Nửa năm thời tiết cực đoan trên thế giới

Nguyễn Mai |

Chỉ mới 6 tháng, thế giới đã chứng kiến nhiều kiểu thời tiết cực đoan xảy ra liên tiếp. Những hình thái thời tiết khắc nghiệt này đang tác động lớn đến nhiều quốc gia.

Những thảm họa thiên nhiên nghiêm trọng từ đầu năm

Theo thống kê của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA), một loạt thảm họa môi trường đã xảy ra trên thế giới bắt đầu từ những ngày đầu tiên của năm 2022, bao gồm mưa lớn và lũ lụt ở Brazil, Iran và Madagascar; tuyết rơi dày ở Thổ Nhĩ Kỳ, Pakistan và Mỹ; cháy rừng ở Tây Ban Nha và Argentina cũng như núi lửa phun trào ở Ecuador và quốc gia Tonga ở Thái Bình Dương.

Tháng 1

Sau một tuần nắng nóng kỷ lục, lực lượng cứu hỏa ở miền bắc Tây Ban Nha đã phải vật lộn để dập tắt đám cháy rừng bùng phát, báo hiệu một năm nắng nóng đến sớm với quốc gia Châu Âu này.

Nửa năm thời tiết cực đoan trên thế giới - Ảnh 1.

Tuyết rơi phủ kín đường phố New York, Mỹ. Ảnh: Reuters.

Một vùng rộng lớn của Bờ Đông nước Mỹ bị ảnh hưởng bởi một cơn bão mùa đông mang theo lượng tuyết rơi đáng kể ở nhiều bang, bao gồm cả thủ đô Washington D.C.

Nửa năm thời tiết cực đoan trên thế giới - Ảnh 2.

Người dân ở Itambe, bang Bahia, Brazil thu dọn sau khi lũ lụt đi qua. Ảnh: CNN

Số người chết vì mưa lớn và lũ lụt ở bang Bahia, đông bắc Brazil tăng lên 26 người, với 715.634 người bị ảnh hưởng.

Nửa năm thời tiết cực đoan trên thế giới - Ảnh 3.

Cảnh báo tuyết rơi dày ở trung tâm thủ đô Tokyo, Nhật Bản được đưa ra sau 4 năm. Ảnh: The Japan Times

Hàng trăm người phải nhập viện sau khi thủ đô Tokyo của Nhật Bản đón lượng tuyết rơi dày nhất trong 4 năm.

Bão nhiệt đới Ana khiến 19 người thiệt mạng và hàng nghìn gia đình ở miền nam Malawi phải di dời.

Tháng 2

Nửa năm thời tiết cực đoan trên thế giới - Ảnh 4.

Người dân thủ đô Antananarivo được đưa đến các khu tránh trú tạm thời. Ảnh: Reuters.

Bão nhiệt đới Batsirai đổ bộ vào bờ biển phía Đông của Madagascar trong đêm, khiến ít nhất 96 người thiệt mạng và gần 50.000 người phải di tản.

Cháy rừng hoành hành ở Kenya, phá hủy 550 hecta rừng Aberdare, một trong những khu vực chứa nước quan trọng nhất của quốc gia Đông Phi này.

Nửa năm thời tiết cực đoan trên thế giới - Ảnh 5.

Bão Eunice quét qua nhiều quốc gia châu Âu. Ảnh: BBC

Bão Eunice cướp đi sinh mạng của 4 người và làm bị thương 9 người khác ở Ba Lan, đồng thời làm mất điện gần 400.000 ngôi nhà.

Tháng 3

Đám mây bụi ở Sahara bao phủ bán đảo Iberia, nhuộm bầu trời trên khắp Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha thành màu đỏ cam.

Nửa năm thời tiết cực đoan trên thế giới - Ảnh 7.

Bầu trời màu cam được nhìn thấy ở Navares, đông nam Tây Ban Nha. Ảnh: Euronews

Hàng nghìn người phải sơ tán khỏi nhà sau khi núi lửa Taal của Philippines tung tro bụi và hơi nước cao hàng trăm mét lên bầu trời.

Nửa năm thời tiết cực đoan trên thế giới - Ảnh 8.

50.000 người dân Philippines đã được sơ tán do lo ngại núi lửa phun trào. Ảnh: Reuters

Tháng 4

Mưa lớn gây lũ lụt ở tỉnh KwaZulu-Natal ven biển phía đông Nam Phi khiến 443 người thiệt mạng, nhiều nhà cửa và đường xá bị hư hại nặng.

Nửa năm thời tiết cực đoan trên thế giới - Ảnh 9.

Lực lượng cứu hộ tìm kiếm các thi thể bị thiệt mạng do bão lũ trên sông Umzinyathi. Ảnh: Reuters

Số người thiệt mạng và mất tích do cơn bão nhiệt đới Megi đổ bộ vào Philippines lần lượt là 224 và 147 người.

Nửa năm thời tiết cực đoan trên thế giới - Ảnh 10.

Một ngôi trường bị nhấn chìm bởi nước lũ ở tỉnh Leyte, miền nam Philippines, vào ngày 11 tháng 4, sau trận mưa lớn do cơn bão nhiệt đới Megi mang lại. Ảnh: CNN

Tháng 5

Ít nhất một người thiệt mạng và hơn 5.000 người phải điều trị các vấn đề về hô hấp sau khi một trận bão cát mạnh quét qua Iraq.

Nửa năm thời tiết cực đoan trên thế giới - Ảnh 11.

Các trường học, văn phòng tại Baghdad tạm thời đóng cửa. Sân bay Quốc tế Baghdad ngừng nhiều chuyến bay do bão cát. Ảnh: Reuters

Hơn 100 người thiệt mạng và hơn 600.000 người phải di dời khi mưa lớn đổ xuống nhiều vùng khác nhau của Ấn Độ.

Nửa năm thời tiết cực đoan trên thế giới - Ảnh 12.

Hàng nghìn người dân Ấn Độ vẫn mắc kẹt trong vùng lũ chờ được cứu trợ. Ảnh: Reuters

Tháng 6

Mưa lớn gây lũ lụt trên 1/4 lãnh thổ Bangladesh. 4 triệu người, trong đó có 1,6 triệu trẻ em, bị mắc kẹt do lũ lụt tại khu vực Đông Bắc nước này đang cần giúp đỡ khẩn cấp.

Nửa năm thời tiết cực đoan trên thế giới - Ảnh 13.

Khoảng 3,5 triệu trẻ em Bangladesh không có nước sạch để uống do lũ lụt. Ảnh: Reuters

Nhiều khu vực ở miền Nam Trung Quốc ghi nhận những trận lũ lịch sử khi mưa lớn đẩy mực nước ở vùng châu thổ Châu Giang lên mức cao nhất trong gần một thế kỷ. Hàng trăm nghìn người đã được sơ tán khỏi những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, trong đó có tỉnh Quảng Đông, tỉnh Giang Tây, tỉnh Hồ Nam.

Nửa năm thời tiết cực đoan trên thế giới - Ảnh 14.

Lính cứu hỏa chạy đua với thời gian để giải cứu hàng chục nghìn người mắc kẹt tại rốn lũ Giang Tây. Ảnh: Reuters.

Nguyên nhân vì sao thế giới lại chịu thời tiết cực đoan

Các nhà khoa học công bố một nghiên cứu cho thấy, đợt nắng nóng ở Nam Á có khả năng xảy ra cao hơn 30 lần do tác động của con người đến khí hậu. Tiến sĩ Vikki Thompson, nhà khoa học chuyên nghiên cứu khí hậu tại Viện Đại học Bristol’s Cabot, Anh giải thích rằng: "Biến đổi khí hậu đang làm cho các đợt sóng nhiệt nóng hơn và kéo dài hơn trên khắp thế giới".

Nửa năm thời tiết cực đoan trên thế giới - Ảnh 15.

Nhiệt độ tăng cao ở hầu hết các quốc gia. Ảnh: UN

Giáo sư Friederike Otto, giảng viên cao cấp về Khoa học khí hậu tại Viện Grantham, Đại học Hoàng gia London nhận định rằng chỉ riêng các đợt nắng nóng ở Châu Âu đã tăng tần suất gấp 100 lần hoặc hơn, do hành động của con người trong việc phát thải khí nhà kính vào bầu khí quyển.

Thời tiết nóng là một vòng tròn luẩn quẩn. Bởi khi con người sử dụng các thiết bị làm mát như quạt điện và máy điều hòa, chúng sẽ tiêu thụ nhiều điện năng và thải ra nhiều khí gây hiệu ứng nhà kính. Những khí này sẽ khiến nhiệt độ trái đất nóng lên. Và khi đó, con người lại càng phải sử dụng thiết bị làm mát nhiều hơn. Rõ ràng, những hành động của con người hiện nay giống như đứng trên một thảm than đang cháy nhưng lại bật thêm quạt vậy.

Nắng nóng sẽ là vấn đề "bình thường mới"?

Với chu kỳ vài năm một lần, hiện tượng El Nino gây nên tình trạng nước biển ấm lên khu vực biển Thái Bình Dương ở phía Bắc Peru, từ đó chuyển biến thành hiện tượng thời tiết cực đoan gây mưa lớn kéo dài và hạn hán tại nhiều vùng của đất nước này.

Nửa năm thời tiết cực đoan trên thế giới - Ảnh 16.

Nhiều người dân Peru buộc phải rời bỏ nhà cửa vì tác động của thiên tai. Ảnh: Reuters

Vào năm 2017 thuộc giai đoạn 5 năm nóng nhất được ghi nhận trên Trái Đất, Peru là quốc gia đặc biệt phải hứng chịu "cơn thịnh nộ" từ El Nino. Những trận mưa như trút nước cùng lũ quét nghiêm trọng đã cướp đi sinh mạng của hơn 100 người dân nước này và theo Tổ chức Di cư quốc tế (IOM), thiên tai đã buộc khoảng 300.000 người dân nước này, tương đương 1% dân số, rời bỏ nhà cửa lánh nạn.

Một bài báo nghiên cứu năm 2019 được xuất bản trên tạp chí khoa học PNAS cho biết hiện tượng El Nino vốn gây ảnh hưởng nặng nề nhất cho các nước khu vực xích đạo, đã gây hậu quả nặng nề hơn từ những năm 70 của thế kỷ trước do tình trạng nước biển khu vực phía Tây của Thái Bình Dương ấm lên. Nghiên cứu khi đó đã cảnh báo nếu tình trạng này còn tái diễn, El Nino sẽ xảy ra thường xuyên hơn và gây hậu quả kinh tế-xã hội không lường.

Theo báo cáo năm 2021, việc rời bỏ nhà cửa lánh nạn do thiên tai có thể gây ra một số tổn hại về tâm lý xã hội đối với những người mất kế sinh nhai và tài sản của họ, trong đó có nhà cửa. Có 20% trong tổng số người phải di tản sau El Nino năm 2017, đến nay vẫn chưa được tiếp cận nước sinh hoạt và có gần 50% người bị sang chấn tâm lý.

IOM cảnh báo trong thời gian tới, áp lực di tản sẽ con tăng cao hơn nữa khi các thảm họa thiên tai tái diễn với mức độ nghiêm trọng hơn và sẽ có thêm nhiều gia đình "tay trắng" rời khỏi nhà cửa và bắt đầu một cuộc sống khó khăn và đầy thiếu thốn ở nơi hẻo lánh

Nửa năm thời tiết cực đoan trên thế giới - Ảnh 17.

Quạt trở thành vật bất ly thân của người dân nhiều nước Châu Âu trong mùa hè. Ảnh AFP

Trong khi đó tại Châu Âu, Tây Ban Nha đã chứng kiến nhiệt kế chỉ 40 độ C vào đầu tháng 6. Mức nhiệt ghi nhận được ở London, Anh giữa tháng 6 là 32 độ C – ngày nóng nhất trong năm cho đến nay, trong khi mùa hè sớm đã khiến cho vùng Saint-Jean-de-Minervois, cách thủ đô Paris, Pháp gần 800km về phía Nam có lúc ghi nhận mức nhiệt 40 độ C.

Người dân Châu Âu tập quen với việc mua quạt và điều hòa – những vật dụng vốn chẳng cần đến vào thời gian này trong năm ở xứ ôn đới. Nắng nóng cũng biến những công viên, đài phun nước và quán cà phê trở thành nơi giải nhiệt ưa thích của dân địa phương và du khách.

Các nỗ lực của chính phủ

Hồi tháng 3 vừa qua, Bộ Công tác xã hội Indonesia đã đầu tư xây dựng tổng cộng 854 ngôi làng thích ứng thiên tai (KSB) và 208 điểm tránh trú cộng đồng tại một số khu vực dễ bị tổn thương; lập bản đồ tài nguyên, nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng có thể được sử dụng khi xảy ra thiên tai. Những ngôi làng thích ứng thiên tai này được bố trí tại 34 tỉnh thành trên khắp cả nước, trong đó tập trung nhiều nhất tại tỉnh Tây Java. Ngoài ra, nhằm hỗ trợ việc xử lý thiên tai, Bộ Công tác xã hội phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan cũng đầu tư xây dựng các điểm tránh trú tại các khu vực thường xuyên bị thiên tai.

Tại Đức, giới chức nước này sẽ xem xét khả năng điều tra tội ngộ sát đối với giới chức trách tại khu vực để xảy ra thiệt hại lớn về người và của do thiên tai. Quy định được đưa ra sau khi trận lũ lớn hồi tháng 7/2021 quét qua khu vực Tây Bắc nước này khiến khoảng 186 người thiệt mạng, 26 người mất tích và 766 người bị thương. Tổn thất lớn như vậy khiến dư luận đặt câu hỏi liệu nhà chức trách có hành động kịp thời để cảnh báo người dân trước khi xảy ra thiên tai hay không. Sau thảm họa thiên tai nêu trên, nhiều địa phương ở bang Rheinland-Palatinate yêu cầu thiết lập một hệ thống cảnh báo với các cột còi báo động mới. Theo các địa phương, hệ thống báo động số sẽ không có tác dụng nếu chuông bị tắt, do vậy cần có hệ thống còi báo động tập trung theo điểm để cảnh báo mọi người dân, kể cả trong trường hợp xảy ra các sự cố khác, như bị tấn công bằng vũ khí nguyên tử, vũ khí hóa học...

Ngày Khí tượng thế giới 2022 "Cảnh báo sớm để hành động sớm"

Mục tiêu của Ngày khí tượng thế giới năm nay, các quốc gia đều nhất trí rằng để giảm nhẹ biến đổi khí hậu thì thích ứng với biến đổi khí hậu là ưu tiên hàng đầu. Hệ thống cảnh báo sớm được cho là một giải pháp thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu. Thông qua các siêu máy tính, khoa học và vệ tinh đã giúp làm tăng tính chính xác của các bản tin dự báo. Những bản tin cảnh báo trên điện thoại di động và các ứng dụng thời tiết cần được đưa đến các vùng sâu, vùng xa để tiếp cận được nhiều người dân hơn.

Liên hợp quốc cảnh báo thế giới sẽ phải đối mặt với khoảng 560 thảm họa mỗi năm vào năm 2030. Theo con số này, thì cứ mỗi tuần, thế giới lại hứng chịu hơn 10 thảm họa thiên nhiên.

Thiên tai thường xuyên sẽ làm tăng thêm gánh nặng nghèo đói trên thế giới. Theo ước tính, sẽ có thêm 37,6 triệu người sống trong điều kiện cực kỳ nghèo đói do tác động của biến đổi khí hậu và thiên tai vào năm 2030. Còn "trong trường hợp xấu nhất", con số này có thể lên tới 100,7 triệu người.

Khoảng 90% các nước có nguy cơ cao là các nước có thu nhập trung bình và thấp hơn, với tỷ lệ nghèo trung bình trên toàn quốc là 34%. Trong khi đó, các quốc gia được cho là có "rủi ro thấp" là những nước có tỷ lệ nghèo dưới 1%.

Thiên tai là điều con người không thể kiểm soát được, nhưng hoàn toàn có thể chuẩn bị kỹ để đối phó và giảm thiểu những tác động đối với cuộc sống của những khu vực bị ảnh hưởng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại