Bốn năm trước đặt chân đến Hà Nội với tư cách một du học sinh, vô cùng bỡ ngỡ và chưa quen với cách sống của người Việt, bốn năm sau, cô nàng Lalitpat Kerdkrung 9X người Thái Lan đã rạng rỡ trong ngày lễ trao bằng tốt nghiệp năm 2019 của trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG Hà Nội.
Không chỉ có ngoại hình ưa nhìn, cô nàng này còn được bạn bè trong trường ngưỡng mộ với danh hiệu "thủ khoa người Thái", sở hữu thành tích "khủng" trong học tập, tích cực tham gia hoạt động xã hội, rèn luyện bản thân.
Hãy cùng lắng nghe cô sinh viên đến từ Thái Lan này chia sẻ cảm xúc khi nhìn lại hành trình 4 năm theo học tại Việt Nam nhé!
Lalitpat Kerdkrung
Năm sinh: 1995
Ngành học: Việt Nam học
Thủ khoa đầu ra trường ĐHKHXH&NV - ĐHQG Hà Nội năm 2019, với điểm tích lũy 3.92/4.0
Từng làm phiên dịch tiếng Thái - tiếng Việt cho Phu nhân Thủ tướng Thái Lan trong chuyến thăm chính thức Việt Nam vào năm 2018.
Đầu tiên, bạn có thể giới thiệu đôi nét về bản thân mình được không?
Mình tên là Lalitpat Kerdkrung, sinh năm 1995 đến từ Thái Lan. Vào năm 2014 mình nhận được học bổng toàn phần của Chính phủ Hoàng gia Thái Lan (dành cho Bộ Ngoại giao) và đã được cử đến Việt Nam theo học.
Hiện tại mình vừa tốt nghiệp ngành Việt Nam học, đồng thời là Thủ khoa đầu ra của trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân Văn - ĐHQG Hà Nội.
Cảm giác của bạn như thế nào sau khi kết thúc 4 năm đại học, đặc biệt là trở thành thủ khoa đầu ra của trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐHQG Hà Nội?
Nếu nói về cảm xúc của mình sau khi học xong 4 năm ở đây thì cũng phải nói là mình thực sự rất tự hào về thành tích đạt được trong ngày hôm nay. Mình đã nỗ lực học tập trong suốt thời gian vừa qua, và nhiều khi cũng cảm thấy mình chỉ muốn dừng lại vì nội dung môn học ngày càng khó hiểu và phức tạp.
Nhưng cuối cùng, mình đã có một cái kết đẹp với Nhân văn như ngày hôm nay rồi, thực sự hết sức vui mừng.
Còn về việc trở thành thủ khoa của Nhân văn, thật ra mình vô cùng bất ngờ vì bản thân không biết trước - đến lúc thầy phát biểu rằng chúc mừng trên sân khấu thì mới biết luôn là mình còn là thủ khoa của trường.
Đây có thể coi như là một món quà bất ngờ cũng như vinh dự đối với mình. Với tư cách là sinh viên nước ngoài học tập bằng tiếng Việt, mình cảm thấy sự nỗ lực của mình trong suốt 4 năm qua thực sự đã được đền đáp.
"Việc trở thành thủ khoa của Nhân văn, thật ra mình vô cùng bất ngờ vì bản thân không biết trước".
Quay trở lại thời điểm 4 năm trước một chút, tại sao bạn lại chọn Việt Nam và ngành Việt Nam học là nơi theo học? Lý do nào đã thôi thúc bạn đặt chân đến một đất nước xa xôi để theo học một ngành học hoàn toàn mới lạ?
Hồi cấp ba ở Thái Lan, mình theo học chuyên ngành tiếng Anh - tiếng Pháp và được học về văn hóa Việt Nam.
Do sự tò mò ngày càng tăng lên về Việt Nam, mình quyết định thử thi học bổng chính phủ Hoàng gia Thái Lan (dành cho Bộ Ngoại giao) và thật may mắn khi thi đỗ và nhận được học bổng này để sang du học tại Việt Nam.
Lúc đầu, gia đình và những người thân của mình thật sự rất lo vì họ biết quá ít thông tin về Việt Nam, hầu như chỉ biết đến Việt Nam qua các thông tin trong sách vở. Vì vậy, mình quyết định sang Việt Nam du học, cố gắng biết được tiếng Việt để có nhiều cơ hội tiếp xúc và hiểu rõ hơn về nước cũng như con người Việt Nam.
Sang một đất nước mới, một nền văn hóa mới, bạn đã làm gì để đối mặt với cú shock văn hóa?
Quãng thời gian đầu khi mình mới đến Việt Nam cũng bị shock với một số chuyện như: tại sao có nhiều xe máy thế, tại sao người Việt Nam cứ thích bấm còi liên tục, tại sao người Việt Nam hay nói chuyện to và ồn ào thế, v.v…
Món ăn Việt Nam cũng khác với món ăn Thái, và lúc đó người Việt Nam nói gì mình cũng không thể hiểu được vì chỉ học tiếng Việt một ít trước khi sang Việt Nam. Lúc đầu mình cảm thấy buồn và có suy nghĩ rằng mình không hợp về nơi đây, không hợp để sống ở Việt Nam.
Nhưng sau khi mình bắt đầu đi học tiếng Việt tại Khoa Việt Nam học, mình dần dần được tìm hiểu và biết thêm về văn hóa cũng như cách suy nghĩ của người Việt Nam. Từ đó, mình cũng cố gắng mở lòng để tiếp xúc nhiều hơn với người bản địa, và nhiều lúc mình cảm thấy hầu hết người Việt Nam đối xử với mình thật là đáng yêu và thành thật.
Càng nói chuyện, càng tiếp xúc, cũng như càng đi chơi với người Việt Nam, mình cảm thấy thật sự ấm áp giống như đang ở quê nhà.
Mình bắt đầu cảm thấy sự khác biệt về văn hóa nào cũng có lý do của nó, và mình không nên nghĩ là nó khác với mình có nghĩa là nó không văn minh, hay không lịch sự. Chỉ cần mình sẵn sàng tiếp thu những cái mới, mọi điều sẽ dần dần sẽ ổn.
Càng nói chuyện, càng tiếp xúc, cũng như càng đi chơi với người Việt Nam, mình cảm thấy thật sự ấm áp giống như đang ở quê nhà.
Sống ở Hà Nội, một môi trường hoàn toàn xa lạ thì bạn có gặp phải khó khăn gì không?
Tất nhiên là mình đã gặp rất nhiều khó khăn khi mới sang Hà Nội. Những tháng đầu tiên mình thực sự cảm thấy sống ở Hà Nội có nhiều điểm khác biệt so với sống ở quê hương: từ văn hoá, đồ ăn, cách suy nghĩ và ngôn ngữ đều khác nhau.
Một trong những điều mà mình cảm thấy khó chịu nhất là khi nói chuyện với người lạ lần đầu tiên như tài xế xe ôm hoặc taxi, lúc nào họ cũng hỏi rất nhiều và bày tỏ sự tò mò khá rõ ràng về chuyện cá nhân của mình.
Nhưng về sau mình cũng hiểu đó chính là một tính cách của người Việt Nam, tính hiếu khách ấy, nhất là đối với người nước ngoài. Còn một chuyện nữa là giao thông ở Hà Nội làm cho mình mệt mỏi bất cứ lúc nào đi xe máy trên đường.
Mình phải đi thật sự chậm để không bị xe khác đâm vào, hoặc luôn luôn phải nhìn cả hai bên để xem có xe nào đi ngược chiều vượt lên hay không, nói chung là lúc nào cũng sợ bị ngã xe.
Còn về những kỷ niệm khó quên trong quá trình học thì sao nhỉ?
Thực ra mình thấy việc mình được học tại Trường đại học ở Việt Nam và học bằng tiếng Việt đã là một niềm khó quên đối với đời sinh viên của mình rồi.
Nhưng nếu nói về kỷ niệm khó quên nhất trong quá trình học tập thì mình nghĩ chính là việc mình là một sinh viên nước ngoài duy nhất của Khoa làm Khóa luận tốt nghiệp.
Bởi để hoàn thành một quyển khóa luận tốt nghiệp không phải là chuyện dễ dàng vì mình phải viết và tham khảo những tài liệu bằng tiếng Việt - một ngôn ngữ không phải tiếng mẹ đẻ của mình.
Tuy nhiên, khi xong buổi bảo vệ Khóa luận tốt nghiệp và được các thầy cô khen thì mình cũng cảm thấy rất là hạnh phúc và tự hào vì đây chính là một bằng chứng đáng tin cậy nhất chứng tỏ việc học tiếng Việt và học tại Việt Nam của mình đã đạt được thành công.
"Kỷ niệm khó quên nhất trong quá trình học tập thì mình nghĩ chính là việc mình là một sinh viên nước ngoài duy nhất của Khoa làm Khóa luận tốt nghiệp".
Mùa tuyển sinh sắp đến rồi, nhiều bạn sĩ tử cũng mong muốn theo đuổi con đường giống như bạn, không biết bạn có lời khuyên gì dành cho họ về phương pháp học tập tại bậc đại học hay không?
Đối với mình, việc các bạn đã thi đỗ vào một Trường đại học không phải chuyện dễ dàng, và việc này cũng đã yêu cầu rất nhiều sự cố gắng và công sức trong việc rèn luyện bài học trước khi đi thi.
Khi vào đại học rồi, cách học tập sẽ khác đi so với hồi các bạn học cấp ba, nội dung môn học sẽ cụ thể và phức tạp hơn rất nhiều. Chính điều này nó có thể khiến cho các bạn cảm thấy chán nản và muốn bỏ học ngày, không khác gì với chuyện của mình trong giai đoạn đầu.
Tuy nhiên, mình không muốn các bạn bỏ hẳn môn học đó rồi đăng ký học lại. Không chỉ tiền học phí mà còn là thời gian học cũng bị tiêu tốn, điều này sẽ làm chậm thời gian ra trường của các bạn nữa đấy.
Vì thế, mình khuyên các bạn cố gắng tập trung học trong lớp cho tốt, đến học đầy đủ để khi nào không hiểu nội dung thì có thể hỏi các thầy cô luôn tại lớp và về nhà ôn bài thường xuyên.
Nữ sinh trong bộ trang phục cử nhân, chụp tại Văn Miếu Quốc tử giám Hà Nội.
Bên cạnh đó, các bạn nên tham gia những hoạt động của trường nữa vì nó sẽ có lợi ích cho công việc của các bạn khi ra trường. Các nhà tuyển dụng hiện nay yêu cầu các ứng viên không những phải được trang bị những kiến thức học thuật mà còn phải có nhiều kỹ năng thực tế như giao tiếp, thuyết trình, quản lý thời gian, và những kỹ năng cần thiết khác.
Để có được như trên, các bạn phải cố gắng học tập cho tốt và nhiệt tình tham gia hoạt động ngoài việc học nữa nhé.
Cám ơn bạn!