Chị Quách Mỹ Linh đã bán mũ tại chợ Bà Chiểu, TP.HCM được gần 3 thập kỷ. Nhưng sau khi Việt Nam phong tỏa thành phố để ngăn chặn sự lây lan của Covid-19, người phụ nữ 42 tuổi đã chuyển sang làm mặt nạ bằng nhựa ngăn giọt bắn tặng các nhân viên y tế tuyến đầu chống dịch Covid-19.
"Tôi đã từng là một bệnh nhân và tôi cảm thấy như gia đình tôi nợ các bác sĩ rất nhiều", chị Linh nói. Vài năm trước, chị đã điều trị tại bệnh viện vì một căn bệnh liên quan đến máu.
Tuần trước, Việt Nam đã bắt đầu một chiến dịch giãn cách xã hội (social distancing) kéo dài 15 ngày để làm chậm sự lây lan của virus. Điều này đã khiến hầu hết các doanh nghiệp không thiết yếu phải đóng cửa, bao gồm cả quầy hàng của chị Linh.
Theo Bộ Y tế, Việt Nam đã có 241 trường hợp nhiễm virus Covid-19 và chưa có trường hợp tử vong nào được báo cáo. Công tác chống dịch mạnh mẽ và kế hoạch kiểm dịch hàng loạt đã giúp Việt Nam duy trì số ca nhiễm ở mức thấp so với các quốc gia khác.
Khi lệnh phong tỏa bắt đầu, chị Linh tập hợp một nhóm các thành viên gia đình, bạn bè và những người bán hàng rong để bắt đầu làm các mặt nạ chắn giọt bắn. Những chiếc mặt nạ này có thể được đeo cùng với khẩu trang để bảo vệ nhân viên y tế tốt hơn khỏi những giọt nhỏ chứa virus do bệnh nhân nhiễm bệnh tiết ra.
Chỉ trong vài ngày, chị Linh và nhóm tình nguyện viên của cô đã làm ra được gần 1.000 chiếc mặt nạ che mặt. Chị đã đem chúng tới tặng cho ít nhất ba bệnh viện gần đó. Dựa trên kinh nghiệm bán mũ lâu năm của mình, chị cho biết đã lót một lớp đệm mềm vào mỗi chiếc mặt nạ để giúp các bác sĩ khi đeo thấy thoải mái hơn. Chị đã xem các báo cáo truyền thông của các bác sĩ ở Hoa Kỳ và tham khảo ý kiến một người bạn làm y tá ở đó để hoàn thiện thiết kế chiếc mặt nạ.