Măng cụt Việt Nam có giá trị xuất khẩu lớn không kém sầu riêng
Măng cụt là loại cây ăn trái nhiệt đới, được người tiêu dùng đánh giá cao do hương vị chua và ngọt thanh, thời gian bảo quản sau thu hoạch lâu, vỏ dày và dễ vận chuyển đi xa. Măng cụt được gọi là "Nữ hoàng của các loại trái cây" và thường được ghép với sầu riêng - "Vua của các loại trái cây". Nhờ vậy, quả măng cụt có giá trị thương phẩm rất cao và là một trong những loại trái cây có tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu măng cụt trong 5 tháng đầu năm 2019 đạt trên 140 triệu USD, tăng 146% so với cùng kỳ năm 2018. Năm 2023, ước tính Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 115.500 tấn măng cụt, trị giá 270 triệu USD.
Theo số liệu Cục Trồng trọt năm 2019, tổng diện tích trồng măng cụt ở Việt Nam khoảng 7.600 ha, được trồng phổ biến ở 2 vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ với diện tích lần lượt là 3.800 ha và 2.900 ha, cho sản lượng thu hoạch khoảng 26 nghìn tấn và hơn 11 nghìn tấn. Các tỉnh trồng nhiều măng cụt như: Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bình Dương và Đồng Nai.
Măng cụt là loại cây dễ chăm sóc, lợi nhuận cao không thua gì sầu riêng. Tuy nhiên, khác biệt lớn nhất ở chỗ, cây măng cụt là loại cây lâu năm, trồng hơn 10 năm mới cho quả. Do đó, những diện tích trồng măng cụt trong nước hiện nay có lợi thế lớn vì rất khó bị cạnh tranh, trong khi đối thủ chính là Thái Lan đã chủ động giảm năng suất, sản lượng.
Nhiều người "phát cuồng" vì măng cụt
Với những ai sống ngoài vùng khí hậu nhiệt đới hẳn sẽ thấy măng cụt là loại quả khá xa lạ. Tuy nhiên, nhờ quá trình xuất - nhập khẩu, giao thương giữa các quốc gia ngày càng rộng mở thì những loại hoa quả châu Á này đã được biết đến nhiều hơn. Thậm chí giờ măng cụt còn trở thành loại quả rất được ưa thích.
Trong một hội nhóm về ẩm thực quốc tế, quả măng cụt của Việt Nam đã trở thành tâm điểm của sự chú ý và nhiều người đã bày tỏ sự thích thú với loại trái cây này.
Một người tên Susan Tiara cho biết: “Mẹ tôi còn mua cả mấy thùng ăn dần cơ, thời gian đó quả đúng là thiên đường”. Hay Nadia Lymswan lại khá tiếc vì dù rất thèm nhưng giá bán của loại quả này tại nơi ở của cô lại quá đắt, mỗi lần mua chỉ dám mua số lượng ít ăn dần.
Anh Jacky Chang thể hiện sự mê mẩn của mình với măng cụt: “Loại quả ưa thích của tôi. Có lần tôi đã ăn 10kg trong một lúc. Có thể ăn nữa cơ nhưng không có để mà ăn…”.
Bên cạnh đó, măng cụt Việt Nam còn được thị trường hàng đầu thế giới là Trung Quốc ưa chuộng. Măng cụt không phải là giống bản địa ở Trung Quốc, hầu hết người dân ở đây đều không biết nhiều về cây măng cụt. Ở Trung Quốc chỉ trồng được măng cụt ở một số vùng như Đài Loan, Quảng Đông, Vân Nam, Phúc Kiến.
Chất lượng măng cụt trồng ở các vùng khác sẽ bị ảnh hưởng. Do thổ nhưỡng không phải phù hợp nhất để phát triển và thời gian phát triển chậm, 10 năm mới bắt đầu kết trái nên sản lượng măng cụt nội địa được trồng trong nước của Trung Quốc khá thấp, chủ yếu dựa vào nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước
Theo một cuộc khảo sát của Hiệp hội Thương mại Hoa quả Việt Nam, 95% người tiêu dùng Trung Quốc hài lòng với chất lượng măng cụt Việt Nam. Họ cho rằng măng cụt Việt Nam có hương vị thơm ngon, ngọt thanh, thịt quả chắc, hạt nhỏ, và vỏ quả mỏng.
Ngoài ra, măng cụt Việt Nam còn được đánh giá cao về giá cả cạnh tranh. Giá măng cụt Việt Nam thường thấp hơn 10-20% so với măng cụt của các nước khác. Điều này giúp măng cụt Việt Nam có lợi thế cạnh tranh trên thị trường Trung Quốc.
Không chỉ thế giới, măng cụt cũng là loại quả được người Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ quan tâm. Năm 2023, món gỏi gà măng cụt nổi tiếng của Bình Dương bỗng tạo cơn sốt trên khắp các mạng xã hội khiến măng cụt xanh khan hiếm, tăng giá. Cao điểm loại măng cụt xanh được tách vỏ có giá dao động 400.000-500.000 đồng/kg.
Giá bán măng cụt xanh trên nhiều diễn đàn mạng tại Mỹ còn lên tới hơn 120 USD/kg (hơn 2,9 triệu đồng) vì người Việt ở nước ngoài cũng mong muốn được thưởng thức.
"Ăn măng cụt chín ngon 1 phần, thì măng cụt xanh trộn gỏi gà ngon gấp 10 lần. Măng cụt vừa giòn vừa ngọt, không chát một chút nào", một bạn trẻ cho hay.
Có thể thấy, các loại nông sản liên tục thành hot trend như măng cụt, mãng cầu, thanh long,... đang trở thành cơ hội cho người nông dân có thể chủ động tạo thành xu hướng bán hàng hóa sẵn có, tạo lập kinh tế mà không thụ động vào thương lái để tránh trường hợp nông sản Việt được mùa, mất giá.