Nữ sinh Hà Nội được trò chuyện với Tổng thư ký Liên hợp quốc chia sẻ bí quyết học tập đáng ngưỡng mộ

Ứng Hà Chi |

'Mỗi người đều mang một màu sắc riêng biệt. Dù bạn mang bất kỳ màu sắc nào cũng không ai có quyền phán xét bạn. Việc người khác nghĩ gì về bạn không quan trọng bằng việc bạn hiểu rõ bản thân mình', đó là thông điệp trong một dự án về giới tính mà Bảo Trâm đang điều hành.

Chu Hoa Bảo Trâm (SN 2005), hiện đang là học sinh lớp 12 chuyên Sử trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam. Nữ sinh là gương mặt quen thuộc với học sinh trường Ams khi trở thành Phó Bí thư Đoàn trường nhiệm kỳ 2021-2022, tham gia nhiều phong trào thiết thực, không kém phần sôi động.

Không chỉ năng động, nhiệt huyết với các hoạt động của Đoàn Thanh niên, Bảo Trâm còn có thành tích học tập nổi bật cùng những dự án rất chất lượng. Làm nhiều việc cùng một lúc nhưng ở lĩnh vực nào, em cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, nhận được sự tín nhiệm của thầy cô và bạn bè. Vừa qua, em còn vinh dự đại diện học sinh, sinh viên Việt Nam tặng hoa đón tiễn Thủ tướng Cuba, Tổng thống Singapore, Tổng thư ký Liên hợp quốc thăm cấp nhà nước tới nước CHXHCN Việt Nam trong tháng 9, 10/2022.

Bảo Trâm cho biết: "Khi được chọn tham gia vào đoàn đón tiếp những lãnh đạo cấp cao, em thấy vô cùng hạnh phúc và tự hào. Đó là cơ hợi lớn giúp em hiểu thêm về gặp những nhà lãnh đạo và có những trải nghiệm đón tiếp thú vị. Các vị nguyên thủ rất thân thiện, ở họ luôn tỏa ra năng lượng tích cực. Đặc biệt, trong vài phút ngắn ngủi, em đã có cơ hội trò chuyện với ngài Tổng Thư ký Liên hiệp quốc António Guterrses".

Nữ sinh Hà Nội được trò chuyện với Tổng thư ký Liên hợp quốc chia sẻ bí quyết học tập đáng ngưỡng mộ - Ảnh 1.

Chân dung nữ sinh Chu Hoa Bảo Trâm.

Một số thành tích nổi bật mà Chu Hoa Bảo Trâm đạt được:

Ủy viên BCH Thành đoàn Hà Nội; Ủy viên BCH Quận đoàn Cầu Giấy.

Phó Bí thư Đoàn trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, nhiệm kỳ 2021-2022.

Lớp trưởng, Phó Bí thư Chi đoàn 12 chuyên Sử.

Top 5 học sinh có điểm đầu vào cao nhất môn Lịch sử trong kì thi đầu vào cấp 3.

Bằng khen, huy hiệu Cháu ngoan Bác Hồ cấp Trung ương giai đoạn 2015-2020.

Giải thưởng, danh hiệu Thanh niên sống đẹp 2022 của Hội liên hiệp Thanh niên Việt Nam TP Hà Nội.

Trưởng Ban tổ chức dự án lịch sử Le Retour Nostalgique mùa 3.

Co-founder - Trưởng Ban tổ chức dự án về giới tính Gen Project mùa 1.

Trưởng Ban Truyền thông Ngày Hội Anh Tài 2022.

Ban Truyền Thông dự án BÃO 2021.

Đại sứ truyền thông "Cuộc thi Sáng tạo tương lai xanh - Future Blue Innovation Competition (FBI)" năm 2021, 2022.

Bí quyết học các khối xã hội đơn giản mà hiệu quả

Nhận rõ thế mạnh bản thân, ngay từ khi thi vào lớp 10, Bảo Trâm đã quyết định vào lớp chuyên Sử của trường Ams. Nữ sinh là một trong 5 học sinh có điểm thi môn Sử cao nhất trong kì thi vào cấp 3. Khi vào ngôi trường cấp 3 danh giá hàng đầu Hà Nội, em tiếp tục giữ vững phong độ, trở thành lớp trưởng trong 3 năm học. Đặc biệt, điểm trung bình của em luôn đứng thứ 1, thứ 2 của lớp, nhận học bổng danh dự của nhà trường. Đạt được thành tích xuất sắc như vậy nhưng ít ai biết rằng, Bảo Trâm ngoài đi học thêm, phần lớn thời gian là dành cho việc tự học.

Với môn Sử, trong khi nhiều bạn cảm thấy môn học khô khan, khối lượng kiến thức rộng gây khó khăn thì Bảo Trâm lại cảm thấy việc học khá dễ dàng. Nữ sinh bật mí, bí quyết giúp môn Lịch sử trở nên thú vị là gắn liền dấu mốc sự kiện vào đời sống thường ngày. Chẳng hạn, bạn có thể gắn bài học vào những ngày lễ, ngày kỷ niệm lớn của dân tộc để nhớ kiến thức lâu hơn.

Bảo Trâm hào hứng chia sẻ: "Thông thường, mọi người thấy những sự kiện lịch sử cách mình rất xa nhưng thực ra nó gắn liền với đời sống hàng ngày. Nếu nghĩ lịch sử là điều gần gũi trong cuộc sống thì sẽ dễ tiếp thu, thay vì học thuộc một cách máy móc".

Nữ sinh Hà Nội được trò chuyện với Tổng thư ký Liên hợp quốc chia sẻ bí quyết học tập đáng ngưỡng mộ - Ảnh 3.

Trâm là một trong 5 học sinh có điểm thi môn Sử cao nhất trong kì thi vào cấp 3.

Bên cạnh đó, một cách học thông minh khác cho những môn thuộc lòng mà Bảo Trâm áp dụng là vẽ sơ đồ tư duy để hình tượng hóa kiến thức. Thay vì đọc sách giáo khoa, sách tham khảo rồi viết ra giấy thì nữ sinh lập sơ đồ, trục số để dễ dàng đánh dấu các mốc thời gian. Thông thường, toàn bộ kiến thức được em khái quát lên một trang A4 để dễ dàng nhìn, sau đó sẽ chia nhỏ ra từng tờ giấy riêng.

Không chỉ học trong sách vở thông thường, Bảo Trâm còn liên tục cập nhật những phương pháp mới. Chẳng hạn như thời gian rảnh, em sẽ ôn luyện một số phần kiến thức qua những hội nhóm trên mạng xã hội. Cách học này giúp em tiếp thu kiến thức một cách tự nhiên, đỡ bị áp lực.

Bảo Trâm cho biết, em cố gắng sắp xếp thời gian hợp lý để giữ gìn sức khỏe và cân bằng được cả học tập và hoạt động. Chẳng hạn như khi thầy cô giao bài tập, em sẽ tranh thủ thời gian rảnh trên lớp để có thể hoàn thành. Cách học này giúp em vừa tiết kiệm thời gian, vừa khắc sâu kiến thức và có thể hỏi trực tiếp thầy cô đối với những phần chưa rõ. Như vậy khi về nhà, em sẽ có thời gian thực hiện các dự án và hoạt động ngoại khóa.

Tuy lịch học tập và làm việc chiếm nhiều thời gian nhưng Bảo Trâm không hề bị căng thẳng bởi nữ sinh đã xác định ngay từ khi mới vào trường. "Em rất yêu thích môi trường tại Ams nên không cảm thấy áp lực hay bị ngợp. Khi gặp khó khăn, chúng em luôn nhận được sự giúp đỡ từ thầy cô, các bạn. Đặc biệt, các anh chị là cựu học sinh của trường dù ở Việt Nam hay ở nước ngoài đều cố gắng hỗ trợ các em khóa dưới nhiều nhất có thể. Điều này tạo nên một bản sắc rất khác biệt tại trường Ams", Bảo Trâm cho biết.

Nữ sinh Hà Nội được trò chuyện với Tổng thư ký Liên hợp quốc chia sẻ bí quyết học tập đáng ngưỡng mộ - Ảnh 4.

Trưởng thành từ những hoạt động ngoại khóa thú vị

Một điều đặc biệt ở trường Ams là học sinh gần như không bị "áp lực đồng trang lứa". Môi trường học tập tại đây cho phép các bạn được thể hiện cá tính, màu sắc cá nhân mà không bị ai đánh giá hay phán xét. Ở Ams, mỗi bạn giỏi một thế mạnh và hoàn toàn có thể phát triển theo con đường bản thân mong muốn. Bạn cũng có thể đăng ký cùng một lúc nhiều CLB, chỉ cần bạn vẫn giữ vững thành tích học tập và sắp xếp được thời gian.

Học sinh trường Ams có nhiều cơ hội để vừa học tập, vừa trau dồi những kỹ năng xã hội khác. Học sinh được tự do phát triển trong khuôn khổ, đây là điều không phải ngôi trường cấp 3 nào cũng có thể mang đến cho học sinh. Nhờ thầy cô tạo điều kiện, Bảo Trâm có cơ hội thử sức ở nhiều vị trí khác nhau. Hiện nữ sinh đang là Phó Bí thư Đoàn trường.

Ngoài ra, nữ sinh còn tham gia vô số hoạt động khác, trong đó nổi bật như: Trưởng Ban tổ chức dự án lịch sử Le Retour Nostalgique, Co-founder - Trưởng Ban tổ chức dự án về giới tính Gen Project mùa 1. Ở mỗi dự án, em là người trực tiếp phân công công việc cho các bạn với đầy đủ các ban như: Ban chuyên môn, ban PR, ban Tài chính, ban Nhân sự, ban Hậu cần,…

Đặc biệt, ở dự án Gen Project do Bảo Trâm cùng người bạn đồng sáng lập đã có nhiều hoạt động hữu ích xoay quanh vấn đề giới tính. Em đã tổ chức thành công tiền sự kiện là cuộc thi về tranh ảnh và workshop là sự kiện chính. Trâm mời được những diễn giả lớn tham dự, tạo được tiếng vang.

Nữ sinh Hà Nội được trò chuyện với Tổng thư ký Liên hợp quốc chia sẻ bí quyết học tập đáng ngưỡng mộ - Ảnh 5.

Hiện Bảo Trâm đang là Phó Bí thư Đoàn trường.

Thông điệp xuyên suốt mà Gen Project muốn truyền đạt là: "Mỗi người đều mang một màu sắc riêng biệt. Dù bạn mang bất kỳ màu sắc nào cũng không ai có quyền được phán xét bạn. Việc người khác nghĩ gì về bạn không quan trọng bằng việc bạn hiểu rõ bản thân mình".

Để lan tỏa những điều ý nghĩa, hữu ích mà dự án muốn hướng tới, Bảo Trâm đã mời những vị diễn giả có chuyên môn chia sẻ vấn đề về giới tính, về định kiến xã hội. Họ là người thấu hiểu, có khả năng mang đến năng lượng tích cực cho mọi người. Nhờ mở nhiều hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án đã giúp Bảo Trâm cùng 30 thành viên khác được va chạm thực tế.

Nữ sinh trường Ams chia sẻ: "Từ một mô hình nhỏ, em đã có thể tư duy được những việc mình cần chuẩn bị nếu làm dự án lớn. Em cảm thấy biết ơn rất nhiều khi được làm việc trong môi trường chuyên nghiệp, được trau dồi các kỹ năng như: Leader, làm việc nhóm, sắp xếp công việc, chạy "deadline",…

Thành công không phải là đích đến mà là hành trình chúng ta đi. Nhiều khi đích đến không phải là điều mà chúng ta học được nhiều nhất, mà đó là những bước đi đang diễn ra mỗi ngày. Nó có giá trị nhiều hơn mục tiêu đạt được".

Trong quá trình thực hiện các dự án, thách thức lớn nhất mà Bảo Trâm phải đối mặt là các hoạt động đều tổ chức trực tuyến 100% do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19. Tuy nhiên, trong khó khăn đã mở ra những cơ hội, giúp Bảo Trâm khám phá thêm nhiều nền tảng mới, các cách thực hiện mới hiệu quả hơn, chẳng hạn như cách tổ chức phòng, cách chuyển người giữa các phòng, quản lý thời gian sự kiện,…

Sau khi tốt nghiệp THPT, Bảo Trâm mong muốn dù học tập ở môi trường nào thì em luôn nâng cao quyết tâm, sự kiên trì để chinh phục được những mục tiêu đã đặt ra.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại