Nữ sinh Việt tiết lộ bí kíp nhận học bổng tại ngôi trường nức tiếng ở châu Á

Ứng Hà Chi - Ảnh: NVCC |

'Đời người chỉ sống một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí' là câu nói truyền động lực cho Ngọc Diễm trong hành trình chinh phục học thuật.

Nếu như Đại học Bắc Kinh được bạn bè thế giới biết đến là trường đại học số 1 Trung Quốc về các ngành Khoa học Xã hội và Nghệ thuật thì Đại học Thanh Hoa (Tsinghua University) là ngôi trường đứng đầu về Khoa học Tự nhiên, Công nghệ và Kỹ thuật tại đất nước hơn 1,3 tỷ dân.

Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có nhiều lựa chọn hấp dẫn. Bạn có thể học lên cấp bậc cao tại các trường ở Mỹ và châu Âu, nghiên cứu các công trình tại Đại học Thanh Hoa, hoặc làm việc ở các tập đoàn đa quốc gia... 

Cơ hội học tập, việc làm mở rộng, tấm bằng được trọng vọng khiến Đại học Thanh Hoa trở thành điểm đến mơ ước của không chỉ học sinh Trung Quốc mà còn các nước trên thế giới. Tất nhiên, để trở thành sinh viên Đại học Thanh Hoa không phải đơn giản bởi đầu vào của ngôi trường này cực "gắt", chỉ dành cho những cá nhân cực xuất sắc.

Vừa qua, nữ sinh Đỗ Phạm Ngọc Diễm (SN 2004), quê tại Hà Nội đã xuất sắc "apply" thành công học bổng trị giá 50% chuyên ngành Luật tại Đại học Thanh Hoa. Học phí tài trợ năm đầu tiên em nhận được là 1,3 vạn NDT (khoảng 50 triệu đồng). 

Thành công mà Ngọc Diễm đạt được trở thành nguồn động lực cho các bạn học sinh đang có kế hoạch "apply" vào những ngôi trường top đầu châu Á nói riêng và thế giới nói chung.

Nữ sinh Việt tiết lộ bí kíp nhận học bổng tại ngôi trường nức tiếng ở châu Á - Ảnh 1.

Nữ sinh Đỗ Phạm Ngọc Diễm.

TỪNG MUỐN BỎ VỀ VIỆT NAM VÌ ÁP LỰC HỌC TẬP

Từ nhỏ, Ngọc Diễm đã có mơ ước được sang nước ngoài học tập. Em khao khát đặt chân đến vùng đất mới, được trải nghiệm nền văn hóa đa quốc gia. Đến năm học lớp 9, do công việc của gia đình nên em chính thức chuyển sang Trung Quốc sinh sống và học tập. Dù đã sẵn sàng đối mặt với thách thức nhưng Ngọc Diễm không tránh khỏi những khó khăn khi bước đi trên con đường mới.

Lúc mới sang đất nước tỉ dân, tiếng Trung của Ngọc Diễm bắt đầu từ con số 0. Đó là khoảng thời gian em gặp nhiều khó khăn, bất tiện. Không còn cách nào khác, khi đến trường, em phải dùng tiếng Anh để giao tiếp. Em không hiểu được thầy cô, bạn bè nói tiếng Trung bởi khả năng ngôn ngữ của em lúc đó rất tệ. Sau nửa năm tập trung học tiếng, Ngọc Diễm đã cải thiện được 4 kỹ năng: Nghe, Nói, Đọc, Viết.

Về kỹ năng Nghe và Nói, do được sống trong môi trường xung quanh là người Trung Quốc nên nữ sinh không gặp nhiều khó khăn, em tiến bộ nhanh chóng. Bên cạnh đó, nữ sinh luôn tích cực phát biểu ý kiến xây dựng bài để cải thiện 2 kỹ năng này. Chỉ bằng cách mạnh dạn giao tiếp mới biết được bản thân phát âm chưa chuẩn ở chỗ nào.

Về kỹ năng Đọc và Viết, Ngọc Diễm cảm thấy khó học hơn bởi 2 kỹ năng yêu cầu nhận biết mặt chữ mới có thể phát triển tốt. Vì vậy, nữ sinh sớm đặt ra kế hoạch học từ mới. Em chăm chỉ đọc sách báo để tích góp từ mới. Thông thường, mỗi ngày, em "ép" bản thân phải nhớ ít nhất 30 từ. Đến giờ, dù đã thông thạo tiếng Trung nhưng nữ sinh vẫn duy trì thói quen đó.

Ngọc Diễm chia sẻ: "Sau nửa năm học tiếng Trung, em chính thức bước vào kỳ thi tuyển của trường cấp 3. Đây là quãng thời gian khó khăn nhất mà em phải đối mặt. Vì học được ngôn ngữ Trung là một chuyện, còn tiếp thu kiến thức hoàn toàn bằng tiếng Trung lại là vấn đề khác. Em không có kiến thức nền tảng các môn học nên phải học lại kiến thức từ cấp 2. Môn học khiến em sợ nhất là dịch cổ văn.

Nhưng sau một thời gian chăm chỉ học tập, miệt mài tìm kiếm tư liệu, em đã giải quyết được khó khăn đó. Thú thật có nhiều lúc em nghĩ mình sẽ bỏ cuộc, về Việt Nam học tập để không phải trải qua những áp lực như thế. Nhưng sau một hồi suy nghĩ, em nhận ra dù ở nền giáo dục nào cũng tồn tại những khó khăn riêng. Việc chúng ta cần làm là đối mặt và vượt qua, chứ không phải là bỏ cuộc.

Những lúc gặp áp lực, em chọn cách chơi cầu lông hoặc chạy bộ để bản thân không suy nghĩ tiêu cực. Sau đó, em sẽ lập ra kế hoạch mới và tiếp tục phấn đấu. Khi có kế hoạch rõ ràng, em mới thấy được cái nào đáng ưu tiên, cái nào nên buông bỏ".

Sau khi hoàn thành chương trình THPT, Ngọc Diễm đặt mục tiêu trúng tuyển vào Đại học Thanh Hoa. Đây là ngôi trường không chỉ người Trung Quốc mong muốn được học tập mà còn là ước mơ của rất nhiều du học sinh quốc tế. Đặc biệt, Ngọc Diễm còn cảm mến Thanh Hoa bởi trường có 2 slogan khá thú vị, đó là "Self - discipine and social commitment" . (Hãy tự giác học tập và đóng góp cho xã hội) và "Không thể dục, không Thanh Hoa".

"Đại học Thanh Hoa không chỉ đề cao học tập mà còn chú trọng việc rèn luyện sức khỏe cho sinh viên. Phải có thể lực tốt mới có thể học tập tốt. Môn Thể dục được đặt ngang hàng với việc học tập. Hiện tại bọn em đang học trực tuyến nên thầy cô chưa yêu cầu cao đối với môn học này. Nhưng khi đi học trực tiếp, nữ sinh sẽ phải chạy 2.000m/tuần, nam sinh chạy 3.000m/tuần", nữ sinh cho biết.

QUÁ TRÌNH "APPLY" HỌC BỔNG CỰC GIAN NAN

Trúng tuyển vào Đại học Thanh Hoa đã khó nhưng để đạt được học bổng lại càng trở nên khó hơn bao giờ hết. Bằng nỗ lực hết mình, Ngọc Diễm đã giành được suất học bổng giá trị 50% trong năm học đầu tiên. Sau mỗi năm học, như bao sinh viên khác, nữ sinh phải giành lấy cơ hội "apply" học bổng tiếp và đề xuất mức hỗ trợ mới.

Nữ sinh chia sẻ: "Nếu các bạn có dự định "apply" Đại học Thanh Hoa cần có cho mình kha khá giấy khen bởi tính cạnh tranh ở đây rất cao. Hãy chuẩn bị giấy khen về học thuật, thành tích tham gia các hoạt động khác. Ngoài ra, bạn nên nộp kèm chứng chỉ tiếng Anh (IELTS, TOELF) và tiếng Trung (HSK, HSKK)".

Ngọc Diễm còn cho biết, để vào Đại học Thanh Hoa, thí sinh phải trải qua 2 vòng: Nộp hồ sơ và vòng phỏng vấn. Vòng nộp hồ sơ được chia thành 3 đợt dành cho các đối tượng học sinh khác nhau. Hồ sơ bao gồm: 1 bản word với nội dung giới thiệu bản thân; sơ yếu lý lịch; học bạ THPT, GPA; thư giới thiệu của giáo viên; chứng chỉ HSK5 hoặc HSK6, HSKK; chứng chỉ TOEFL hoặc IELTS (SAT/ACT/A - LEVEL/AP/IB đều có thể); thông tin người đảm bảo nguồn tài chính; video giới thiệu bản thân trong vòng 3 phút.

Nữ sinh Việt tiết lộ bí kíp nhận học bổng tại ngôi trường nức tiếng ở châu Á - Ảnh 2.

Sau khi đã điền đầy đủ thông tin, Ngọc Diễm đưa ra lời khuyên dành cho các bạn học sinh nên nên kiểm tra cẩn thận trên hệ thống trước khi nhất nút nộp hồ sơ. Vì khi đã nộp sẽ không được sửa đổi hay bổ sung thông tin. Mức lệ phí "apply" là 800 NDT (khoảng 2,5 triệu đồng). Nếu hồ sơ được duyệt, các bạn sẽ bước tiếp vào vòng thứ 2 là phỏng vấn.

Vòng phỏng vấn gồm 2 phần: Viết bài và trả lời phỏng vấn với các giảng viên. Ở phần viết bài, ban tuyển sinh sẽ đưa ra đề bài bằng tiếng Trung, yêu cầu thí sinh trả lời bằng tiếng Anh. Ở phần này, Ngọc Diễm đã giới thiệu về bản thân, nêu lý do muốn học tập tại Đại học Thanh Hoa và trả lời một số câu hỏi mà đề bài đưa ra. Còn ở vòng phỏng vấn, có 3 giảng viên đặt câu hỏi nhằm kiểm tra trình độ học vấn, khả năng ngoại ngữ và một số kỹ năng của thí sinh.

"Theo em, điểm sáng khiến ban tuyển sinh nhận em vào trường vì em đầu tư nhiều vào bản word giới thiệu bản thân. Đây là thứ mà thầy cô tiếp nhận đầu tiên khi lọc hồ sơ, để lại ấn tượng sâu đậm nhất. Vì vậy, các bạn cần cố gắng thực hiện cẩn thận, chỉn chu, nêu bật được thế mạnh của mình. Điều thứ hai là các bạn cần đầu tư vào video giới thiệu, độ dài hợp lý là 3 phút", Ngọc Diễm tiết lộ.

Thời gian tới, dự định của Ngọc Diễm là nỗ lực phát triển bản thân để trở nên toàn diện trong môi trường ưu tú của Đại học Thanh Hoa. Nữ sinh mong muốn ngoài tích lũy kiến thức, bản thân sẽ cải thiện được các kỹ năng mềm. Ngọc Diễm cũng hy vọng sẽ học tập tốt, giữ vững phong độ để năm sau có thể đạt được học bổng cao hơn.

"Đời người chỉ sống một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí" là câu nói truyền động lực cho Ngọc Diễm trong hành trình chinh phục học thuật.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại