỉ làm tốt về mặt sản phẩm còn mặt biểu diễn chúng trên sân khấu thì chưa đạt sự tương xứng. Khi hát live đã trở thành một trong những điều được khán giả giờ đây quan tâm hơn cả, dễ thấy vì sao các show giải trí như Ca sĩ mặt nạ dù giấu danh tính ca sĩ, chỉ còn mỗi giọng hát lại trở nên được yêu thích như thế. Hay cả việc những sân khấu ca nhạc ngoài trở phổ biến rộng khắp từ TP.HCM đến Đà Lạt, Đà Nẵng, Phú Quốc, Nha Trang… đã cho thấy nhu cầu nghe hát trực tiếp của khán giả đã và đang tăng mạnh hơn bao giờ hết. Và việc họ quan tâm đến giọng hát live của ca sĩ, đó nên là một tín hiệu tích cực cho cả một nền âm nhạc, thay vì là nỗi mặc cảm của một vài cái tên cứ mãi ngủ quên trên chiến thắng!
Jack nhận về chỉ trích rất nhiều về giọng hát live.