Nữ tài xế từng trả tiền lẻ qua trạm thu phí QL5 nói bị 1 người "dọa, gọi là người cầm đầu"

Hoàng Đan |

"Khi tôi nói không cầm đầu mà tôi trả tiền lẻ là đúng pháp luật và việc này nhằm phản đối thu phí bất hợp lý thì họ không nói gì nữa", chị P. chia sẻ.

Nữ tài xế trả tiền lẻ nói bị gọi điện dọa

Liên tiếp trong chiều tối 4-5/9, tại trạm thu phí số 1 Quốc lộ 5 đoạn qua huyện Văn Lâm, Hưng Yên nhiều tài xế xe tải sử dụng tiền lẻ mua vé qua trạm gây ùn tắc giao thông.

Trong một diễn biến khác, chị Mai P., người trả tiền lẻ khi đi qua trạm thu phí số 1 Quốc lộ 5 vào chiều 28/8 cho hay, trong chiều 4/9, chị nhận được một cuộc gọi từ số di động với giọng đàn ông dọa không được tiếp tục tham gia cùng với các tài xế trả tiền lẻ qua trạm này.

"Người này cho rằng tôi là người cầm đầu việc trả tiền lẻ và còn biết cả nơi tôi làm việc. Họ dọa, yêu cầu tôi không được tiếp tục tham gia cùng với các tài xế trả tiền lẻ khi qua trạm, đồng thời, nói sẽ đến gặp. Thực sự tôi cũng rất lo vì không biết thế nào", chị Mai P. chia sẻ.

Chị P. cho biết thêm, tối 5/9, chị có liên lạc lại với số điện thoại này và tiếp tục được người chủ số này nói chị "là người cầm đầu".

"Khi tôi nói không cầm đầu mà tôi trả tiền lẻ là đúng pháp luật và việc này nhằm phản đối thu phí bất hợp lý thì họ không nói gì nữa. Tôi cũng đang tính nhờ cơ quan chức năng điều tra giúp", chị P. nêu rõ.

Phải chi thêm 300 - 400 triệu/tháng

Chia sẻ với chúng tôi, nhiều lái xe cho rằng, việc họ dùng tiền lẻ để trả phí là do quá bức xúc với việc thu phí của các trạm thu phí trên Quốc lộ 5 cũng như mức giá phí đang quá cao tại đây, trung bình từ 40.000 - 180.000 đồng/lượt, tùy loại xe.

Các lái xe bày tỏ, dù phí thu cao nhưng thực tế tình trạng đường 5 hiện nay nhiều đoạn đã và đang bị xuống cấp, ồ gà, lươn rãnh.

Nữ tài xế từng trả tiền lẻ qua trạm thu phí QL5 nói bị 1 người dọa, gọi là người cầm đầu - Ảnh 1.

Người dân tập trung phản đối tại trạm thu phí vào chiều 4/9.

"Chúng tôi trả tiền lẻ, phản đối thu phí ở trạm này là vì mức phí quá cao trong khi đường thì xuống cấp, nhiều rãnh ổ, không tương xứng với tiền bỏ ra", anh Phong, một lái xe ở Hưng Yên nói.

Ông Phạm Đức Chính, Giám đốc Công ty TNHH TM Đức Chính cho rằng, việc nhiều lái xe của công ty dùng tiền mệnh giá 200, 500 đồng mua vé là muốn phản đối trạm thu phí một cách có văn hóa, lịch sự mà không vi phạm pháp luật.

"Chúng tôi đưa cho lái xe tiền lẻ để họ qua trạm thu phí số 1 Quốc lộ 5 và việc này chỉ mang tính kéo dài thời gian và có thể gây tắc đường chứ không ảnh hưởng đến ai cả.

Pháp luật Việt Nam không cấm sử dụng tiền lẻ để trả phí đường. Tôi luôn quán triệt đội lái xe là phải lịch sự, tươi cười, không vi phạm pháp luật, không làm gì quá đáng", ông Chính nói.

Theo ông Chính, năm 2013, bắt đầu thu phí bảo trì đường bộ và hai trạm thu phí Quán Toan (Hải Phòng) và Văn Lâm (Hưng Yên) trên Quốc lộ 5 đã thu từ năm 1998 nên lẽ ra phải bỏ hai trạm đó đi.

"Nếu có thu thì thu bằng mức phí cũ thôi để có kinh phí duy tu, bảo dưỡng. Nhưng bây giờ tăng phí xe con gấp 4 lần và tăng phí xe đầu kéo gần 3 lần như vậy là mức phí rất bất hợp lý.

Chưa kể, làm đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng thì đâu có liên quan đến đường này mà lại lấy tiền thu phí ở đây hỗ trợ sang đó. Người dân có quyền lựa chọn đường đi còn không thể thu phí như thế", ông Chính nêu.

Vị Giám đốc này cũng nhấn mạnh, với mức phí hiện nay so mức phí cũ thì với 60 đầu xe tải chở hàng, mỗi tháng công ty ông phải chi thêm từ 300 - 400 triệu đồng.

"Việc thu phí cao cũng khiến lái xe tìm cách đi đường tránh né trạm khiến nhiều đường dân sinh bị phá hỏng, dân ở ven đường bị ảnh hưởng đến an toàn tính mạng do nguy cơ tai nạn giao thông cao.

Thêm vào đó, chất lượng đường 5 hiện nay nhiều đoạn họ cào để tạo nhám rất lâu nhưng chưa thấy làm. Đường xuống cấp, ổ gà, lươn rãnh nhiều mà chưa thấy làm lại và thực tế, có làm lại thì mức phí như thế này vẫn rất cao so với sức chịu của doanh nghiệp vận tải.

Chúng tôi mong muốn Chính phủ rà soát lại kỹ những trạm thu phí quốc lộ để công bằng với người dân", ông Chính nêu ý kiến.

Một lái xe ở Hải Dương cũng cho biết, trước khi đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng được thông xe thì mức thu phí ở đường Quốc lộ 5 chỉ là 10.000 đồng nhưng sau khi thông xe, mức phí bị đẩy lên 45.000 đồng sau đó, xuống 40.000 đồng với các loại xe dưới 12 chỗ.

"Tôi là dân ở Văn Lâm, cứ mỗi ngày mà vòng qua đây 2 lượt là tôi mất đến 80.000 đồng trong khi trước đây có 20.000 đồng. Nói là thu hỗ trợ cho đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng nhưng tôi có đi đường đó đâu. Việc thu như vậy là không hợp lý, không công bằng.

Tiền phí tăng nên chúng tôi lại phải tăng thêm tiền với khách đi xe nhưng có người không biết, họ không không đi, như thế ảnh hưởng rất nhiều", anh Toản, một lái xe taxi ở Văn Lâm bày tỏ.

Nhiều lái xe khẳng định, nếu các cơ quan chức năng không có chính sách cụ thể thì trong vài ngày tới họ sẽ xem xét việc tiếp tục thực hiện trả tiền lẻ để phản đối mức thu phí này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại