Nữ tài xế hóa điên sau kỳ án “xe điên”

Bùi Yên – Đức Tùng |

Khoảnh khắc 17h15’ ngày 4/9/2013, chiếc xe tiền tỷ “nhập Mỹ” Toyota Venza đang dừng chờ đèn xanh tại ngã tư Trần Nhân Tông - phố Huế - Trần Xuân Soạn (ngã tư chợ Hôm, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) bất ngờ “lồng lên” đâm một loạt người rồi lật ngửa, rất nhiều số phận đã thay đổi mãi mãi. Nạn nhân Ngô Thị Côi (SN 1957) tử vong. Tài xế Lê Hoàng Linh (SN 1991, ngụ số 6 Nguyễn Bỉnh Khiêm) sau 8 năm xảy ra vụ án thì sảy thai, hóa điên vì cho rằng chịu nỗi oan khuất, cho rằng nguyên nhân chính gây ra tai nạn là bản thân chiếc “xe điên”.

Vợ hóa điên, nhiều năm nay ông Cương đâm đơn các nơi đề nghị làm rõ sự việc “xe điên”.

Vợ hóa điên, nhiều năm nay ông Cương đâm đơn các nơi đề nghị làm rõ sự việc “xe điên”.

Vụ án xôn xao dư luận 8 năm nay vẫn âm ỉ những khúc mắc. Người đại diện và bị cáo nhận lỗi không có giấy phép lái xe (GPLX), nhưng vẫn kiên quyết đề nghị cơ quan chức năng làm rõ chiếc xe có bị kẹt chân ga hay không? Người phụ nữ uất ức đến sảy đứa con, nhiều năm nay nhập viện tâm thần, đã là một “bản án”; trong khi nghi vấn “xe điên” vẫn chưa được làm rõ. Vì vậy xem xét lại vụ án theo thủ tục tái thẩm là điều cần thiết phải làm.

Vội quy buộc toàn bộ lỗi cho tài xế?

Theo Bản án phúc thẩm 336/2018/HSPT ngày 6/6/2018 của TAND Hà Nội, chiều 4/9/2013, ông Lê Văn Cương (SN 1971, ngụ quận Hoàn Kiếm) lái ô tô Toyota Venza BKS 30V-7142 chở vợ Lê Hoàng Linh đến nhà bố vợ chơi. Ông Cương để lại chìa khóa ô tô trên bàn, lấy xe máy đi công việc.

Lúc này, bà Linh rủ một người chị ra chợ mua đồ ăn, lấy chìa khóa ô tô của chồng đi. “Tới ngã tư Trần Nhân Tông - phố Huế - Trần Xuân Soạn đèn tín hiệu giao thông báo đỏ. Linh dừng xe.

Khi đèn tín hiệu giao thông chuyển màu xanh, Linh thao tác số để di chuyển thì xe tăng tốc đột ngột” đâm một số người. Xe tiếp tục lao nhanh đâm cột biển báo giao thông, va chạm tiếp một số người. Sau đó xe bị đổ lật ngửa trên vỉa hè phố Trần Xuân Soạn.

Vụ tai nạn khiến bà Côi tử vong tại bệnh viện 18h cùng ngày, một số người bị thương nhẹ, một số xe máy, xe đạp hư hỏng. Hai người ngồi trên xe bị trầy xước nhẹ. Nữ tài xế bị tạm giữ từ 5-10/9/2013.

Ông Cương kể lại, thời điểm cầm lái chiếc xe và xảy ra sự việc trên, vợ ông đang trong khóa học lái xe, chuẩn bị thi lấy GPLX. “Về nguyên tắc, chưa có GPLX thì không được cầm lái, lỗi là ở vợ tôi. Nhưng cô ấy tự tin vì đã thạo lái xe, đã được “dợt” nhiều lần trong bãi tập, cả trên xe số sàn và số tự động, nên mới xảy ra chuyện như vậy”.

Bị cáo Linh bị truy tố ở khoản 2 Điều 202 BLHS 1999, tội “Vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”, đã bồi thường cho phần lớn các nạn nhân.

Ngày 31/8/2017, TAND quận Hai Bà Trưng xử sơ thẩm, nhận định bị cáo có 3 tình tiết giảm nhẹ (tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả; khi phạm tội đang mang thai; thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải) nhưng vẫn tuyên 5 năm 6 tháng tù.

Bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Ngày 6/6/2018, TAND TP Hà Nội tuyên y án sơ thẩm.

Suốt từ khi sự việc xảy ra, rồi quá trình điều tra, xử sơ rồi phúc thẩm, bị cáo và chồng cho rằng ấm ức trước một số cáo buộc của cơ quan tố tụng như “Nguyên nhân và lỗi tai nạn: Linh (...) không giảm tốc độ dẫn đến va chạm” (Trang 18 bản án phúc thẩm); “do không làm chủ tốc độ đã gây tai nạn” (Trang 24 bản án phúc thẩm); “nguyên nhân vụ TNGT là do lỗi của bị cáo”...

Ông Cương cho biết: “Trong sự việc này, vợ tôi có lỗi vì không có GPLX mà vẫn cầm lái. Tuy nhiên, còn “thủ phạm” chính khiến chiếc xe “hóa điên” chồm lên, là lỗi kỹ thuật của chiếc xe. Đây là lỗi của nhiều xe Venza, toàn thế giới đã công bố thông tin chính thức, chiếc xe tôi mua nằm trong lô bị triệu hồi. Tại Việt Nam, tôi cho rằng cũng xảy ra một số trường hợp “xe điên” tương tự. Thế nhưng, ý kiến của chúng tôi không được chấp nhận”.

Vẫn lời ông Cương: “Bản thân cáo buộc của cơ quan tố tụng cũng không chính xác, vì xe đang dừng và bất ngờ tăng tốc, chứ không phải đang chạy gây tai nạn, nên không thể nói “không giảm tốc độ dẫn đến va chạm”.

Bà Linh sau một thời gian uất ức suy nghĩ đã trầm cảm, trụy thai, phải nhập viện tâm thần. Hồ sơ bệnh án cho thấy có những lúc bệnh nhân được bác sĩ tư vấn “tiếp tục điều trị tại cơ sở 24/24h”, khi thuyên giảm mới được cho về nhà giao gia đình quản lý...

Nữ tài xế hóa điên sau kỳ án “xe điên” - Ảnh 1.

Ông Cương cho rằng sau khi gây tai nạn lật ngửa, tấm thảm sàn là thủ phạm khiến chiếc xe “hóa điên” đã rớt đi mất.

Không làm rõ thắc mắc chính đáng của bị cáo

Theo lời vợ chồng ông Cương, trước khi sự việc xảy ra khoảng một tuần, vợ ông đọc báo, giật mình biết ở Mỹ xảy ra hàng loạt vụ tai nạn giao thông do “xe điên” Toyota Venza gây ra. Bà Linh nói với chồng. “Tưởng chuyện chỉ xảy ra ở nước ngoài, ai ngờ rơi đúng đầu mình”, ông Cương thở dài.

Tám năm đã qua, bà Linh vẫn thất thần khi nhớ lại sự việc: “Tôi lúc đó đang mang bầu, khi học lái thầy dặn tuyệt đối không đi giày dép cao gót lúc lái xe, nên đã hình thành thói quen đi chân đất lái xe, dép guốc ném hàng ghế sau.

Đến ngã tư đèn đỏ, tôi chuyển sang chân phanh dừng xe, về số N (số mo). Lúc đèn xanh, tôi vào số D (số tiến), vừa xoay gót rời chân phanh thì xe chồm lên như điên. Tôi chuyển chân đạp phanh thì xe vẫn rồ lên lao về phía trước. Tôi không biết tại sao như vậy. Sự việc chỉ xảy ra ít giây, rồi xe ngửa bụng lên trời”.

Ông Cương, bà Linh cho rằng, sau khi xảy ra sự việc chết người, tìm đọc tin tức và nhờ người biết ngoại ngữ tra cứu trên mạng nước ngoài, mới biết chiếc xe “nhập Mỹ” Toyota Venza BKS 30V-7142, số VIN 4T3ZA3BB2AU020834, sản xuất 2009, thuộc lô xe có lỗi kỹ thuật có thể tăng tốc đột ngột, phải triệu hồi.

Nhận định này càng có căn cứ khi chính bản án phúc thẩm ghi nhận “Linh thao tác số để xe di chuyển thì xe bỗng nhiên lao nhanh về phía trước” (Trang 7 bản án phúc thẩm).

Ông Cương nghi vấn lỗi tăng tốc này đến từ nguyên nhân kẹt thảm sàn (thảm nguyên bản gắn theo xe – NV). Vậy tại sao Kết luận giám định số 3915/C54(P2) ngày 2/1/2014 của Viện KHHS (C54) – Tổng cục Cảnh sát PCTP kết luận “hệ thống phanh của xe còn tác dụng”, “hệ thống ga ở thời điểm kiểm tra hoạt động bình thường”?

Ông Cương cho rằng khi xe “nổi điên” tăng tốc lật ngửa, va chạm cực mạnh, tấm thảm này đã rớt ra. Rồi quá trình mọi người lôi tài xế ra ngoài, cẩu xe về bãi, tấm thảm đã bị thất lạc. “Khi khám nghiệm xe, xe không còn thảm để kẹt, nên chân phanh, chân ga mới hoạt động bình thường”, ông Cương nói.

Ông Cương cho hay: “Từ khi công an điều tra đến khi tòa xử, tôi đều yêu cầu xác minh, điều tra, làm rõ vấn đề này. Tôi đã đề nghị cả trăm lần, khi nào được phát biểu là tôi đòi làm rõ. Nhưng tòa nói không thể qua Mỹ, qua Nhật hỏi được”.

Một điều đáng lưu ý là hai ngày trước khi Viện KHHS có kết luận giám định chiếc xe; thì ngày 31/12/2013, Phòng KTHS (PC54) Công an Hà Nội cũng có Kết luận giám định số 8349/PC54-GĐ, chỉ kết luận các dấu vết trên xe, chứ không đề cập đến vấn đề hệ thống phanh, ga.

Nữ tài xế hóa điên sau kỳ án “xe điên” - Ảnh 2.

Theo ông Cương, chiếc xe “nhập Mỹ” Toyota Venza số VIN 4T3ZA3BB2AU020834, sản xuất 2009, thuộc lô xe có lỗi kỹ thuật có thể tăng tốc đột ngột, phải triệu hồi.

Ông Cương, bà Linh khẳng định, trong vụ án này, điều gây bức xúc nhất cho họ là “chiếc xe điên” và ông bà đã phản ánh cả trăm lần từ khi điều tra đến xét xử. Thế nhưng, trong bản án hoàn toàn không nhắc đến ý kiến này.

Thậm chí bản án lại cho rằng “quá trình điều tra và tại phiên sơ thẩm, bị cáo không có ý kiến hay khiếu nại gì về kết luận giám định của Phòng KTHS Công an Hà Nội” (Trang 20 bản án phúc thẩm). Điều này dễ gây hiểu nhầm rằng ông Cương, bà Linh đồng ý cả kết luận giám định của PC54 và C54.

Ông Cương nói: “Nếu nguyên nhân là do kẹt thảm sàn chân ga thì trách nhiệm hình sự của vợ tôi sẽ giảm đi nhiều và hãng xe không thể nằm ngoài cuộc. Tôi khẳng định vợ tôi có lỗi, nhưng chiếc xe và hãng xe cũng không thể vô can. Tôi muốn làm rõ để vừa bảo vệ vợ tôi, vừa bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam. Nhưng không hiểu sao ý kiến mong mỏi chính đáng của chúng tôi không được điều tra làm rõ?”.

Theo các chuyên gia kỹ thuật, kỹ sư từng nhiều năm làm tại Toyota Việt Nam, ẩn ức 8 năm nay của vợ chồng ông Cương, bà Linh có thuyết phục, có căn cứ hay không? Theo các chuyên gia pháp lý, việc bị cáo có 3 tình tiết giảm nhẹ, không tình tiết tăng nặng nhưng vẫn bị tuyên án gần giữa khung hình phạt (khoản 2 Điều 202 mức hình phạt 3 đến 10 năm) có thỏa đáng hay không? PLVN tiếp tục phản ánh trong các số báo sau.

Bất thường về ngày giờ mở phiên phúc thẩm

Bị cáo Linh nói: “Các lần triệu tập, tôi đều có mặt. Hôm xử phúc thẩm ngày 6/6/2018, tòa gửi giấy triệu tập ghi rõ thời gian xử 8h30 sáng. Tôi đến nhưng thấy không xử nên ra về. Bất ngờ, chiều 14h30, tòa lại xử. Đến 17h chiều, tôi đọc báo mới biết tòa xử mình”.

Ông Cương kể: “Trước khi xử phúc thẩm 3 ngày (3/6/2018), nhà tôi với nhà một nạn nhân thỏa thuận được việc bồi thường. Do nhà tôi xin hoãn nhiều lần rồi nên lần này nạn nhân làm đơn xin hoãn. Ngày 3/6/2018, nạn nhân với bố vợ tôi đến tòa nộp đơn xin hoãn, biên lai nhận đơn bố vợ tôi giữ. Sáng 6/6/2018, không thấy xử, tôi cứ nghĩ là hoãn, ai ngờ bị “úp sọt”. Nên ngày hôm đó, chỉ một nạn nhân có mặt, còn lại mấy chục người vắng mặt hết”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại