Cái chết bi thảm của Gaddafi ảnh hưởng thế nào đến quyết định của Triều Tiên về vũ khí hạt nhân?

Tất Đạt |

Bình Nhưỡng có lí do rất rõ ràng khi e ngại về lời cam kết "có cánh" của Mỹ và đặc biệt là mô hình giải trừ hạt nhân theo cách mà Libya đã thực hiện.

Hôm 16/5 vừa qua, khi Bình Nhưỡng đột ngột đe dọa hủy bỏ cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử với Mỹ, nước này đã nhiều lần nhắc lại số phận của một quốc gia khác, một vị lãnh đạo khác ở cách Triều Tiên nửa vòng Trái đất như một "tấm gương" điển hình để giải thích tại sao không ai nên tin tưởng vào lời hứa giải trừ hạt nhân của Mỹ.

Quốc gia đó là Libya, và vị lãnh đạo là Đại tá Muammar al-Gaddafi - người từng đặc cược vào thỏa thuận giải trừ chương trình hạt nhân sơ khai của Libya để đổi lấy lợi ích kinh tế với phương Tây. Cam kết này đã bị chính quyền Tổng thống George W. Bush khai tử 15 năm trước, và để lại dấu ấn không mấy tốt đẹp trong lịch sử đối ngoại của nước Mỹ.

Hiện tại, đây cũng là bài học lớn cho người dân Triều Tiên.

Kế hoạch gặp mặt vào ngày 12/6 giữa tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un được cho là tín hiệu lạc quan, cơ hội giúp giải tỏa mọi căng thẳng và mâu thuẫn giữa Triều Tiên và Mỹ.

Nhưng John R. Bolton - cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, người từng xây dựng thỏa thuận Libya - lại quả quyết áp dụng mô hình tương tự với Triều Tiên, tức là giải trừ hoàn toàn vũ khí hạt nhân để đổi lại lợi ích kinh tế.

Đáp lại tham vọng ấy của ông Bolton, Triều Tiên đã buông lời đe dọa, và gọi đó là "mô hình giải trừ hạt nhân kiểu Libya".

Bình Nhưỡng có lí do rất rõ ràng khi e ngại về lời cam kết "có cánh" của Mỹ.

Chuyện gì đã xảy ra ở Libya?

Cái chết bi thảm của Gaddafi ảnh hưởng thế nào đến quyết định của Triều Tiên về vũ khí hạt nhân? - Ảnh 1.

Cựu lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi. Ảnh: US Navy

Năm 2003, Đại tá Gaddafi chứng kiến quân đội Mỹ tràn vào Iraq và kết án tử hình ông Saddam Hussein. Lo rằng mình sẽ là người tiếp theo phải hứng chịu đòn trừng phạt từ Mỹ, ông Gaddafi đã tình nguyện đồng thuận giao nộp lại mọi trang thiết bị Libya mua được từ A. Q. Khan, một thủ lĩnh trong chương trình hạt nhân của Pakistan.

Các nguyên liệu thô của Libya bắt đầu được chuyển ra nước ngoài, đa phần tập trung tại phòng thí nghiệm vũ khí của Mỹ tại thành phố Oak Ridge, bang Tennessee.

Năm đó, khi tổng thống Mỹ George W. Bush thông báo về thỏa thuận, ông đã ẩn ý tới Triều Tiên và Iran trong câu nói: "Tôi hi vọng các nhà lãnh đạo khác sẽ noi gương Libya".

Nhưng chuyện xảy ra ít lâu sau đó mới là những gì ông Kim Jong Un đang e ngại.

Mỹ và các đồng minh châu Âu bắt đầu tấn công quân sự nhằm vào Libya vào năm 2011 với lí do ngăn cản Đại tá Gaddafi đe dọa thảm sát dân thường. Tổng thống Mỹ bấy giờ là Barack Obama đã đồng ý cho quân đội Mỹ tham gia chiến dịch do châu Âu dẫn đầu.

Đặt trong bối cảnh Mỹ muốn thuyết phục tất cả các quốc gia giải trừ hạt nhân, việc tấn công quân sự Libya đã gửi một thông điệp không hề tích cực tới những nước khác trên thế giới.

Tận dụng cơ hội, các phe nổi dậy chống chính phủ truy đuổi Đại tá Gaddafi, nhiều tháng sau đó bắt được người đàn ông này trong một đường cống bê tông và hạ sát. Từ khi đó, đất nước Libya chìm trong rối ren, bất ổn và khổ cực.

Triều Tiên rõ ràng nhận thức rất rõ bài học này.

Nỗi sợ trở thành Libya của Triều Tiên

Cố vấn An ninh Mỹ John Bolton: Mỹ đang cân nhắc áp dụng "mô hình Libya" đối với Triều Tiên

Có thể thấy, Triều Tiên lo sợ đi vào "vết xe đổ" của Libya, - hay cụ thể hơn, nhà lãnh đạo Kim Jong Un có thể sẽ bị sát hại giống như ông Gaddafi. Đây là yếu tố quan trọng trong đường lối và suy nghĩ của Bình Nhưỡng về chương trình vũ khí hạt nhân của nước này trong nhiều năm qua.

Năm 2011, sau khi Mỹ và đồng minh không kích Libya, Ngoại trưởng Triều Tiên nói việc giải trừ hạt nhân ở Libya là "chiến thuật xâm lược có tính toán" của Mỹ.

Sau khi ông Gaddafi qua đời, Triều Tiên khẳng định nếu nhà lãnh đạo này không từ bỏ chương trình hạt nhân, có thể ông vẫn sẽ còn sống.

Năm 2016, ít lâu sau khi Triều Tiên thực hiện cuộc thử nghiệm hạt nhân, hãng thông tấn trung ương KCNA nhắc lại bài học Libya và Iraq một cách trực tiếp: "Lịch sử đã chứng tỏ rằng vũ khí hạt nhân là thanh bảo kiếm quý giá nhất để xua đuổi 'những thế lực' bên ngoài".

"Chính quyền ông Saddam Hussein ở Iraq và chính quyền ông Gaddafi tại Libya không thể thoát khỏi số phận bị hủy diệt sau khi từ bỏ chương trình phát triển hạt nhân của họ".

Nhưng Triều Tiên cũng chỉ ra sự khác biệt rõ ràng giữa nước này và hai "tấm gương" mà họ đề cập. Trong phát ngôn hôm 16/5, Bình Nhưỡng khẳng định Triều Tiên sẽ không sụp đổ như Iraq hay Libya - những quốc gia từng "lụi tàn sau khi đem tất cả quân át chủ bài của họ giao nộp cho các cường quốc khác."

Bên cạnh đó, Triều Tiên còn khẳng định họ đã có được thành tựu mà Đại tá Gaddafi chưa bao giờ đạt được: đó là trở thành một quốc gia hạt nhân.

Không giống như Triều Tiên, Libya không phải là quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân. Trong cuộc thanh sát năm 2003, các chuyên gia Mỹ đã phát hiện Libya có các máy ly tâm có thể được dùng cho mục đích làm giàu uranium - nguyên liệu cho bom hạt nhân.

"Thật kì quặc khi so sánh Triều Tiên - một quốc gia hạt nhân - với Libya - một quốc gia mới chỉ chập chững những bước đầu trong chương trình hạt nhân," KCNA nói.

Bình Nhưỡng đã thử nghiệm bom hạt nhân 6 lần, và các cơ quan tình báo Mỹ tin rằng Triều Tiên còn khoảng 20 tới 60 quả bom khác, chưa kể tới hàng loạt tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có khả năng tấn công trực tiếp lãnh thổ Mỹ.

Nhà Trắng nói gì về mô hình Libya?

Trong những bài trả lời phỏng vấn trên truyền hình sau khi trở thành cố vấn an ninh quốc gia, ông Bolton đã khẳng định việc phi hạt nhân hóa Libya là hình thức ông muốn áp dụng với bàn đàm phán Triều Tiên.

"Chúng tôi dự định sẽ áp dụng mô hình Libya từ năm 2003, 2004. Có nhiều điểm khác biệt khá rõ ràng. Chương trình hạt nhân của Libya nhỏ hơn nhiều, nhưng về cơ bản thì đó mô hình chúng tôi sẽ sử dụng."

Khi một phóng viên hỏi thư kí báo chí Nhà Trắng Sarah Huckabee Sanders về vấn đề này, bà đáp: "Tôi chưa được xem qua bất kì phần nào của thỏa thuận, và tôi cũng không chắc đây là mô hình mà chúng tôi sẽ sử dụng. Chưa ai biết cả."

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại