Với mong muốn thắp sáng vạn ước mơ cho mỗi học sinh nghèo ở miền quê Việt Nam, chương trình Góp 1 cuốn sách tiếp tục có mặt tại trường THCS Hợp Thịnh (Hiệp Hòa, Bắc Giang). Và khi tới đó, đoàn trao sách của Báo điện tử Trí thức trẻ - Soha.vn đã lắng nghe được rất nhiều câu chuyện cảm động về ước mơ, hoài bão của các bạn học sinh nghèo.
"Ước được bố tặng sách để có cớ nói lời yêu thương, để bố hiểu em yêu bố đến nhường nào"
Đó là lời tâm sự của bạn Nguyễn Thanh Huyền (lớp 9A, trường THCS Hợp Thịnh). Khi gửi phiếu điều ước đến chương trình Góp 1 cuốn sách, Huyền đã viết rằng: "Em muốn được bố tặng sách vì bố là người em kính trọng nhất. Dù bố thường xuyên mắng chửi em nhưng em biết, bố muốn tốt cho em. Em rất thương bố và muốn có cơ hội nói lời yêu thương, để bố biết em yêu bố rất nhiều. Nhiều năm rồi em không được bố tặng sách nên rất muốn được nhận món quà này từ bố".
Huyền (bên trái) chia sẻ về ước mơ được bố tặng sách.
Bất ngờ là phiếu điều ước của Huyền được chọn, em được mời lên sân khấu, nhưng… bố em không có mặt. Trong khi đó, các bạn khác ước được cha mẹ, ông bà tặng sách thì những điều ước đó đều thành sự thật. Khoảnh khắc ấy, đôi mắt Huyền chợt cay cay. Rất may, cô giáo chủ nhiệm của em đã mang 1 cuốn sách mà em rất thích tới tặng thay.
Một điều ước nhỏ nhoi, đầy thiết tha của con trẻ nhưng tiếc là người cha chưa thể làm cho con. Chiều hôm đó, bố Huyền còn bận đi làm trong nhà máy, lo mưu sinh kiếm tiền cho Huyền tới lớp. Dù biết thế nhưng Huyền vẫn rất buồn. Em nói: "Ước chi bố có thể bớt chút thời gian lắng nghe em, không xem ước mơ của em là điều gì đó "sến súa" thì chắc bố đã tới".
Huyền kể, bố cô là người đàn ông rất cục tính. Tuy yêu thương gia đình nhưng vì cuộc sống lao động quá cực nhọc nên dễ sinh cáu bẳn. Mỗi khi không vui, bố em thường không kiềm chế được cảm xúc. Ông sẵn sàng mắng mỏ dữ dội nếu thấy Huyền làm sai, thậm chí từ nhỏ, Huyền cũng thường xuyên thấy bố mẹ bạo lực tinh thần nhau bằng lời nói.
Những tổn thương ấy khiến Huyền trở thành một người sống khép kín, ít khi dám nói lên chính kiến và ước mơ của riêng mình. Phải đắn đo rất nhiều, Huyền mới dám viết vào phiếu điều ước mong được bố tặng sách.
"Vì em chưa thấy khi nào bố cấm cản em đọc sách, dù có là đọc truyện tranh, nên em nghĩ khi bố đọc được điều ước này, nhất định sẽ tới tặng sách cho em", Huyền chia sẻ.
Thế nên khi đứng trên sân khấu đợi chờ mà không thấy bố tới, Huyền không giấu nổi sự thất vọng. Cô bé chỉ có một mong muốn duy nhất là nhờ việc được bố tặng sách, Huyền có thể đứng ở giữa sân trường, nói với bố rằng em rất yêu bố. Em mong điều ấy sẽ làm bố bớt đi sự hằn học, mệt nhoài với cuộc sống để vui vẻ, thoải mái hơn. Huyền cũng mong nhờ đọc sách, có thêm nhiều kiến thức, em sẽ trở thành người thành đạt, giúp gia đình sống hạnh phúc.
"Em nghĩ khi cuộc sống kinh tế không còn quá khổ nữa, bố em sẽ thoải mái, bớt nóng tính hơn và không la mắng mẹ và em nữa", Huyền nói.
Chương trình Góp 1 cuốn sách đến với trường THCS Hợp Thịnh.
Câu chuyện của Huyền chỉ là một ví dụ rất nhỏ cho thấy ở nhiều miền quê nghèo, cha mẹ vì bận mưu sinh vẫn chưa chăm lo đến việc đọc sách của con em. Nhiều người thậm chí cũng không có đủ thời gian, kiên nhẫn để lắng nghe ước mơ, tâm sự, khát vọng của con em mình. Có lẽ chính sự thiếu vắng ấy là nỗi thiệt thòi lớn, làm các em mất đi một phần sự tự tin trên con đường chinh phục ước mơ.
Người ta thường nói, gia đình là nền tảng của xã hội. Nếu có đầy đủ tình yêu thương của cha mẹ, hẳn là những em học sinh đó đã xuất phát ở một vạch đích tốt hơn nhiều lần so với những người chịu tổn thương như Huyền.
"Giấc mơ trở thành chủ doanh nghiệp thời trang để làm ra đồng phục đẹp cho tất cả học sinh quê mình"
Khác với Huyền, từ nhỏ đã lớn lên trong không khí gia đình lạnh lùng, có nhiều khoảng cách, Quách Thị Hậu (lớp 9B, THCS Hợp Thịnh) lại là cô gái được bố mẹ rất cưng chiều.
Được sống trong gia đình giàu tình yêu thương, Hậu luôn muốn chia sẻ tình yêu ấy đến mọi người. Em muốn sau này sẽ trở thành doanh nhân giỏi trong lĩnh vực thời trang, để có thể may áo ấm tặng cho tất cả học sinh vùng núi cao nghèo khó và may những bộ đồng phục đẹp nhất tặng học sinh quê mình.
Hậu rất vui khi nhận được sách từ chương trình Góp 1 cuốn sách.
"Em thấy nhiều bạn lớp em không thích mặc đồng phục vì chê xấu. Nếu em là chủ doanh nghiệp thiết kế thời trang, em sẽ thiết kế những mẫu đẹp nhất tặng các bạn để cả lớp lúc nào cũng thích mặc đồng phục tới trường", Hậu bày tỏ.
Trong phiếu điều ước, Hậu ghi muốn được doanh nhân thành đạt tặng một cuốn sách để có thêm động lực học tập tốt hơn. Và khi chương trình giúp biến điều ước của em trở thành sự thật, Hậu rất vui mừng. Cô bé xem rất kỹ lời chúc và chữ ký của doanh nhân Đỗ Minh Tỉnh mà em vừa nhận được. Hậu nói, mong ước trở thành doanh nhân, làm nên những điều lớn lao giúp quê hương, đất nước là điều em khao khát từ nhỏ.
Hậu nhận sách từ doanh nhân Đỗ Minh Tỉnh - Bác sĩ, chủ công ty về Nha khoa luôn mong muốn đóng góp cho quê hương, đã ủng hộ 10 triệu đồng cho thư viện trường THCS Hợp Thịnh.
Trong câu chuyện của Huyền và Hậu, 2 cô gái nhỏ được lớn lên trong 2 gia đình với sự quan tâm khác nhau của cha mẹ đã có những ước mơ, suy nghĩ rất khác nhau. Một người khép kín, mong ước làm thay đổi gia đình, một người giàu tình yêu thương hướng tới cộng đồng.
Không có giấc mơ nào không đẹp. Chỉ là giá như phụ huynh ai cũng yêu thương và chăm lo đến nguyện vọng con trẻ như gia đình Hậu thì chắc chắn, sau này lớn lên các em sẽ làm được nhiều điều có ích hơn cho gia đình, xã hội.
Giúp các em nhỏ hiện thực chút điều ước giản dị được người thân, thần tượng tặng sách chỉ là một trong rất nhiều việc mà chương trình Góp 1 cuốn sách đang nỗ lực thực hiện. Chúng tôi tin rằng, góp một cuốn sách sẽ giúp thắp lên hàng vạn ước mơ mới cho các em. Tinh thần của chương trình không chỉ là đem những cuốn sách đi trao tặng. Sâu xa hơn, chúng tôi mong toàn dân tộc sẽ chung tay góp sách, nâng cao văn hóa đọc, đặc biệt là cho lớp trẻ - chủ nhân tương lai của đất nước.
Những hình ảnh đẹp trong chương trình trao tặng thư viện và ra mắt CLB Sách Sống tại THCS Hợp Thịnh.
Cuốn sách không chỉ là món quà. Nó còn là chìa khóa mở rộng cánh cửa tri thức, giúp các em có thêm nhiều khát vọng lớn lao hơn. Những em nhỏ như Hậu hay Huyền chỉ là hai trong vô vàn ví dụ các em nhỏ được chương trình Góp 1 cuốn sách thắp sáng ước mơ, khơi lên khát vọng, niềm khao khát truy cầu tri thức. Nếu có sự chung tay của cộng đồng, sự thấu hiểu của toàn xã hội, chương trình chắc chắn sẽ còn đi xa hơn, làm được nhiều điều ý nghĩa hơn nữa!