KỶ LUẬT 91 CÁN BỘ DIỆN TRUNG ƯƠNG QUẢN LÝ TRONG NỬA ĐẦU NHIỆM KỲ
Trong nửa đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII, đã có hơn 1000 tổ chức đảng và gần 52 nghìn đảng viên bị thi hànah kỷ luật. Trong đó có 91 cán bộ diện Trung ương quản lý. Riêng án tham nhũng khởi tố mới là hơn 1.300 vụ với 3.500 bị can (tăng hơn 2 lần về số vụ và hơn 3 lần về số bị can so với nửa đầu nhiệm kỳ trước).
Đặc biệt, cơ quan chức năng đã điều tra, truy tố, xét xử vắng mặt cả những đối tượng bỏ trốn. Đồng thời, kiên quyết xử lý trách nhiệm chính trị người đứng đầu trong việc để xảy ra vi phạm, khuyết điểm trong lĩnh vực được phân công quản lý, phụ trách….
Điều này cho thấy, công cuộc chống "giặc nội xâm" tiếp tục được Đảng lãnh đạo, chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt, đạt nhiều kết quả toàn diện và có bước đột phá mới ở cả Trung ương và địa phương.
Cách đây ít ngày, cơ quan an ninh điều tra ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam với Vũ Hồng Quang - cựu Phó trưởng Phòng vận tải hàng không, Cục Hàng không Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải cùng với 4 bị can khác về tôi "Đưa hối lộ". Đây là diễn biến mới trong quá trình điều tra giai đoạn 2 vụ án "chuyến bay giải cứu".
Trước đó, ở giai đoạn 1 của vụ án, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội đã xét xử và tuyên phạt 54 bị cáo các mức án nghiêm khắc.
Trong đó, tuyên phạt chung thân đối với 4 bị cáo: Phạm Trung Kiên (cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế), Nguyễn Thị Hương Lan (cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao), Vũ Anh Tuấn (cựu cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an); và Hoàng Văn Hưng (cựu Trưởng phòng 5, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an).
Bị cáo Tô Anh Dũng (cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao) bị tuyên phạt 16 năm tù, bị cáo Nguyễn Anh Tuấn (cựu phó giám đốc Công an thành phố Hà Nội) nhận án 5 năm tù.
Trong vụ án này, có 54 bị cáo, thì 25 bị cáo là cựu quan chức, cán bộ ở nhiều bộ ngành đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, nhận hối lộ số tiền gần 165 tỉ đồng. Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng được xử lý trong thời gian vừa qua.
Trong nửa đầu nhiệm kỳ, các cơ quan chức năng đã khởi tố, điều tra hơn 9000 vụ án và 18 nghìn bị can về các tội tham nhũng, kinh tế, chức vụ. Riêng án thuộc Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng tiêu cực theo dõi, chỉ đạo đã khởi tố điều tra 31 cán bộ diện Trung ương quản lý cả đương chức và nghỉ hưu (tăng hơn 1,5 lần so với cả nhiệm kỳ trước).
Trong nửa đầu nhiệm kỳ, cũng đã có hơn 1000 tổ chức đảng và gần 52 nghìn đảng viên bị thi hành kỷ luật, (tăng gấp 2 lần về số tổ chức đảng và hơn 1,5 lần về số đảng viên so với cùng kỳ của nhiệm kỳ trước).
Trong đó, có 91 cán bộ diện Trung ương quản lý, gồm: 6 Bộ trưởng, Nguyên Bộ trưởng; 8 Bí thư, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy, 18 Thứ trưởng, nguyên thứ trưởng; 25 Chủ tịch, nguyên chủ tịch UBND tỉnh, thành phố.... Theo Ủy ban Kiểm tra Trung ương, có tới 80% là liên quan đến các vụ việc tồn đọng đã lâu, thậm chí có nhưng vụ từ năm 2005. Chính điều này thể hiện sự kiên quyết, kiên trì trong đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước ta.
"Công tác phát hiện và xử lý tham nhũng đã được thực hiện bài bản, đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả, tạo bước đột phá trong công tác tham nhũng, tiêu cực, khẳng định quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta là ‘Không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai và không chịu sức ép của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào’".
TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN PHÚ TRỌNG
"TRỐN CŨNG KHÔNG THOÁT"
"Không bỏ lọt tội phạm", "Khó mấy cũng làm" là tinh thần được người đứng đầu của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh nhiều lần trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Kể cả với những tội phạm có bỏ trốn ra nước ngoài cũng không thể thoát. Đây cũng là dấu ấn nổi bật trong công tác đấu tranh chống tham nhũng tiêu cực nửa đầu nhiệm kỳ vừa qua.
Theo tinh thần "trốn cũng không thoát", các cơ quan tư pháp đã tiến hành xét xử vắng mặt các đối tượng trong các vụ án tham nhũng, kinh tế.
Đơn cử như trong vụ án xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Công ty AIC và các đơn vị liên quan.
Quang cảnh phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai và Công ty AIC. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)
Toàn bộ diễn biến điều tra, truy tố, xét xử vụ án chỉ mất 6 tháng, nhanh nhất từ trước đến nay. Dù trong vụ án này, có những bị cáo vắng mặt, song các cơ quan tố tụng đã phối hợp chặt chẽ, giúp đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử.
Với sự phối hợp chặt chẽ, các cơ quan tố tụng đã tiến hành điều tra, truy tố, xét xử vắng mặt các bị can, bị cáo đang bỏ trốn. Điều này được pháp luật Nhà nước Việt Nam cho phép. Dù đối tượng có bỏ trốn nhưng chứng cứ phạm tội rõ ràng thì vẫn đủ điều kiện để xét xử và tuyên án.
"Khi anh chỉ là đối tượng truy nã thôi, chưa có bản án thì rất khó khăn trong hợp tác tư pháp quốc tế. Nhưng khi anh đã là tội phạm, vì bản án đã tuyên có hiệu lực pháp luật, nhất là tội phạm liên quan đến tham nhũng, kinh tế thì thế giới này không nước nào dung tha".
- ÔNG NGUYỄN VĂN YÊN, PHÓ TRƯỞNG BAN NỘI CHÍNH TRUNG ƯƠNG -
KIÊN QUYẾT XỬ LÝ TRÁCH NHIỆM CHÍNH TRỊ NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU
Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nửa đầu nhiệm kỳ đã đạt được nhiều kết quả toàn diện, có bước đột phá. Cách làm ngày càng bài bản, có lớp lang, có bước tiến mạnh hơn, hiệu quả hơn. Điều khiến dư luận đồng thuận và ủng hộ cao đối với công cuộc này của Đảng, đó là ngoài việc xử lý kiên quyết, nghiêm minh sai phạm, thì quan điểm của Đảng, mà đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đó là xử lý mang tính nhân văn.
Bởi mục đích lớn nhất của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là để xây dựng, chỉnh đốn Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, nâng cao sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin của nhân dân, chứ không phải cốt để kỷ luật nhiều người, khởi tố nhiều người.
Một minh chứng từ Đại án Việt Á. Đại án này gồm 33 vụ án, trên 111 bị can, và 6 tội danh được đưa ra. Các vụ án này đến nay cơ bản đã kết thúc giai đoạn điều tra. Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã cho chủ trương Phân loại xử lý đối tượng. Đây được cho là cách làm mang tính khoa học, biện chứng và rất nhân văn.
Đại án Việt Á gồm 33 vụ án, trên 111 bị can, và 6 tội danh được đưa ra
Một trong những điểm mới và cũng là điểm đột phá trong công tác đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực vừa qua, đó là Đảng đã kiên quyết xử lý trách nhiệm chính trị người đứng đầu trong việc để xảy ra vi phạm, khuyết điểm trong lĩnh vực được phân công quản lý, phụ trách, trên cơ sở đó, khuyến khích cán bộ tự giác nhận khuyết điểm, từ chức, xin thôi chức vụ, nghỉ công tác. Đảng, Nhà nước đã xem xét cho thôi chức vụ, nghỉ công tác, bố trí công tác khác với 15 đồng chí cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có cả cán bộ cấp cao. Còn ở các địa phương, cũng đã cho từ chức, miễn nhiệm, bố trí công tác khác với 150 cán bộ sau khi bị kỷ luật, trong đó có 65 cán bộ diện tỉnh ủy, thành ủy quản lý.
"Chúng ta gắn liền với trách nhiệm của người đứng đầu với công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, quản lý cơ quan đơn vị thế nào mà để xảy ra tham nhũng, tiêu cực. Gắn với điều này thì có khái niệm mới là ‘trách nhiệm chính trị’. Trách nhiệm chính trị gắn liền với trách nhiệm Đảng viên, của người đứng đầu, nếu để cấp dưới vi phạm thì họ phải chịu trách nhiệm đầu tiên".
PGS. TS NGUYỄN NGỌC ĐÀO, Học viện Hành chính Quốc gia
CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG THAM NHŨNG TẠO THÊM NIỀM TIN VÀO VAI TRÒ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG
Công tác phòng chống tham nhũng tiêu cực trong nhiệm kỳ này, tiếp tục được lãnh đạo, chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ, kịp thời, đạt nhiều kết quả toàn diện, có nhiều bước đột phá ở cả trung ương và địa phương.
Không chỉ được dư luận trong nước đồng tình ủng hộ mà còn được các tổ chức quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Chỉ số cảm nhận tham nhũng CPI năm 2022 tăng 3 điểm so với năm 2021, đạt 42/100 điểm, tiến 10 bậc, từ vị trí 87 lên xếp thứ 77/180 quốc gia và vùng lãnh thổ; tăng 46 bậc so với giai đoạn 2012 - 2022.
Những kết quả vừa qua là minh chứng rõ nét của Đảng trong cuộc chiến chống giặc nội xâm. Nói đi đôi với làm, và làm có hiệu quả. Kết quả này cũng cho thấy vai trò của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng tiêu cực. Ban chỉ đạo đang khẳng định vai trò lịch sử của mình.
Phát huy những kết quả đã đạt được trong nhiệm kỳ trước, nửa đầu nhiệm kỳ này, công tác phòng chống tham nhũng có nhiều chủ trương, cách làm mới, quyết liệt và hiệu quả hơn, tạo được sự lãnh đạo tập trung, thống nhất. Trong đó, Ban Chỉ đạo được bổ sung chức năng cả phòng chống tham nhũng và phòng chống tiêu cực; Tiếp đó, là thành lập và triển khai hoạt động có hiệu quả Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh, khắc phục tình trạng "trên nóng dưới lạnh" trong phòng chống tham nhũng tiêu cực ở các địa phương. Cùng với đó nhiều cơ chế mới đảm bảo đồng bộ, hiệu quả trong công tác phát hiện và xử lý tham nhũng, tiêu cực.
Những kết quả của công tác phòng chống tham nhũng được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân đánh giá rất cao.
Nửa nhiệm kỳ đã trôi qua, dù đất nước phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, tác động từ bên ngoài. Nhưng công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng tiêu cực vẫn không ngừng, không nghỉ. Điều ấy càng tạo thêm niềm tin của người dân và cộng đồng quốc tế vào vai trò lãnh đạo của Đảng.