Chiều 30/8, sau giờ lao động cải tạo, chị N.T.T. (40 tuổi) quay lại buồng giam ở Trại giam Ninh Khánh (Cục C10, Bộ Công an), đóng tại tỉnh Ninh Bình, ngồi gấp quần áo để chuẩn bị trở về nhà. Hành lý của nữ phạm nhân từng bị tuyên án 8 năm tù vì phạm tội mua bán trái phép chất ma tuý không có nhiều, nhưng có lẽ do quá mong ngóng ngày trở về nên chị T. cứ mân mê mãi mấy bộ quần áo đã cũ, gấp gọn rồi lại mang ra sắp xếp lại.
T. cũng từng có một gia đình đầm ấm như bao phụ nữ khác. Người chồng làm nghề thợ xây, thu nhập khoảng 200.000 - 300.000 đồng/ngày, đủ trang trải cuộc sống hàng ngày cho vợ và hai con. Chồng chị T. thường xuyên phải xa nhà đi theo các công trình xây dựng và sớm có người phụ nữ khác bên ngoài. Anh ta còn mang cả virus HIV về nhà lây cho vợ.
"Khi biết bị lây nhiễm HIV, vợ chồng tôi cãi vã suốt. Hai đứa con biết chuyện, thương mẹ, luôn giục mẹ uống thuốc đúng giờ", chị T. kể.
Nữ phạm nhân N.T.T. chuẩn bị tư trang để về với gia đình.
Khách hàng đến quán nước của chị T. có đủ thành phần xã hội, trong đó có người tỉ tê, dụ dỗ chị "bán thêm" ma tuý. Trước món lợi trước mắt và nghĩ về khoản nợ 400 triệu đồng tiền làm nhà, người phụ nữ này gật đầu đồng ý. Mỗi tép heroin bán cho "con nghiện", T. lãi 80.000 đồng.
"Năm 2016 tôi bị bắt, công an khám nhà phát hiện 11 tép heroin. Lúc bị bắt tôi sốc lắm. Nhưng tôi không có suy nghĩ tiêu cực, chỉ nghĩ thương các con còn nhỏ dại. Nhiều lúc trái gió trở trời, trong người mệt mỏi tôi càng tủi thân nhớ các con", chị T. rơm rớm nước mắt nói.
Những ngày thụ án tù, để quên đi nỗi nhớ con cồn cào, sau giờ lao động cải tạo, chị T. tới thư viện đọc sách. Nữ phạm nhân cho biết, trước kia chị không hề có thói quen này, nhưng nhờ những cuốn sách trong thư viện trại giam, chị có cái nhìn thông thoáng hơn về cuộc sống, không buồn và không còn oán trách chồng. Chị chỉ mong nhanh chóng được về nhà để cùng chồng chăm sóc hai con gái nhỏ.
Ở trại giam Ninh Khánh, chị T. được giao công việc làm tóc giả. Nhờ cải tạo tốt, nữ phạm nhân được giảm án 3 lần và nằm trong danh sách đặc xá đợt này.
"Tôi đếm từng phút để được về nhà, tôi không dám mong gì nhiều, chỉ ước có cuộc sống bình yên, làm ruộng và chăm con", phạm nhân T. chia sẻ.
Cũng giống như chị T., càng gần đến ngày có quyết định đặc xá, N.T.P. (24 tuổi, quê Nam Định) càng hồi hộp. Hơn 2 năm chấp hành án về tội "làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức", T. luôn day dứt, lo cho đứa con mới 5 tuổi của mình ở nhà.
P. vốn là công nhân may. Khi về Trại giam Ninh Khánh thụ án, cô được cán bộ, quản giáo tạo điều kiện làm ở xưởng may, làm áo khoác xuất khẩu. Mỗi lần nghĩ đến con, đến gia đình, P. càng đặt quyết tâm cải tạo thật tốt để có tên trong danh sách đặc xá.
Còn nam phạm nhân T.M.C. (39 tuổi, quê Hà Nội) khi biết tin mình là một trong 92 người của trại được đặc xá năm nay đã không giấu được niềm sung sướng. Trước khi sa chân vào tù tội, anh cùng một số người kinh doanh về mảng du lịch, có thu nhập ổn định. Cuộc sống của C. lẽ ra đã viên mãn cùng vợ và 2 cô con gái đáng yêu nếu anh ta không có máu cờ bạc trong người.
Cán bộ Trại giam Ninh Khánh động viên, dặn dò T.M.C. trước khi phạm nhân này được đặc xá
Sau lần C. bị công an bắt về tội đánh bạc, bị kết án 3 năm 6 tháng tù giam, công ty du lịch giải thể. Anh đi chấp hành án, để lại người vợ ở nhà loay hoay vừa lo kinh tế, vừa một tay chăm mẹ già thường xuyên đau ốm cùng 2 con đang tuổi ăn học.
Từ một người xê dịch liên tục do làm du lịch, giờ đây thế giới của anh C. chỉ bao quanh 4 bức tường nhà giam lạnh lẽo.
"Những ngày đầu thụ án, tâm trạng tôi rất chán nản, trống vắng. Nhưng cuộc sống không thể quay trở lại như trước. Được cán bộ động viên rằng chỉ có cách duy nhất là cải tạo để được về nhà sớm chứ không còn con đường nào khác, từ đó tôi chỉ biết lao động thật tốt để quên đi bản án của mình cũng như quên đi thời gian phải xa nhà", phạm nhân C. kể lại.
Mỗi năm, vợ C. thu xếp đến trại giam thăm chồng 2-3 lần. Dù nhớ con nhưng anh không muốn bọn trẻ tới thăm để chúng chứng kiến cảnh tù tội của cha. Trong cuộc điện thoại ngắn ngủi gọi về nhà hàng tháng, nam phạm nhân chỉ kịp hỏi thăm tình hình học hành của con, nghe giọng để tưởng tượng 2 con đang trưởng thành từng ngày.
Đêm cuối ở trại giam thật dài khiến anh trằn trọc không sao ngủ được. C. mong đợi sáng hôm sau để cầm trên tay quyết định đặc xá, bước thật nhanh qua cánh cổng trại giam, bỏ lại sau lưng tất cả quá khứ lầm lỗi để bắt đầu cuộc sống mới.
"Tôi sẽ nghỉ ngơi khoảng nửa tháng rồi nghiên cứu thị trường xung quanh cũng như khả năng của mình để tìm kiếm công việc phù hợp. Cũng có thể trong tương lai tôi sẽ tiếp tục theo đuổi nghề du lịch mà mình lỡ dở dang", phạm nhân C. nói, gương mặt tràn đầy hy vọng.
Đại tá Trần Đức Phong, giám thị Trại giam Ninh Khánh.
Đại tá Trần Đức Phong, giám thị Trại giam Ninh Khánh cho biết, năm 2022, thực hiện quyết định của Chủ tịch nước về đặc xá, đơn vị đã rà soát số phạm nhân đủ điều kiện xét duyệt. Đây là những trường hợp có quá trình cải tạo khá tốt và có đủ điều kiện đảm bảo theo quy định của Chủ tịch nước ban hành.
"Theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, lãnh đạo Cục C10, Trại giam Ninh Khánh tổ chức tư vấn về pháp luật đối với phạm nhân được xét duyệt đặc xá năm nay, đồng thời mời trường Cao đẳng nghề Nam Định tới tư vấn, giới thiệu việc làm, giúp phạm nhân sau khi ra trại có định hướng nghề nghiệp phù hợp.
Trại giam Ninh Khánh kết hợp với công an địa phương cấp căn cước công dân cho phạm nhân nằm trong diện được đặc xá. Ngoài mục đích giúp họ sau khi được đặc xá tha tù về sẽ thuận tiện giải quyết các thủ tục hành chính ở địa phương, đây cũng là việc tham gia vào công cuộc số hóa của Chính phủ", Đại tá Trần Đức Phong cho biết thêm.