Nữ thủ lĩnh người Chứt dưới đỉnh Ka Đay

​Hoài Nam |

Bước sang tuổi 32, Hồ Thị Kiên đã có thâm niên hơn 5 năm làm trưởng bản của đồng bào người Chứt tại Rào Tre (xã Hương Liên, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh). Chị là nữ “thủ lĩnh” đầu tiên phá lệ làng khi bỏ lại lời thề thiêng nơi hốc đá, nuôi giấc mơ “vượt núi” mà tổ tiên mình chưa hề nghĩ tới.

Nữ trưởng bản tiên phong xóa hủ tục

Tôi tìm đến bản Rào Tre khi mặt trời vượt đỉnh Ka Đay, dưới nắng vàng ngày cuối năm, khi người Chứt đang say sưa trang hoàng lại nhà cửa để chuẩn bị chào đón một năm mới. Sau 30 năm được phát hiện trong hang đá và đưa ra định cư hòa nhập với cộng đồng, hôm nay Rào Tre đã có những gam màu sáng. Từ trong ánh mắt người mẹ Chứt lộ rõ niềm vui, hạnh phúc khi lần lượt sinh ra những đứa trẻ trong cuộc hôn nhân không cận huyết. Nơi bản Rào Tre có 43 hộ dân, nhắc đến tên trưởng bản Hồ Kiên từ già đến trẻ, ai cũng gật gù khen “nó còn ít tuổi mà hay đáo để”. Cái hay của chị Kiên khiến mọi người kính nể, bởi chị biết cái chữ, biết làm kinh tế, nói gì dân bản đều nghe.

"Qua sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, cán bộ biên phòng, chị Kiên đã tổ chức họp được dân, hướng dẫn chị em phụ nữ công tác kế hoạch hóa gia đình, chỉ cho dân cách trồng lúa nước… Đây là những việc làm nổi bật mà các vị trưởng bản trước đó của người Chứt chưa làm được".

Trung tá Nguyễn Văn Thiên

Căn nhà sàn Hồ Kiên còn thơm mùi mới, nằm khép mình dưới dãy núi Ka Đay, phía trước là thượng nguồn sông Ngàn Sâu. Nhà rộng chừng 50m2, mọi thứ được sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp. Người phụ nữ với nước da ngăm đen, dáng người nhỏ bé vừa dọn dẹp vừa nói: “Vì trưởng bản nên phải làm gương, chứ còn ít tuổi, nói người già ở bản không ai nghe. Muốn dân nuôi lợn, trồng rau, gieo mạ được mình cũng phải làm để họ thấy từ đó mới làm theo”. Trẻ tuổi, lại là phụ nữ nên việc giữ chức trưởng bản với Hồ Kiên được xem là trường hợp hi hữu, từ trước tới nay của đồng bào Chứt. Bởi lẽ, việc chọn “thủ lĩnh” của bộ tộc này phải là những già làng, thông thạo ngõ ngách núi rừng, giỏi săn bắt, hái lượm, am hiểu ma chay. Còn với người trẻ như Hồ Kiên, không ai nghĩ có ngày chị lại trở thành trưởng bản của đồng bào còn lắm hủ tục.

Nữ thủ lĩnh người Chứt dưới đỉnh Ka Đay - Ảnh 2.

Nữ trưởng bản Hồ Kiên - “thủ lĩnh” trẻ tuổi bên nếp nhà sàn nơi bản Rào Tre

Hồ Kiên vốn được sinh ra trong hang đá ở nơi thâm sơn cùng cốc. Sau khi được phát hiện và đưa ra hòa nhập chị là một trong những đứa trẻ đầu tiên hiếm hoi ở đây được tiếp cận con chữ, biết đọc, biết viết. Kiên trở nên nổi bật giữa bản làng khi được ra ngoài giao lưu, tiếp cận được với nền văn hóa mà người Chứt từng xem là “khác lạ”. Năm 19 tuổi, Kiên nên duyên với chàng trai cùng bản, lần lượt sinh được hai con. Trong thời gian vừa làm vợ, làm mẹ, chị tích cực tham gia nhiều hoạt động cùng lực lượng bộ đội cắm bản, học hỏi cách chăn nuôi, trồng trọt. Có chút ít kinh nghiệm, cô gái Chứt cùng chồng khai hoang trồng rau, cây ăn quả, thả lợn trên mảnh đất cằn. Những đàn gà, đàn lợn mỗi ngày một tăng thêm số lượng, vừa đủ ăn, vừa bán cho bà con khiến người dân ở bản trầm trồ khen ngợi.

Giữa năm 2015, được sự vận động của UBND xã Hương Liên và Tổ công tác cắm bản Rào Tre (Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh), người Chứt đã “phá lệ”, chọn Hồ Kiên làm trưởng bản. Và chị trở thành nữ trưởng bản trẻ tuổi đầu tiên của người Chứt khi vừa tròn 27 tuổi. Nữ trưởng bản kể, thời gian đầu nhận nhiệm vụ, chị gặp không ít khó khăn, áp lực. Bởi trước khi được bộ đội đưa ra khỏi rừng sâu, người Chứt vẫn giữ hủ tục truyền thống như hôn nhân cận huyết, tin vào con ma rừng, tin lời Giàng bắt tội… Chính vì nhận thức của người Chứt chưa thay đổi, nên khi Hồ Kiên tuyên truyền về hôn nhân cận huyết hay không được sinh con ngoài bờ suối, bị bệnh nên đến trạm xá thì người Chứt không ưng bụng, cho rằng Hồ Kiên phản bội lại lệ luật mà người Chứt đặt ra. “Buồn nhất là có những thời điểm đang họp nửa chừng nhiều cụ già làng bỏ về vì cho rằng tôi phải bội lề luật. Họ vẫn khăng khăng khi bệnh phải tìm thầy mo, vẫn tin vào con ma rừng bắt tội”, Hồ Kiên bày tỏ.

Ngọn đuốc sáng dưới đỉnh Ka Ðay

Trước khi được đưa ra nơi ở mới, tộc người Chứt chuyên sống du canh, du cư tại các địa bàn rẻo cao của huyện Hương Khê trong điều kiện thiếu thốn trăm bề. Họ không biết mặc quần áo, nam nữ đều che mình bằng vỏ cây rừng. Họ sinh hoạt trong hang sâu, thức ăn chủ yếu là tôm cá dưới suối, thú hoang trên rừng và bột cây báng. Sau hàng chục năm được định cư về nơi ở mới, khác với những ánh mắt ái ngại thì người Chứt đã chủ động hỏi chuyện. Đằng sau mỗi câu chuyện khó nghe được diễn tả bằng cả tiếng Việt lẫn tiếng Chứt là tiếng cười giòn tan vang lên trong niềm vui sướng của bọn trẻ.

Nữ thủ lĩnh người Chứt dưới đỉnh Ka Đay - Ảnh 4.

Một góc bản Rào Tre nơi có 43 hộ dân sinh sống

Nhớ lại thời gian mới làm trưởng bản, Hồ Kiên nhận thấy đồng bào mình vẫn mang nặng quan niệm cũ, lạc hậu như “Đông con hơn đông của”, “Đói ăn thì chết chứ đói chữ chẳng sao”; “Trọng thầy cúng hơn thầy thuốc”, do đó chị kiên trì tuyên truyền để thay đổi dần các hủ tục lạc hậu. Đưa ra minh chứng sinh động ngay tại nơi mình sinh sống để người ở làng nhìn thấy. “Phải mắt thấy tai nghe thì đồng bào mới tin những gì mình nói và làm theo” chị Kiên bày tỏ. Theo chị Kiên, muốn xóa bỏ hủ tục phải cho họ thấy được hiểm họa đang đe dọa dân làng. Những năm trước, trai gái chỉ quanh quẩn ở bản nên anh em họ lấy nhau nhiều. Nhưng 5 năm nay không có tình trạng hôn nhân cận huyết. Nhiều cặp vợ chồng là người trong bản và người Kinh nên duyên sau tác hợp của chính quyền địa phương và bộ đội biên phòng.

Trải qua thời gian dài, nhưng chị Kiên vẫn còn bị ám ảnh bởi những hủ tục của dân tộc mình thời đang ở trong rừng sâu. Ngoài hôn nhân cận huyết người Chứt quan niệm con nai, con hoẵng sinh ra đã tự biết đi nên những đứa trẻ Chứt cũng phải làm được như thế. Chính vì vậy, không ít đứa trẻ khi vừa mới lọt lòng mẹ đã phải bỏ mạng nơi núi rừng. Hướng mắt về bên kia dãy đồi, Hồ Kiên thở phào: “Người Chứt giờ đã hiểu, cứ quanh quẩn trong cái xó nhà sàn này thì cái nghèo sẽ đuổi bám mãi. Thế nên trai, gái trong bản đến tuổi học xong thì đi làm xa cả rồi. Ở đây, trẻ đến tuổi là vào lớp, ai cũng biết cái chữ”. Điều khiến chị Kiên lo lắng nhất hiện tại là việc dựng vợ, gả chồng cho các em trong bản. Bởi tại bản, tỷ lệ nam nữ chênh lệch quá nhiều, có 13 nam nhưng chỉ có 3 nữ. Vì thế nguy cơ hôn nhân cận huyết có thể tái diễn nếu như không tìm được hướng mới.

Ở bản Rào Tre, đến nay có tới 6 người được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Khi được hỏi về việc làm cụ thể của nữ trưởng bản, cụ Hồ Thị Sen nói: “Ưng cái bụng lắm, bởi ngày nào hắn cũng dậy sớm, đến từng nhà gọi bà con cùng đi làm ruộng. Con cái của hắn, đứa nào cũng được đến lớp, ngoan ngoãn, sạch sẽ. Trông ưng mắt lắm”. Trung tá Nguyễn Văn Thiên - cán bộ Biên phòng Bản Giàng (Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh) nói, trưởng bản Hồ Kiên là một trong những cá nhân tiêu biểu cùng giúp bộ đội tuyên truyền những cách làm kinh tế hay, xóa bỏ những hủ tục lạc hậu của người Chứt tồn tại bao đời nay. Hiện tại nhiều hộ dân có ý thức biết rào vườn để trồng rau, trồng chuối, làm chuồng, biết làm kinh tế tăng gia sản xuất.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại