“Nữ tướng” ngành bán lẻ và nỗi lo sợ bị tụt hậu trước “sóng” 4.0

Huyền Trâm |

"Tôi có cảm giác khi không có sự chuẩn bị trước thì rất có thể sẽ bị chậm, tụt hậu", Chủ tịch FPT Retail chia sẻ.

Chính phủ thời gian qua đã rất chú trọng trong việc hoàn thiện môi trường kinh doanh, trong đó coi kinh tế tư nhân là lực lượng nòng cốt. Các doanh nhân cảm nhận, đánh giá ra sao về môi trường đầu tư của Việt Nam hiện nay, xu hướng đầu tư của doanh nghiệp ra sao cũng như văn hóa doanh nghiệp được tạo dựng sẽ là gì…

Nhân dịp Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, BizLIVE đã có buổi trò chuyện với bà Nguyễn Bạch Điệp, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc CTCP FPT Retail xoay quanh những vấn đề trên.

Bà có nhận định gì về môi trường kinh doanh hiện nay, nhất là tác động từ cách mạng 4.0?

Thực sự chưa năm nào tôi cảm nhận nó rõ rệt về tác động của 4.0 như năm nay. Có thể những năm trước vẫn còn nhìn thấy cách kinh doanh truyền thống chiếm ưu thế, vẫn có thể còn hơi đủng đỉnh và vẫn nghe 4.0, trí tuệ nhân tạo còn hơi xa xa, mông lung chưa cảm giác được nhiều nhưng năm nay không thể tưởng tượng nhanh như vậy. Tôi có cảm giác khi không có sự chuẩn bị trước thì rất có thể sẽ bị chậm, tụt hậu.

Nhất là thời gian qua, cuộc cách mạng công nghệ 4.0 vào Việt Nam khiến cho phong trào khởi nghiệp với nhiều ý tưởng mới càng lúc càng nhiều. Chúng ta có thấy nhiều công ty mới ra đời thành công, ý tưởng hay dựa trên nền 4.0 một cách rõ ràng. Đã có sự đổi ngôi do chuyện 4.0 mang lại. Theo đó tôi nhận thấy 4.0 là quan trọng thời điểm này mà nếu DN không để ý, không theo kịp thì chắc chắn DN bị đào thải ngay. Chuyện này nghiêm trọng chứ không đùa!

Vậy FPT Retail có những thay đổi gì để theo kịp xu hướng 4.0, thưa bà?

FPT Retail nằm dưới tập đoàn FPT. Ngay từ năm ngoái, lãnh đạo tập đoàn đã gây “sức ép” cho các công ty thành viên phải chuẩn bị cho việc này, đã “nhồi” vào đầu mọi người phải thế này thế kia. Theo đó các bước chuẩn bị được đưa ra.

Công ty đã phối hợp với ban công nghệ của tập đoàn và đưa một số ứng dụng của công nghệ vào. Ví dụ ứng dụng về chatbox. Cho đến giờ này call center của FRT sử dụng chatbox để trả lời, trang bán hàng online hiện có đến 70% câu hỏi của khách hàng hỏi về sản phẩm, khuyến mãi đã do máy trả lời. Theo đó DN tiết kiệm được về nguồn lực.

Kế đến, sau 6 năm thành lập FPT Retail có khoảng 11 triệu khách hàng định danh trước đây nằm rải rác và chưa được khai thác. Hiện công ty đã hoàn thành một big data và khai thác dữ liệu này để phân tích nhóm đối tượng khách hàng phục vụ cá thể hóa nhu cầu từng khách hàng, phân tích được họ thích gì, mua gì… và còn nhiều thứ khác được nghiên cứu thời gian tới.

Bà có đánh giá gì về sự phát triển cũng như vai trò của khối kinh tế tư nhân hiện nay?

Giống như công nghệ 4.0, gần đây môi trường kinh doanh Việt Nam đã dễ thở hơn rất nhiều. Tức khi kinh doanh cảm thấy mình kinh doanh một cách đường đường chính chính, chịu khó đầu tư, nhiệt huyệt thì chẳng ai cản trở mình cả. Cửa hàng vẫn phát triển, DN vẫn tăng trưởng, nhà đầu tư họ vẫn đến đầu tư được. Tóm lại mọi thứ tốt hơn rất nhiều so với trước đây.

Về tinh thần khởi nghiệp được đẩy mạnh, Chính phủ quan tâm và bắt đầu mình nhìn thấy môi trường kinh doanh Việt Nam đã được cải thiện nhiều so với trước đây. Cho nên khối kinh tế tư nhân rõ ràng Chính phủ nhìn thấy là một yếu tố quan trọng và hiệu quả, càng tăng trưởng mạnh khối đó đất nước càng giàu mạnh. Đó là điểm Chính phủ đã nhìn thấy được và đã thực hiện cải thiện nhiều thứ để tạo điều kiện cho các DN phát triển. Nhìn các nước khác cũng vậy, khối kinh tế tư nhân cũng là “lead” nền kinh tế, VN cũng vậy.

Tất nhiên trong quá trình cải tổ chắc chắn còn nhiều vấn đề, chuyện về cơ chế, chính sách, quy trình còn nhiều điểm chưa thuận lợi, nhiêu khê, qua nhiều cửa xin phép, chồng chéo nhiều thứ nhưng nếu so với trước đây đã tốt hơn rất nhiều.

FPT Retail mới lên sàn, dấu mốc này của doanh nghiệp mang lại cho bà những trải nghiệm nào?

Việc cổ phiếu FRT lên sàn đối với tôi là một trải nghiệm mới trong quá trình làm việc 20 năm ở FPT, sau khi làm qua nhiều công ty với nhiều vị trí trong tập đoàn nhưng là lần đầu tiên phải “lead” một công ty lên sàn như này.

Nó có những điểm hay và cũng có những vất vả, dĩ nhiên việc lên sàn giúp cho DN minh bạch, áp lực phải công bố thông tin, gặp gỡ nhà đầu tư, trả lời những câu hỏi, giải đáp thắc mắc từ góc nhìn của chuyên gia kinh tế, nhà đầu tư. Nó làm cho mình cảm thấy một sự sĩ diện khi mình làm không tốt, trả lời không được hoặc nhà đầu tư họ nhìn thấy tiền đầu tư vào một DN như này lại không được tốt, họ đánh giá những năm trước tốt nhưng lên sàn lại không tốt nữa, mình sẽ cảm thấy bị quê lắm. Điều này nó làm cho mình có động lực đẩy hoạt động kinh doanh và gây cho tôi áp lực nhiều hơn.

Đổi lại chính từ những áp lực đấy tôi nhìn thấy những vấn đề trong DN của mình và phải có cách thức làm việc chuyên nghiệp hơn, giúp cải tổ hoạt động của DN một cách lành mạnh.

 “Nữ tướng” ngành bán lẻ và nỗi lo sợ bị tụt hậu trước “sóng” 4.0  - Ảnh 1.

Bà Điệp bất ngờ trước sự quan tâm của giới đầu tư tới DN sau khi lên sàn.

Thực sự dù không quá bất ngờ nhưng việc lên sàn cũng hơi khác so với hình dung bởi việc gặp gỡ giới đầu tư chiếm rất nhiều thời gian. Nhiều nhà đầu tư họ quan tâm, gặp gỡ và yêu cầu được trao đổi tìm hiểu. Các nhà đầu tư mỗi người nhìn ở góc độ khác nhau, nhiều câu hỏi khác nhau khiến mình khá bất ngờ.

Quan điểm của bà về hoạt động mua bán sáp nhập doanh nghiệp đang diễn ra mạnh mẽ hiện nay?

Đây chắc chắn là xu thế, quan điểm cá lớn nuốt cá bé chỉ đúng một phần bởi có những chuyện đơn giản với một DN họ kinh doanh nhiều lĩnh vực khác nhau, họ giữ mảng cốt lõi và cắt bớt lĩnh vực không cốt lõi bằng cách bán bớt, điều này liên quan tới chiến lược của DN, nó không chỉ là vấn đề tiêu cực khi thực hiện M&A. Nhìn nhận hướng đó thì thấy chuyện rất bình thường.

Với FRT cũng vậy, là doanh nghiệp làm bán lẻ chúng tôi xác định cốt lõi của DN là khả năng quản trị, còn sản phẩm không quá quan trọng. Tức một khi anh có khả năng quản trị, hiểu được người tiêu dùng thì mình có thể bước chân vào nhiều lĩnh vực khác nhau của bán lẻ. Và cách bước chân vào lĩnh vực mới thì M&A là cách rất hiệu quả. Thay vì mình vào và tự may mò mất một khoảng thời gian làm quen, học hỏi để hiểu được thị trường thì việc M&A một DN có sẵn nào đó phù hợp với mục tiêu của DN để nhanh chóng hiểu được thị trường, hiểu mảng kinh doanh mới là đáng nên làm. Trường hợp “lấn sân” sang dược phẩm mà FRT tham gia vừa qua cũng là vì vậy.

Bà có thể chia sẻ văn hóa doanh nghiệp mà công ty hướng đến?

Văn hóa DN không đến mức cao siêu, chỉ gói gọn 3 giá trị cốt lõi chúng tôi muốn hình thành. Điều đầu tiên là tôn trọng phục vì khách hàng. Trước đây, khi điều hành, nghĩ ra một quy trình thường có khuynh hướng bảo vệ cty, sau này phải thay đổi văn hóa đó. Khi đưa ra quy trình nếu thay đổi có ảnh hưởng tới khách hàng hay không.

Thứ hai đối với nhân viên phải trung thực, tôi muốn xây dựng một văn hóa trung thực trong công ty. Trung thực và team work là yếu tố mình rất chú trọng xây dựng bởi khi quản lý 6000 nhân viên ở 63 tỉnh thành, rất lâu mình mới gặp được các nhân viên nếu họ không trung thực, họ đem hàng bên ngoài vào bán, hoặc lừa dối khách hàng thì rõ ràng những việc như thế sẽ làm cho công ty bị chết đi. Cho nên tính trung thực là yếu tố rất quan trọng.

Thứ ba là nhận trách nhiệm. Vì hầu hết khi không làm tốt việc gì đấy thường có khuynh hướng giải thích, giải trình nên mình muốn mọi người giảm bớt việc này đi. Tất nhiên cái gì cũng có nguyên nhân lý do nhưng nếu suốt ngày chỉ nghĩ đến nguyên nhân lý do mà không nghĩ đến giải pháp thì không giải quyết được vấn đề gì. Nên trước mắt nếu không hoàn thành bạn nhận trách nhiệm đã sau đó cam kết các bước kế tiếp của bạn làm gì cho việc đó, tức là giải pháp quan trọng hơn.

Xin cảm ơn bà!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại